Nhiều doanh nghiệp chưa quản trị công ty đúng luật

Nhiều doanh nghiệp chưa quản trị công ty đúng luật

(ĐTCK) Buổi tập huấn việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông và quan hệ nhà đầu tư dành cho các doanh nghiệp niêm yết sẽ được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế tổ chức sáng 23/2/2017.

Chiều cùng ngày sẽ diễn ra sự kiện họp báo, công bố khởi động Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên 2017 đến các doanh nghiệp và toàn thị trường.

Mùa Đại hội đồng cổ đông 2017 là mùa thứ 2 các doanh nghiệp niêm yết nói riêng, doanh nghiệp đại chúng nói chung thực hiện việc tổ chức, quản trị công ty theo Luật Doanh nghiệp mới. Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, thực tiễn giám sát các doanh nghiệp cho thấy, có nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến việc thiết lập quản trị tốt trong doanh nghiệp, thậm chí thực hiện chưa đúng với tinh thần và nội dung về quản trị doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp, chưa nhận thức thấy lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp khi thiết lập khung quản trị tốt.

Đây cũng là lý do khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch chứng khoán sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, giúp doanh nghiệp nhận diện những điểm yếu, điểm thiếu, điểm sai trong cách thức quản trị hiện hành.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một doanh nghiệp được đánh giá là quản trị đúng luật và hiệu quả nếu tuân thủ đồng thời 5 nguyên tắc gồm: Quyền của cổ đông/Đối xử bình đẳng với cổ đông/Vai trò của các bên liên quan/Công bố thông tin và minh bạch/Trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Khảo sát thực tế tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) năm 2016 cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ đúng các nguyên tắc quản trị công ty.

Cụ thể, liên quan đến quyền cổ đông, điểm các doanh nghiệp mắc lỗi nhiều nhất là không công bố người liên lạc đến cổ đông, nhà đầu tư. Có đến 182 doanh nghiệp/344 doanh nghiệp niêm yết tại HNX bị mắc lỗi này trong mùa đại hội năm 2016. Khảo sát cũng cho thấy, có trên 150 doanh nghiệp không có chính sách cho phép cổ đông phê duyệt các giao dịch đối với các bên liên quan, một quy định mà doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp mới.

Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện là cung cấp thông tin liên quan đến các công ty kiểm toán để cổ đông có thể tìm hiểu về loại công ty này trước khi bỏ phiếu tại Đại hội, nhưng khảo sát thực tế cho thấy, có gần 60% số doanh nghiệp niêm yết “quên” trách nhiệm này.

Liên quan đến việc đề cử thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, đây là hai đơn vị đại diện cho cổ đông trong quá trình hoạt động và điều hành doanh nghiệp. Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát độc lập và hiệu quả sẽ hoạt động vì lợi ích cho cổ đông và doanh nghiệp, tránh các xung đột lợi ích.

Do đó, cổ đông phải được tham gia vào các quyết định quan trọng về quản trị công ty như đề cử, bầu chọn các thành viên Hội đồng quản trị và phải được bày tỏ quan điểm đối với chính sách thù lao của Hội đồng quản trị và các lãnh đạo chủ chốt.

Tuy nhiên, liên quan đến quyền bầu cử và bãi nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị của cổ đông, khảo sát của HNX cho biết mới có khoảng 75% doanh nghiệp niêm yết đề cập đến quyền gộp số quyền biểu quyết để đề cử ứng viên Hội đồng quản trị. Đây là phương pháp biểu quyết quan trọng, có thể cho phép cổ đông nhỏ lẻ có tiếng nói trong việc lựa chọn thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Có 50% số doanh nghiệp được đánh giá không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các ứng viên Hội đồng quản trị trong bộ tài liệu họp để cổ đông có thể tìm hiểu về các ứng viên này trước khi bỏ phiếu. Các thông tin này phải bao gồm: (1) trình độ chuyên môn, (2) quá trình công tác, (3) tên các doanh nghiệp mà ứng viên đang nắm giữ chức vụ quản lý, (4) các lợi ích liên quan tới doanh nghiệp (nếu có).

Thông tin này cho phép cổ đông đánh giá liệu người được đề cử có đủ những kỹ năng mà Hội đồng quản trị đang cần hay không, cũng như người đó có đủ thời gian để toàn tâm, toàn ý thực hiện các nhiệm vụ của công ty không, ngay cả trong trường hợp nếu người đó đang kiêm nhiệm cả những chức vụ trong các Hội đồng quản trị khác. Tỷ lệ này năm 2015 thậm chí còn cao hơn (54,5%).

Như vậy, việc cổ đông tiếp cận được các thông tin về các ứng viên còn rất hạn chế làm ảnh hưởng đến quyết định chính xác của cổ đông.

Theo đánh giá của HNX, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây, cổ đông ngày càng quan tâm hơn đến chính sách lương thưởng của công ty, đặc biệt là thù lao của các thành viên Hội đồng quản trị và các vị trí quản lý cấp cao. Kết quả đánh giá thực tế cho thấy, việc cổ đông tham gia biểu quyết chính sách và mức lương thưởng của thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát tại còn nhiều hạn chế.

Chỉ có 44% Đại hội thông qua thù lao hoặc lương thưởng, chi phí, các khoản lợi ích do công ty thanh toán cho các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trong khi đó, khoảng 35% Đại hội chỉ thông qua một số tổng thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mà không thông qua cho từng thành viên.

Về mô hình quản trị (*), ông Phan Đức Hiếu cho biết, một trong những thay đổi quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp là bổ sung mô hình quản trị mới cho sự lựa chọn của các công ty. Theo thông lệ quốc tế, mô hình mới này gọi là mô hình đơn hội đồng, mô hình mà các thực tiễn tốt quốc tế về quản trị doanh nghiệp, như OECD, Basel, G20… đều áp dụng. Tuy nhiên, gần như chưa có công ty nào ở nước ta chuyển sang áp dụng quản trị theo mô hình mới này.

Thay đổi quan trọng nữa của Luật Doanh nghiệp là bổ sung các quy định về trách nhiệm người quản lý công ty, đặc biệt là trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị.

Theo Luật Danh nghiệp, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc có trách nhiệm thực hiện các quyền được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất vì lợi ích của công ty, trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông, minh bạch các lợi ích của mình tại các công ty khác. Việc vi phạm trách nhiệm này dẫn đến trách nhiệm cá nhân người quản lý bồi thường thiệt hại cho công ty và là cơ sở xem xét để bãi nhiệm.

Trên thực tế, nhận thức về trách nhiệm của người quản lý là còn rất hạn chế kể cả đối với chính người quản lý và cổ đông có liên quan. Hiện tượng vẫn xảy ra như: người quản lý không coi trọng cổ đông, không trả lời hoặc không trả lời thỏa đáng chất vấn cổ đông tại cuộc họp, không cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về hoạt động kinh doanh cho cổ đông, thực hiện nhiệm vụ chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một hoặc nhóm cổ đông lớn. 

(Đón xem bài viết đầy đủ trên Chuyên đề “Mùa đại hội 2017: Gieo niềm tin để vững tiến” trên Đầu tư Chứng khoán số ra ngày 24/2/2017).

Tin bài liên quan