Nhiều cổ phiếu cần câu chuyện mới để níu giá

(ĐTCK) Từ cuối tháng 3 đến nay, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam hầu như trong xu hướng tăng điểm, trừ một vài phiên giảm xen kẽ. Trong khi thị trường có một quãng dài miệt mài tăng trưởng, câu chuyện ở từng doanh nghiệp đang dần được lộ rõ ở các đại hội đồng cổ đông.
Nhiều cổ phiếu cần câu chuyện mới để níu giá

Cổ phiếu KDC của CTCP Tập đoàn KIDO đang tạm dừng ở mức 3x và có xu hướng giảm nhẹ sau giai đoạn tăng mạnh trước đó, khi mà thông tin các công ty trong group KIDO đã công bố gần hết.

Tin mới nhất với cổ đông KDC được chia sẻ tại Ðại hội đồng cổ đông thứ Hai tuần qua chính là việc KDC quay lại mảng cốt lõi trước đây là bánh kẹo và mở rộng hơn ở thị trường snaking (món ăn vặt đóng gói).

Quyết định này sẽ được thực thi bằng hành động cụ thể, đó là tận dụng ngay mùa Trung thu trong quý III này, KIDO sẽ tung sản phẩm bánh Trung thu KINGDOM ra thị trường.

Theo lãnh đạo KDC, bằng kinh nghiệm 20 năm làm trong ngành bánh kẹo, có công nghệ, có hệ thống phân phối, có đội ngũ, KDC tự tin 2 năm sau quay lại vị trí thứ 2 trong ngành, chỉ sau Mondelez Kinh Ðô.

Ðồng thời, KDC cho biết, vì đã có kinh nghiệm và hệ thống sẵn có, nên khi tung sản phẩm bánh Trung thu ra thị trường là có lãi ngay, chứ không còn là thử nghiệm như “lính mới” bước chân vào ngành.

Cổ phiếu GIL vừa qua cũng có quá trình tăng giá khá, hòa chung với diễn biến thị trường. Mã này của CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex - GIL), một doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may.

Ðây là doanh nghiệp khá kín tiếng trên thị trường khi không có roadshow, gặp gỡ nhà đầu tư thường xuyên, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm đáng kể của dòng tiền đầu tư bởi kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định và có lợi thế cạnh tranh trong ngành.

Mới đây, GIL tổ chức Ðại hội đồng cổ đông thông qua nội dung “lấn sân” sang mảng khu công nghiệp và khách sạn.

Cụ thể, cuối năm 2019, HÐQT đã phê duyệt việc đầu tư 255 tỷ đồng, chiếm 51% vốn tại Công ty Khu công nghiệp Gilimex để thực hiện dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4.    

Tìm kiếm những thông tin mới, tích cực hơn để neo giữ đà tăng ở các cổ phiếu là nội dung được nhà đầu tư săn lùng.

Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định bổ sung danh mục và công bố thông tin kêu gọi đầu tư đối với dự án Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 3 và 4 với tổng vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng.

Vì vậy, Công ty Khu công nghiệp Gilimex cần tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 510 tỷ đồng để vốn chủ sở hữu đối ứng với tỷ lệ 15% tổng vốn đầu tư theo quy định.

Theo lãnh đạo GIL, dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài 3 và 4 là một trong những dự án đầu tư lớn và trọng điểm.

Vì vậy, HÐQT Công ty trình cổ đông điều chỉnh vốn góp vào Công ty Khu công nghiệp Gilimex tối thiểu 260,1 tỷ đồng và tối đa 484,5 tỷ đồng.

Tại GIL còn có câu chuyện đầu tư vào Công ty Bất động sản Hưng Khang và Công ty Ðầu tư và phát triển Hoàng An - sở hữu 2 khu đất nằm ở khu vực trung tâm tỉnh Bình Dương, gần khu công nghiệp. Theo đó, GIL dự kiến phát triển chuỗi khách sạn 3-4 sao để phục vụ khách lưu trú ngắn hạn làm việc tại khu công nghiệp.

Tại CTCP Kim khí TP.HCM (HMC), cổ đông đã phải thốt lên “đọc báo cáo năm nay của Công ty thấy buồn quá”, bày tỏ sự thất vọng trước tình hình hoạt động và kế hoạch cho năm 2020. Trong khi đó, giá cổ phiếu sụt giảm mạnh khiến cổ đông bị thua lỗ.

Tìm kiếm thông tin tích cực và chất vấn Ban lãnh đạo về tình hình Công ty là điều mà cổ đông HMC trông đợi ở kỳ đại hội này.

Theo đó, cổ đông đã đề nghị HMC chia cổ tức tối thiểu 10%/năm do Công ty vẫn còn dư 30 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Theo phân trần của Chủ tịch Dương Trung Toản, HMC đã chia cổ tức toàn bộ lợi nhuận của năm vừa qua, nhưng còn 30 tỷ đồng giữ lại là  liên quan đến câu chuyện dự án Levanue Crown tại số 8 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.

Cụ thể, HÐQT HMC dự đoán thanh tra Chính phủ có thể buộc HMC trả lại 50 tỷ đồng lợi nhuận, nên Công ty cần giữ lại số tiền này để đề phòng. Nếu tòa không có yêu cầu trả lại, HMC sẽ chia hết cổ tức cho cổ đông.

Ở một doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi từ làn sóng đẩy mạnh đầu tư công là CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên 1 (HT1), nhưng trong góc nhìn của HÐQT HT1, năm 2020 có nhiều thách thức và khó khăn, khi mà nhu cầu tiêu thụ của cả nước chưa tăng trong năm 2019 và chỉ dự kiến tăng khoảng 3%, tương đương 71 triệu tấn trong 2020.

Chưa kể, khu vực miền Nam có thêm nhiều nhà máy xi măng bổ sung, thêm nhiều nhà phân phối. Tình trạng dư cung vẫn tiếp tục diễn ra.

Tình hình tiêu thụ trong quý I/2020 giảm và tiếp tục giảm trong tháng 4 và tháng 5. Sản lượng tiêu thụ 5 tháng đầu năm 2020 giảm 450.000 tấn so với cùng kỳ 2019.

Công ty đang chờ đợi các dự án đầu tư công của Chính phủ và theo dõi biến biến các dự án như Sân bay Long Thành, xây đường cao tốc...

Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ tại các dự án này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm của Công ty. Phân khúc tiêu thụ chủ yếu vẫn là xây dựng dân dụng.

Theo đó, con số lãi 830 tỷ đồng dự kiến năm nay là con số phấn đấu của HT1. Hiện cơ cấu cổ đông của HT1 có cổ đông lớn nhất là Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 80%.

Câu chuyện khi nào cổ đông lớn thoái vốn cũng thường xuyên nằm trong sự quan tâm của cổ đông cũng như thị trường.

Tin bài liên quan