Nhiều cổ phiếu nóng bỏng tay

Nhiều cổ phiếu nóng bỏng tay

(ĐTCK) Với đà tăng ngoạn mục của chỉ số VN-Index, chỉ số P/E bình quân toàn thị trường đã cán mốc 20 lần. Trong đó, nhiều cổ phiếu đang giao dịch ở mức PE cao không tưởng.

Thống kê sơ bộ, tính đến hết tháng 9/2017, các doanh nghiệp niêm yết có mức tăng trưởng doanh thu khoảng 19,6%, tăng trưởng lợi nhuận khoảng 25,6% so với cùng kỳ. Các con số tích cực này trở thành trụ đỡ vững vàng cho giá cổ phiếu doanh nghiệp thăng hoa.

Trong đó, những cổ phiếu có mức tăng giá tốt, dẫn dắt thị trường vẫn đến từ các ngành bán lẻ, bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính, thực phẩm đồ uống. Bức tranh kết quả kinh doanh quý IV và cả năm của những doanh nghiệp đầu ngành vẫn rất tốt. Theo đó, nhiều chuyên gia tài chính dự báo, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong năm.

Chỉ trong khoảng 1 tháng trở lại đây, nhiều blue-chip đã có mức tăng giá ấn tượng, khiến P/E tăng lên nhanh chóng. Mức P/E cao cho thấy nhà đầu tư đang chú tâm hơn tới yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, kỳ vọng nhiều hơn đối với tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm mới. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những cổ phiếu P/E cao một cách khó hiểu. 

Nhiều cổ phiếu có P/E từ 30 đến 60 lần, thậm chí mã ROS có P/E tới 174 lần, vốn hóa thị trường của cổ phiếu lên tới 3.438 triệu USD. Thống kê sơ bộ cho thấy, trên sàn HOSE có tới 17 mã cổ phiếu có PE trên 50 lần, sàn HNX có 19 cổ phiếu và sàn UPCoM cũng “đóng góp” hai mã có P/E trên 50 lần. Trong đó, có cổ phiếu có P/E lên tới hàng trăm lần, nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lại không mấy khả quan.

Chẳng hạn, cổ phiếu HAR của CTCP Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền đã có 15 phiên tăng trần liên tiếp trước khi giảm sàn và sóng tăng giảm mạnh của HAR không chỉ diễn ra 1 lần trong năm 2017. Chốt phiên cuối tuần qua, cổ phiếu này có giá 8.390 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, báo cáo tài chính quý III/2017 cho thấy, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) 9 tháng đầu năm của Công ty chỉ đạt 222 đồng.

Gần đây nhất, cổ phiếu KPF của CTCP Tài chính Tân Hoàng Minh tăng liên tục từ mức giá 5.320 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/11/2017 lên mức 40.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 12/1/2018. Cổ phiếu tăng mạnh, trong khi EPS 9 tháng của Công ty chỉ đạt… 16,2 đồng. 

Cổ phiếu PNC của CTCP Văn hóa Phương Nam cũng tăng giá ấn tượng, P/E hiện hơn 58 lần khi cuộc chiến kéo dài nhiều năm trong Hội đồng quản trị đã đi đến hồi kết.

Dù không xuất hiện trên Top P/E cao nhất thị trường, nhưng nhiều cổ phiếu khác cũng có mức tăng giá chóng mặt trong hơn 1 năm qua (3/1/2017 - 12/1/2018). Chẳng hạn, cổ phiếu KAC của CTCP Đầu tư địa ốc Khang An ghi nhận mức tăng hơn 424%, từ giá 4.280 đồng/cổ phiếu lên hơn 22.000 đồng/cổ phiếu dù lỗ liên tiếp 3 quý trong năm 2017.

Cổ phiếu QCG cũng tương tự, tăng tới 368% từ mức 3.419 đồng/cổ phiếu lên 16.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh không mấy tích cực, nhưng đà tăng của cổ phiếu này chủ yếu nhờ vào thông tin về việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển.

Còn rất nhiều cổ phiếu có mức tăng giá khủng thời gian qua, như DL1 tăng gấp 10 lần, ATS tăng gần 5 lần, SHS tăng 4 lần, MBS tăng 2 lần, LDG tăng 2 lần…; trong đó, không ít cổ phiếu tăng giá không nhờ thông tin hỗ trợ từ hoạt động kinh doanh chính, mà lại nhờ những thông tin kiểu như thay máu lãnh đạo, cổ đông lớn hoặc có “game” tăng vốn.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán MB (MBS), tại các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận trên 25% thì chỉ số P/E 19 -20 lần không quá cao. Xét trong bối cảnh thị trường sôi động, tâm lý nhà đầu tư đang hưng phấn thì việc giá cổ phiếu tăng là hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, ông Ngọc khuyến nghị, với mức tăng giá nhanh, đặc biệt ở nhiều cổ phiếu không có yếu tố cơ bản hỗ trợ, lợi nhuận doanh nghiệp không theo kịp đà tăng của cổ phiếu, thì nhà đầu tư cần tỉnh táo để đánh giá lại danh mục tài sản đang nắm giữ.

“Nhà đầu tư tránh đua theo dòng tiền bằng mọi giá, nên có những định giá riêng để có hành động kịp thời khi thị trường điều chỉnh, qua đó giảm thiểu rủi ro”, ông Ngọc nói.

Tin bài liên quan