Nhóm cổ phiếu cơ bản tốt được nhìn nhận sẽ làm các nhà đầu tư dài hạn hài lòng.

Nhóm cổ phiếu cơ bản tốt được nhìn nhận sẽ làm các nhà đầu tư dài hạn hài lòng.

Nhiều nhóm cổ phiếu xứng đáng để đầu tư

(ĐTCK) Với sự vận động của dòng vốn ngoại, ngoài những yếu tố nội tại của Việt Nam thì triển vọng của thị trường chứng khoán năm 2019 sẽ khó tách rời tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới, đặc biệt là quan điểm đầu tư vào thị trường mới nổi.

 Chưa nên bi quan về khả năng suy thoái

Trước hết, chúng ta xem xét 3 nền kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc và EU, các hợp tác đầu tư thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Với Mỹ, khoảng 5 tháng trước, gần như với xác suất 99% thị trường cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tháng 3/2019.

Tuy nhiên, vừa qua, Fed đã tuyên bố khả năng sẽ không tăng lãi suất thêm một lần nào nữa vào năm nay. Thậm chí, thị trường còn kỳ vọng Fed sẽ phải giảm lãi suất vào quý IV.

Điều này cho chúng ta thấy sự biến động một cách chóng mặt về chính sách cũng như số liệu kinh tế toàn cầu trong giai đoạn này. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng đối phó với suy thoái kinh tế một cách quyết liệt.

Nhiều nhóm cổ phiếu xứng đáng để đầu tư  ảnh 1

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Ðầu tư, Dragon Capital. 

Các chỉ số kinh tế của Mỹ đầu năm 2019 suy yếu so với quý IV/2018, nhưng vẫn tích cực. Chỉ số báo trước kinh tế (Leading Economic Indicator) cũng như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vẫn cao hơn nhiều so với các giai đoạn 2011 - 2016. Trong khi đó, chỉ số tâm lý người tiêu dùng duy trì ở vùng cao nhất trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, có một vài chỉ số yếu đi rõ nét như bán lẻ, chỉ số kỳ vọng của các giám đốc tài chính (CFO) về nền kinh tế Mỹ suy giảm đáng kể.

Nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới này suy thoái thì khả năng cao là kinh tế toàn cầu bước sang giai đoạn trì trệ. Mặc dù vậy, các chỉ số hiện nay mới chỉ phát đi tín hiệu nền kinh tế Mỹ có khả năng tăng trưởng chậm lại, nên hiện nay chưa nên bi quan về khả năng suy thoái trong năm 2019.

Nhìn sang Trung Quốc, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay thấp hơn năm ngoái, 6 - 6,5% so với 6,6%. Các chỉ số kinh tế thể hiện rõ điều này, chỉ số PMI nằm dưới mức 50 trong vài tháng qua.

Truyền thông đưa tin về một số trường hợp phá sản, vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp khiến không ít ý kiến tỏ ra quan ngại. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại là kết quả tất yếu của việc giảm hưởng lợi từ cơ cấu dân số và thương mại quốc tế.

Câu hỏi quan trọng là liệu kinh tế Trung Quốc có ổn định không? Với chính sách tài khóa mà Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng để kích thích nền kinh tế, có lẽ sự ổn định là mục tiêu quan trọng hơn tăng trưởng, dư địa về kích thích tài khóa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn còn. Do đó, kỳ vọng kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh hay bất ổn cao không nên là kịch bản cơ sở.

Tại EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giảm dự phóng về tăng trưởng kinh tế từ 1,7% xuống 1,1%, đồng thời lạm phát cũng được dự báo thấp đi đáng kể, từ 1,6% xuống 1,2%.

Khả năng cao là khu vực châu Âu sẽ phải duy trì lãi suất 0% trong một giai đoạn dài. Kinh tế khu vực này đang yếu, khả năng suy thoái kỹ thuật là không thấp, nhưng khả năng khủng hoảng lại khá thấp.

Làn sóng bán tháo của giới đầu tư vào đầu quý I/2019 gợi ra các kịch bản tồi tệ cách đây 10 năm: Có thể xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế, thậm chí khủng hoảng hay không? Với những số liệu kinh tế hiện nay và cách hành xử của các ngân hàng trung ương, câu trả lời của tôi là không dễ.

Quan điểm của cá nhân, năm 2019, nếu kinh tế Mỹ yếu đi, Tổng thống Donald Trump rất có khả năng sẽ không còn tỏ thái độ với Trung Quốc. Ngược lại, phía Trung Quốc tiếp tục có những động thái để không làm xấu đi tình trạng chiến tranh thương mại hiện nay.

Vấn đề tài khóa và nợ của Mỹ đang nhận được sự chú ý của giới đầu tư, đây có thể là yếu tố quan trọng để USD không mạnh lên. Sự suy yếu của "đồng bạc xanh" thường tỷ lệ nghịch với sự tăng trưởng của thị trường mới nổi. 

Dự cảm bức tranh kinh tế Việt Nam...

Không có sự ổn định thì không có tăng trưởng tốt được và lạm phát là chỉ số quan trọng nhất trong việc ổn định nền kinh tế. Tôi cho rằng, lạm phát năm 2019 của Việt Nam sẽ trong vòng kiểm soát, bất chấp việc tăng giá điện gần đây.

Nhìn lại đầu năm 2018, nhiều quan ngại lạm phát sẽ tăng trên 5%, nhưng kết thúc năm, lạm phát chỉ khoảng 3%, dù diễn biến giá dầu bình quân tăng 30 - 40% so với năm 2017 và giá thịt lợn tăng gấp đôi. Vì vậy, có cơ sở để dự báo, năm 2019, lạm phát vào khoảng 3 - 4% trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới yếu đi, nhu cầu về các nguyên liệu đầu vào không cao.

Xu thế lạm phát liên quan mật thiết với xu hướng lãi suất. Khi lạm phát được kiềm chế và lãi suất trên thế giới đang có xu hướng tăng chậm lại, dư địa cho việc ổn định lãi suất, thậm chí giảm mặt bằng lãi suất, là hoàn toàn có thể.

Riêng lãi suất tín dụng bất động sản có thể cao hơn mặt bằng chung của các ngành khác khi được kiểm soát chặt hơn. Với mức lãi suất điều chỉnh tăng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều dư địa kinh doanh khi chi phí vốn vẫn ở mức hợp lý trong nhiều năm qua.

Về tỷ giá, theo tôi, USD yếu đi do biến động của nhân dân tệ sẽ không cao như năm 2018, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 1 - 1,5% trong năm 2019. Năm ngoái, đồng Việt Nam mất giá 2,5%, nhưng ở mức thấp nhất so với ngoại tệ của các quốc gia trong khu vực.

Một yếu tố cần lưu ý là năm 2019, tích lũy ngoại hối mới của Việt Nam sẽ có thể không dồi dào như 2 năm qua. Lý do, dòng vốn FDI đầu tư Việt Nam giai đoạn vừa qua bùng nổ, đạt kỷ lục, nên năm 2019 sẽ khó có đột phá.

Trong khi đó, lượng tiền kiều hối những năm qua dao động thất thường. Ở khía cạnh khác, cần lưu ý dòng vốn chuyển hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI mang về nước họ ngày càng lớn, hiện tại là 11 - 12 tỷ USD/năm, gây sức ép lên dự trữ ngoại tệ.

Về tăng trưởng, có lẽ số công bố sẽ không cao như năm 2018 do không có đột biến về sản lượng của Formosa và Samsung. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế chung vẫn rất ổn, tăng trưởng không phải là vấn đề quan ngại hiện tại.

Nhìn chung, kinh tế vĩ mô Việt Nam 2019 sẽ tiếp tục ổn định. Các cú sốc từ kinh tế quốc tế sẽ ít hơn năm 2018. Nhu cầu thế giới yếu đi, nhưng chưa đến mức bi quan. Cơ hội và thách thức đan xen cho nền kinh tế. 

… Và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán

Ổn định kinh tế là một tiền đề quan trọng đối với thị trường chứng khoán. Sự thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương và sự dịu đi của chiến tranh thương mại sẽ làm tiền đề cho sự ổn định hơn trong năm 2019 so với năm 2018 cho kinh tế thế giới cũng như Việt Nam năm nay.

Nếu kinh tế Mỹ yếu đi, nhưng không bước vào suy thoái sâu và USD không mạnh lên, có lẽ thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, sẽ được hưởng lợi.

Định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chia làm 2 cực khác nhau. Một nhóm cổ phiếu lớn đang được định giá khá cao. Tuy nhiên, một nhóm lớn cổ phiếu khác đang được định giá hấp dẫn. Nhìn chung, thị trường đang được định giá với P/E khoảng 13,5 lần, tăng trưởng lợi nhuận khoảng 12%.

Nếu nhìn kỹ hơn vào toàn thị trường, ngoại trừ nhóm Top 5 cổ phiếu lớn nhất, thì thị trường chứng khoán đang được giao dịch ở mức định giá P/E khoảng 11 lần. Đây là một mức định giá tương đối thấp.

Với tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm tới, tôi cho rằng, có nhiều nhóm cổ phiếu xứng đáng để đầu tư.

Chẳng hạn, ngành ngân hàng đang xuất hiện các cổ phiếu có mức định giá tốt. Hay một số cổ phiếu ngành bán lẻ đang được định giá thấp, trong khi đây là ngành hấp dẫn, với việc hình thành ngày càng nhiều người thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao.

Thị trường chứng khoán sẽ có các nhịp lên xuống và những khó khăn ngắn hạn. Tuy nhiên, chọn những cổ phiếu cơ bản, điều hành tốt và có lợi thế cạnh tranh, nhà đầu tư sẽ không thất vọng nếu đầu tư dài hạn.

Tin bài liên quan