Để được nới room, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rút bớt ngành nghề kinh doanh hay thoái vốn khỏi các ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Để được nới room, nhiều doanh nghiệp sẽ phải rút bớt ngành nghề kinh doanh hay thoái vốn khỏi các ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Nhiều doanh nghiệp “ngậm ngùi” với kế hoạch nới room

(ĐTCK) Nới room không chỉ là vấn đề được các cổ đông quan tâm, mà lãnh đạo không ít doanh nghiệp cũng mong muốn thực hiện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không phải cứ muốn là được.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, không ít lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, bản thân HĐQT đã xem xét vấn đề nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (nới “room”) và mong muốn được mở room tối đa để huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, trong đó có lĩnh vực thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nên hiện tại đành phải nói không với kế hoạch nới room, chờ pháp luật có hướng dẫn cụ thể.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Gemadept (GMD) vừa qua, vấn đề nới room một lần nữa được các cổ đông đề xuất với Ban lãnh đạo Công ty. Ông Đỗ Văn Minh, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc GMD cho biết, bản thân Công ty mong muốn được mở room để nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn và đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, GMD đang có các công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải nội địa như vận tải đường bộ và đường thủy, vốn là lĩnh vực hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của GMD tại các công ty này hiện khoảng 49%, nên doanh nghiệp được nới room hay không còn phải chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Về mặt kỹ thuật, GMD có thể được phép nới room nếu chấp nhận thoái vốn ở các công ty con và công ty liên kết có ngành nghề kinh doanh thuộc danh mục “có điều kiện”. Theo ông Minh, Ban lãnh đạo GMD sẽ cân nhắc và xem xét kỹ vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng có vướng mắc tương tự như GMD khi xem xét kế hoạch nới room, nhưng quyết định rút bớt ngành nghề kinh doanh hay thoái vốn khỏi các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không dễ dàng, nhất là khi ngành nghề đó nằm trong chiến lược phát triển của công ty.

Chẳng hạn, HĐQT CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, TCM chưa thể nới room vì quy định hạn chế sở hữu nước ngoài ở lĩnh vực bất động sản và bán lẻ thời trang, trong khi lĩnh vực bán lẻ thời trang vốn là lợi thế và nằm trong chiến lược phát triển của Công ty. Hiện tại, TCM đang hợp tác chiến lược với Tập đoàn bán lẻ E-Land của Hàn Quốc để mở rộng hoạt động bán lẻ thời trang tại Việt Nam. Công ty cũng đã lên kế hoạch thăm dò thị trường thông qua việc thành lập công ty con TC-Eland.

Đối với một số doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, quyết định nới room phụ thuộc phần lớn vào kế hoạch thoái vốn của cổ đông nhà nước. Chẳng hạn, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2016 của CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM), nhiều cổ đông mong muốn CSM nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nhưng ông Phạm Hồng Phú, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CSM chia sẻ, HĐQT chưa thể thống nhất chủ trương mở room để trình đại hội vì Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chưa có ý định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty (Tập đoàn này sở hữu trên 51% cổ phần CSM).

Nhiều ý kiến cho rằng, ngay cả khi doanh nghiệp quyết định nới room lên 100% thì nhà đầu tư nước ngoài cũng khó có thể tăng tỷ lệ sở hữu, nếu cổ đông lớn nhà nước không bán ra cổ phần.

Tuy nhiên, một trong những doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể kỳ vọng là CTCP Sữa Việt Nam (VNM). Ngày 21/5 vừa qua, HĐQT VNM, trong đó có sự đồng thuận của hai cổ đông lớn nhất có chân trong HĐQT là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC, sở hữu 45,06% cổ phần) và F&N Dairy Investment Pte Ltd (sở hữu 11,03% cổ phần), đã quyết định tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại VNM từ 49% lên 100%.

Được biết, trước khi Chính phủ yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, trong đó có VNM, thì VNM đã có nhiều lần kiến nghị về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không được chấp thuận.

Tin bài liên quan