“Nhặt sạn” đại hội đồng cổ đông

“Nhặt sạn” đại hội đồng cổ đông

(ĐTCK) Cuộc họp của một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đang diễn ra suôn sẻ thì bất ngờ ban chủ tọa xin lấy ý kiến nội dung Ðại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) ủy quyền cho HÐQT quyết định một số dự án trong năm. Nội dung này không có trong tờ trình khiến cổ đông phản ứng ngay lập tức.

Sau khi nghe ý kiến của các cổ đông, ban chủ tọa doanh nghiệp phải vội vã rút lại nội dung này để tiếp tục các phần còn lại. Ðây chỉ là “hạt sạn” nhỏ và được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, có những “hạt sạn” lớn khiến cổ đông buộc phải khởi kiện ra tòa án để yêu cầu hủy nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Như vậy, từ những bất cẩn trong các khâu tổ chức, thủ tục, doanh nghiệp bị ảnh hưởng ít nhiều tới những quyết sách sau này.

Ðơn cử trường hợp của Công ty cổ phần Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn (mã DXL - UPCoM). Ngày 21/7/2017, HÐQT Công ty ban hành thông báo mời họp ÐHCÐ bất thường lần thứ hai vào ngày 9/8/2017.

Cách 6 ngày đại hội diễn ra, HÐQT có tờ trình về phương án phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 29,5 tỷ đồng lên 39,5 tỷ đồng với hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ. Nội dung này được bổ sung vào chương trình ÐHCÐ. Ðại hội thông qua và ban hành Nghị quyết, trong đó nội dung tăng vốn điều lệ có 84,48% phiếu biểu quyết tán thành.

Sau đại hội, nhóm cổ đông sở hữu 11,88% vốn điều lệ gửi đơn đến tòa án tố trình tự, thủ tục triệu tập đại hội không đúng quy định. Công ty thừa nhận không gửi thông báo bổ sung nội dung phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ cho các cổ đông mà chỉ đăng tải trên website. Tòa án xác định, Công ty vi phạm thời hạn thông báo theo quy định tại điều lệ. Do đó, tòa án đã tuyên hủy bỏ nội dung phương án tăng vốn điều lệ trong nghị quyết.

Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Miền Ðông - Ðầu tư hạ tầng cũng rơi vào thế khó vì Chủ tịch HÐQT được bổ nhiệm không đúng quy định. Công ty được thành lập năm 2007 gồm 6 cổ đông sáng lập. Cuộc họp ÐHCÐ năm 2007 đã bầu ông Lê Thành Dương là Chủ tịch HÐQT. Tuy nhiên, từ năm 2010, cổ đông liên tục đơn thư phản ánh về việc Công ty nhập nhằng tăng vốn góp và khởi kiện vụ việc ra tòa án. Khi khởi kiện, cổ đông cũng yêu cầu xem xét lại tư cách Chủ tịch HÐQT.

Cuối năm 2018, tòa án đã ra phán quyết phúc thẩm. Theo đó, ông Lê Thành Dương tham gia HÐQT với hai tư cách là đại diện phần vốn góp của Công ty cổ phần Miền Ðông (đại diện 30% vốn góp) và đại diện cho cổ đông cá nhân là bà Nguyễn Liên H (vợ ông Dương).

Tòa án cho rằng, theo điều lệ Công ty, thành viên HÐQT phải là cổ đông sáng lập. Ông Dương có đăng ký góp vốn khi Công ty thành lập, nhưng sau đó không góp tiền và chỉ là người đại diện cổ đông cá nhân Nguyễn Liên H, do đó, không đủ điều kiện tham gia HÐQT.

Còn với tư cách là đại diện phần vốn, theo các văn bản Công ty Miền Ðông - Ðầu tư hạ tầng xuất trình với tòa án thì có sự mâu thuẫn. Biên bản họp HÐQT của Công ty Miền Ðông cử 2 người đại diện phần vốn với tỷ lệ 60% - 40%, nhưng công văn cử người đại diện phần vốn lại ghi tỷ lệ 70% - 30%. Bản thân Công ty Miền Ðông lại có văn bản xác nhận ông Dương không phải là người đại diện phần vốn… Do các văn bản mâu thuẫn nhau, nên tòa án không xem xét các chứng cứ này.

Tòa án cho rằng, từ khi công ty thành lập, đi vào hoạt động, đến khi xảy ra tranh chấp, ông Dương không có tên trong danh sách cổ đông công ty. Theo cổ đông trình bày, ông Dương được giới thiệu bầu vào chức danh thành viên HÐQT tại ÐHCÐ lần 1 năm 2007 của Công ty là do dựa trên danh sách cổ đông đăng ký góp vốn để giới thiệu bầu các chức danh, nhưng sau đó ông Dương không góp vốn vào Công ty.

Trường hợp ông Dương không thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua thì lẽ ra HÐQT có quyền triệu tập ÐHCÐ để bãi miễn, thay thế thành viên HÐQT theo Ðiều 96 Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên, HÐQT không thực hiện việc này, tiếp tục bầu ông Dương vào chức danh Chủ tịch HÐQT là không đúng quy định, không thỏa mãn điều kiện, tiêu chuẩn tham gia thành viên HÐQT. Do đó, tòa án tuyên không công nhận chức danh Chủ tịch HÐQT của ông Dương.

Theo quy định, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì cổ đông có đơn gửi thi hành án đến cơ quan thi hành án. Nếu tòa tuyên hủy bỏ nghị quyết thì doanh nghiệp phải tổ chức lại ÐHCÐ, song có trường hợp doanh nghiệp không thực hiện. Như trường hợp Công ty cổ phần Du lịch và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8, thay đổi vốn điều lệ lên 39,5 tỷ đồng trước khi bản án phúc thẩm có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có cơ chế nào giải quyết vấn đề này nên cơ quan thi hành án cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thi hành bản án.

Tin bài liên quan