Nhiều công ty chứng khoán không muốn ban kiểm soát

Nhiều công ty chứng khoán không muốn ban kiểm soát

(ĐTCK) Để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí hoạt động, nhiều công ty chứng khoán muốn áp dụng mô hình quản trị không có ban kiểm soát.

Mang tiếng hình thức

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình: có hoặc không có Ban kiểm soát, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.

Theo quy định tại Thông tư 210/2012/TT-BTC và Thông tư 07/2015/TT-BTC (sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC) hướng dẫn thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, bộ máy quản trị của công ty chứng khoán là công ty cổ phần bao gồm đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc…

Với quy định trên, phản ánh từ phía các công ty chứng khoán cho thấy, họ không được áp dụng mô hình quản trị không có ban kiểm soát. Trong khi đó, trên thực tế, việc duy trì hoạt động của ban kiểm soát vừa mang tính hình thức, vừa khiến bộ máy cồng kềnh, tốn chi phí hoạt động.

Chiểu theo quy định hiện hành, ban kiểm soát có nhiều quyền “to” hơn hội đồng quản trị, ban giám đốc, nhưng thực tế không phải như vậy.

Cụ thể, ban kiểm soát thực hiện giám sát hội đồng quản trị, giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty; thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo đánh giá công tác quản lý của hội đồng quản trị.

Khi phát hiện có thành viên hội đồng quản trị, giám đốc vi phạm quy định pháp luật doanh nghiệp, ban kiểm soát phải thông báo ngay bằng văn bản với hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm. Hội đồng quản trị, giám đốc phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của thành viên ban kiểm soát...

Tuy nhiên, những quyền hạn trên của ban kiểm soát chủ yếu tồn tại… trên giấy, bởi thực tế cho thấy, các nhân sự trong hội đồng quản trị, ban giám đốc tại hầu hết công ty là ông chủ, còn nhân sự trong ban kiểm soát chỉ là người làm thuê (được tuyển dụng vào làm việc ở một số phòng, ban và được ông chủ trả lương).

Lãnh đạo một công ty chứng khoán đang niêm yết, đồng thời là một trong những ông chủ tại công ty này chia sẻ, ban kiểm soát hoạt động hình thức, gần như chẳng làm gì. Biết là duy trì hoạt động của bộ phận này chỉ khiến bộ máy nhân sự của công ty cồng kềnh, tốn chi phí, nhưng công ty không thể làm khác vì phải lập cho đủ ban bệ theo quy định.

Đề xuất hướng tháo gỡ

Từ thực tế trên, nhiều công ty chứng khoán mong muốn cơ quan quản lý cho phép công ty được áp dụng mô hình quản trị không có ban kiểm soát.

“Chúng tôi đem đề xuất này trao đổi với bộ phận chuyên môn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng đến nay chưa có câu trả lời”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nói.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy đề xuất trên là xác đáng, giúp công ty tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hoạt động, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng quản trị chặt chẽ, thì có thể đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 210/2012/TT-BTC và Thông tư số 07/2015/TT-BTC theo hướng nâng cấp thành nghị định (vì cấp thông tư không được đặt ra điều kiện mà đối tượng áp dụng phải tuân thủ), với nội dung cho phép công ty chứng khoán được lựa chọn áp dụng một trong hai mô hình quản trị như quy định của Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai, trường hợp Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước muốn tạo ra những cải cách căn cơ, bài bản hơn đối với hoạt động quản trị của công ty chứng khoán (không chỉ cho phép được áp dụng mô hình quản trị không có ban kiểm soát) như mong muốn từ phía các tổ chức này, chẳng hạn cho phép công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thì cần xem xét bổ sung các quy định trong quá trình sửa Luật Chứng khoán đang được triển khai.

Tin bài liên quan