Nhiều hàng tốt cho TTCK bắt đầu ra "sạp"

Nhiều hàng tốt cho TTCK bắt đầu ra "sạp"

(ĐTCK) Ngày 20/2/2014, 77 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Viglacera sẽ “mở hàng” cho hoạt động bán cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở GDCK Hà Nội (HNX).

Ngay sau đó, ngày 21/2/2014, hơn 7 triệu cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng cũng sẽ được bán đấu giá lần đầu tại HNX.

Tại Sở GDCK TP. HCM, Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 sẽ "mở hàng" đấu giá bán cổ phần lần đầu vào ngày 18/2/2014. Khởi đầu với 3 thương vụ bán vốn lớn, TTCK sơ cấp năm 2014 được dự báo sẽ sôi động hơn hẳn các năm trước. Các Sở GDCK sẽ bận rộn nhiều hơn, các nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa hơn và các CTCK sẽ có thêm nhiều việc làm mới. Đó là những chuyển động tích cực dự báo sẽ diễn ra trong năm này.

Quyết liệt về chủ trương bán vốn Nhà nước của Chính phủ, sự vào cuộc của các Sở, các tổ chức tài chính trung gian được thể hiện rõ nét ngay từ đầu năm, nhưng có bán được hay không lại phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có sẵn sàng bỏ tiền mua không? 

Năm 2013, theo chia sẻ của Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh, HOSE thực hiện được 32 đợt đấu giá bán cổ phần cho các DN, gấp hơn 2 lần về số lượng so với năm 2012, nhưng số vốn thực bán được rất hạn chế. Tại HNX, năm 2013, Sở thực hiện được 23 phiên đấu giá, nhưng chỉ huy động được gần 700 tỷ đồng cho các DN.

Điểm sáng của năm 2013 là Sở thực hiện bán vốn cho 6 tổng công ty nhà nước (Tổng công ty Chăn nuôi, Cơ điện - xây dựng và nông nghiệp thủy lợi, Mía đường I, Công nghiệp Ô tô VN, Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh), trong khi năm 2012 chỉ thực hiện được với 1 tổng công ty. Tuy vậy, số vốn huy động được của các tổng công ty năm này chỉ đạt trên 206 tỷ đồng, một con số nhỏ bé so với lượng chào bán ra thị trường.

Vậy làm thế nào để DNNN bán được cổ phần trong các đợt IPO? Đặt câu hỏi này với Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng, ông cho rằng, điều quan trọng nhất là công tác xác định giá trị tại DN. "Với những DN kinh doanh thua lỗ, cần nghiên cứu cơ chế cho DN được bán cổ phần dưới mệnh giá như cách SCIC được thực hiện để thoái vốn đầu tư", ông Dũng nói.

Một cách làm khác là các DNNN cũng cần nỗ lực tái cơ cấu trước để tự làm mới mình, tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư, thì khi chào bán ra công chúng mới có thể thu hút được các dòng vốn từ xã hội.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam phải cổ phần hóa 500 DNNN, trong khi đó, đến hết năm 2013, cả nước mới cổ phần hóa chưa được 100 DNNN. Còn 400 DNNN phải cổ phần hóa năm nay và năm tới, chưa kể hàng nghìn DN cổ phần, đang cần thoái vốn Nhà nước trong giai đoạn này.

3 cuộc bán vốn đầu tiên năm 2014 là 3 cuộc bán vốn cấp tổng công ty. Hy vọng, sự khởi đầu hoành tráng này sẽ kích hoạt công tác IPO năm 2014 sôi động hơn các năm trước. Nguồn cung hàng là rất nhiều, nhưng để "tiêu thụ" được, cần có một chiến lược giá hợp lý, cách bán hợp lý, đồng thời cần hơn nữa là Chính phủ có các giải pháp tăng niềm tin cho nhà đầu tư, khích lệ các dòng tiền đổ vào thị trường đặc biệt này.

Tin bài liên quan