Nhiều doanh nghiệp thép dự báo doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2018, bên cạnh những doanh nghiệp ngành thép báo lãi lớn, có không ít doanh nghiệp lợi nhuận bị bào mòn do hàng tồn kho giá cao, quản lý chi phí chưa hiệu quả...
Quý III/2018, VCA đạt doanh thu thuần gần 641 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 5 tỷ đồng, giảm 74%
Đơn cử, CTCP Thép Vicasa - VNSteel (VCA) vừa công bố Báo cáo tài chính quý III/2018 với doanh thu thuần đạt gần 641 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 5 tỷ đồng, giảm 74% do mức tăng giá vốn hàng bán cao hơn mức tăng doanh thu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VCA đạt xấp xỉ 1.968 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 57% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 32%, đạt 28,6 tỷ đồng và hoàn thành 71,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp thép quy mô lớn cũng đang đối diện với việc sụt giảm lợi nhuận, cho dù doanh thu vẫn duy trì đà tăng trưởng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm, nhưng trong đó, áp lực cạnh tranh tăng trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu khiến các nhà sản xuất thép khó có thể chuyển phần chi phí đầu vào tăng cho người tiêu dùng.
Hiện tại, ở thị trường thép trong nước, 3 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường là Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) đều tăng công suất lên khoảng 70% trong giai đoạn 2017-2018, cao hơn khoảng 40% tăng trưởng của tổng sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong cùng thời kỳ.
Báo cáo về ngành thép của CTCK Sài Gòn (SSI) cho thấy, tăng trưởng sản lượng tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu của doanh nghiệp ngành thép đã suy giảm đáng kể trong năm 2018. Cả HSG và NKG đều được hưởng lợi từ chu trình sản xuất ngày càng khép kín, nhưng gánh nặng giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận sụt giảm.
SSI dự báo doanh thu niên độ tài chính 2018 của HSG sẽ đạt khoảng 35.904 tỷ đồng, tăng 37% so với niên độ 2017, nhưng do áp lực giảm giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường ngày một lớn trong khi lượng hàng tồn kho cao, khiến tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu tăng cao, nên lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 48%, đạt 697 tỷ đồng (đã bao gồm 100 tỷ đồng thu nhập bất thường từ việc thoái vốn khỏi Cảng Hoa Sen - Gemadept sẽ ghi nhận trong quý IV/2018).
Tương tự, SSI dự báo doanh thu của NKG tăng trưởng 38% lên 17.400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm 37% xuống 443 tỷ đồng trong năm 2018.
Tại CTCP Thép Việt Ý (VIS), đại diện Công ty cho biết, năm nay, nhiều khả năng VIS sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng đề ra, tức tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2017, nhưng việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 90,4 tỷ đồng là một thách thức khi Công ty đang đối mặt nguy cơ thua lỗ (6 tháng đầu năm 2018, VIS ghi nhận lỗ 68 tỷ đồng).
Lý giải về việc lợi nhuận không theo kịp doanh thu, đại diện VIS cho biết, chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tiếp tục tăng kể từ cuối năm 2017, khiến giá thành sản xuất tăng cao, trong khi giá thép đầu ra không tăng.
Doanh nghiệp cao su tự nhiên: Doanh thu giảm, lợi nhuận tăng
Với doanh nghiệp cao su tự nhiên, tuy doanh thu cũng tỷ lệ nghịch với lợi nhuận, nhưng theo chiều hướng tích cực. Chẳng hạn, tại CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 đạt 666,6 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 50,3%, đạt 348,2 tỷ đồng.
Theo PHR, lợi nhuận tăng trưởng chủ yếu nhờ nguồn thu từ hoạt động tài chính và thanh lý cây cao su, trong đó Công ty mẹ PHR ghi nhận 186,6 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động khác, tăng 51% so với cùng kỳ.
Một phần lý do giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su tự nhiên tăng trưởng đến từ việc thanh lý vườn cây cao su, trong khi hoạt động kinh doanh chính không thực sự khả quan.
Với CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), công ty này ước đạt 576,6 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2018, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, nhưng lợi nhuận trước thuế ước tăng hơn 21 tỷ đồng, đạt 243,3 tỷ đồng. Với kết quả này, DPR đã hoàn thành 73,8% kế hoạch doanh thu và 99% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Thực tế cho thấy, một phần lý do giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su tự nhiên như PHR hay DPR tăng trưởng đến từ việc thanh lý vườn cây cao su, trong khi hoạt động kinh doanh chính không thực sự khả quan vì giá cao su xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2017 do biến động chung trên thế giới.
Điều này khiến không ít doanh nghiệp ngành này ghi nhận kết quả lợi nhuận sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ.