Sau khi đạt lợi nhuận đột biến năm 2016, DBC đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay 320 tỷ đồng, giảm 40%

Sau khi đạt lợi nhuận đột biến năm 2016, DBC đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay 320 tỷ đồng, giảm 40%

Nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch thụt lùi

(ĐTCK) Lo ngại về khả năng chịu những yếu tố bất lợi tác động, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các chỉ tiêu kinh doanh năm nay theo hướng giảm so với thực hiện năm 2016.

Sự thận trọng của doanh nghiệp

Năm 2017, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (DMP), Công ty đặt mục tiêu năm nay đạt doanh thu 7.743 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 823 tỷ đồng, giảm lần lượt 2,29% và 28,5% so với năm 2016.

Tương tự, Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS) vừa công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2017. Theo đó, PVS đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng, kế hoạch này giảm mạnh so với kết quả đạt được năm 2016 (doanh thu 18.719 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 858,5 tỷ đồng).

Tổng công ty cổ phần Khoan và Kỹ thuật khoan Dầu khí (PVD) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm nay thấp hơn mức thực hiện năm ngoái.

Nhìn chung, đa số doanh nghiệp dầu khí có cấu trúc tài chính tốt, nhiều dự án lớn và tiềm năng, nhưng doanh nghiệp đưa ra kế hoạch kinh doanh ở mức thấp, bởi giá dầu có diễn biến khó lường.

Thực tế, giá dầu biến động bất thường trong 3 năm trở lại đây khiến nhiều dự án khai thác, thăm dò dầu khí phải tạm dừng, hoặc giãn tiến độ triển khai, những doanh nghiệp trong lĩnh vực khoan và dịch vụ khoan dầu khí bị tác động khi khối lượng công việc giảm mạnh. Trong bối cảnh nỗi lo giá dầu giảm mạnh vẫn thường trực, việc duy trì dòng tiền dương và bảo đảm duy trì lợi nhuận là thử thách lớn với các doanh nghiệp ngành dầu khí.

Cổ đông chờ mùa đại hội để chất vấn

Sau năm 2016 khá thành công, một số doanh nghiệp gây bất ngờ với cổ đông khi công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2017 ở mức thấp. Ngoài những cái tên trên, còn có Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam (PGS). Hội đồng quản trị PGS đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 để trình Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp sắp tới, với chỉ tiêu doanh thu 4.746 tỷ đồng, lợi nhuận 125 tỷ đồng, giảm 70% so với lợi nhuận thực hiện năm 2016. Kế hoạch này khiến nhiều cổ đông bất ngờ, bởi trong 5 năm trở lại đây, lợi nhuận trước thuế ghi nhận của PGS đều đạt trên 200 tỷ đồng.

Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, PGS dự định sẽ thực hiện giải ngân gần 203 tỷ đồng, trong đó 192,5 tỷ đồng phục vụ cho đầu tư xây dựng cơ bản.

Năm 2016 cũng là năm “ghi dấu ấn” của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (DBC) khi Công ty đạt kết quả kinh doanh cao nhất kể từ khi niêm yết, với doanh thu đạt 8.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 451 tỷ đồng, vượt 55% kế hoạch.

Kết quả kinh doanh đột biến, theo DBC là do hoạt động chăn nuôi của Công ty phát triển mạnh, với tổng quy mô đàn gia súc, gia cầm trong dân tăng mạnh. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2016 của DBC còn đến từ hoạt động chuyển nhượng toàn bộ Dự án Khu công nghiệp Quế Võ III và ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động này là 118 tỷ đồng.

Chính vì vậy, năm 2017, DBC đặt kế hoạch doanh thu 9.265 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng (giảm 40% so với thực hiện năm 2016), trong đó lợi nhuận từ lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính là 260 tỷ đồng. Kế hoạch này khiến cổ đông không khỏi ngỡ ngàng và chờ đợi đến kỳ đại hội để chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp. 

Tin bài liên quan