Nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể biến mất vì Covid-19

Nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể biến mất vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện tại là giai đoạn thử thách, các doanh nghiệp phải tự thích nghi, tự thay đổi, đặc biệt là quản trị công ty.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Đầu tư, Dragon Capital cho rằng, nếu đơn thuần nhìn vào chỉ số tài chính để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 như tiền mặt cuối kỳ, hay tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, thì nhiều doanh nghiệp lớn đều đang ở tình trạng tốt.

Các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn. Với tình hình hình như hiện nay, thì qua đợt Covid-19 này, các doanh nghiệp lớn sẽ chiếm thêm được thị phần, còn nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể biến mất.

Các diễn giả tại Hội nghị Đầu tư InvestASEAN Việt Nam trực tuyến do Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng tổ chức cùng chung quan điểm, đây là giai đoạn thử thách, các doanh nghiệp phải tự thích nghi, tự thay đổi, đặc biệt là quản trị công ty.

Tuy nhiên, hiện tại chưa cần có ngay một gói kích thích. Ông Nguyễn Đức Khương, Tổ tư vấn kinh tế kinh tế của Thủ tướng nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho rằng, trước mắt hãy để doanh  nghiệp tự thích nghi, thay đổi để phát triển.

Còn ông Lê Tuấn Anh chia sẻ, dưới góc độ quan điểm cá nhân, tại Việt Nam, cơ chế chuyển tải phần hỗ trợ không như các nước phát triển, chậm hơn nhiều, nên việc kích thích tăng tiêu dùng thông qua các gói hỗ trợ không thực sự khả thi.

Số lượng người thất nghiệp trong đợt Covid-19 tháng 3 là hơn 2 triệu người, chiếm khoảng 3% tổng số lao động, trong khi có nhiều gia đình vẫn duy trì công việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nên một phần trong số đó có thể sẽ có thêm lựa chọn quay về trợ giúp công việc cho gia đình.

Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp thấp và họ vẫn đang tạm có việc để làm, sẽ không gây bất ổn xã hội. Do vậy, các chính sách chuyển tải phần tiền kích thích sẽ không hiệu quả.

Các diễn giả cho rằng, vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ nền kinh tế vượt quá giai đoạn khó khăn hiện nay là tập trung vào chính sách tài khóa - kích thích đầu tư công, hạ tầng cơ sở.

Hạ tầng cơ sở khi được đầu tư đúng mức sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển vào Việt Nam.

Nếu Chính phủ quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công thì sẽ vừa hỗ trợ tăng trưởng GDP trong ngắn hạn, vừa đặt nền tảng cho Việt Nam bứt phá trong dài hạn.

Thống kê các doanh  nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy, đa phần đều sụt giảm lợi nhuận, nhất là khối bất động sản. Điểm tích cực là không ít doanh nghiệp lớn có lợi nhuận dương từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu như thực phẩm, điện… ghi nhận tăng trưởng tốt.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể biến mất vì Covid-19 ảnh 1

Trong quý II/2020, VHM dẫn đầu về con số lợi nhuận tuyệt đối khi đạt 3.758,5 tỷ đồng, nhưng giảm phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái; vị trí thứ hai là HPG với 2.742,8 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể biến mất vì Covid-19 ảnh 2

Đáng chú ý, 2 doanh  nghiệp có mức tăng lợi  nhuận  ấn tượng là PGV (trong lĩnh vực sản xuất và phân phối điện), tăng 3.557,7%, đạt 1.096 tỷ đồng và DBC tăng 5.228,8%, đạt 401,4 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khác có lợi nhuận tăng mạnh là PSD (phân phối hàng chuyên dụng), tăng 1.532%, đạt  236,4 tỷ đồng; DPM tăng 969,9%, đạt 303 tỷ đồng; DHC tăng 212,3%, đạt 78,9 tỷ đồng; HND tăng 31,5%, đạt 545,8 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể biến mất vì Covid-19 ảnh 3

Trong khi đó, những doanh nghiệp thua lỗ lớn chủ yếu do có “vết” kinh doanh kém hiệu quả từ trước, hoặc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như du lịch, vận tải.

Con số tuyệt đối về lỗ lớn nhất là BSR, do chịu ảnh hưởng kép từ đại dịch Covid-19 và giá dầu sụt giảm.

Quý II/2020, công ty này đạt 13.737 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2019; lỗ sau thuế 1.898 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên 4.255 tỷ đồng.

Theo BSR, do đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của nhà máy lọc dầu nên nhà máy luôn phải duy trì lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến từ dầu thô ra sản phẩm.

Do đó, khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng bởi tồn kho có giá cao hơn thị trường.

Trường hợp của KHP gây bất ngờ khi báo lỗ gần 15 tỷ đồng trong quý II/2020, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 219 tỷ đồng.

Theo KHP, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến sản lượng điện thương phẩm và giá bán đều giảm, dẫn đến doanh thu giảm mạnh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện miễn, giảm giá điện đến hết tháng 6/2020 để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo quy định của Nhà nước là hơn 92 tỷ đồng.

Tin bài liên quan