"Nhặt sạn" báo cáo thường niên 2011

"Nhặt sạn" báo cáo thường niên 2011

(ĐTCK) Bên cạnh những DN quan tâm đến công tác minh bạch thông tin qua báo cáo thường niên (BCTN), không ít đơn vị chỉ làm cho có...

DN chưa nắm rõ quy định

Không ít DN niêm yết chưa hình dung quá trình thực hiện BCTN như thế nào, theo quy định nào. Chẳng hạn, BCTN của CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM) khá rối rắm khi Báo cáo của HĐQT thay vì đánh giá chung, trình bày chiến lược phát triển, thì lại đề cập đến những vấn đề rất chi tiết của Ban điều hành như điều hành sản xuất công tác xây dựng cơ bản, chiến lược tiếp thị sản phẩm và bán hàng. Thực chất thì Báo cáo HĐQT và Báo cáo Ban tổng giám đốc của CSM là phần đầu và phần cuối của một báo cáo tổng kết toàn diện mọi mặt hoạt động của Công ty năm 2011 và định hướng trong năm 2012. Báo cáo tổng kết này được cắt ra và lắp ghép vào hai nội dung quan trọng của BCTN.

Cũng mắc một lỗi tương tự là BCTN của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNE), khi các nội dung quan trọng là Báo cáo của HĐQT và Ban giám đốc giống như một báo cáo tổng kết và có vẻ như công ty này lẫn lộn giữa BCTN và bản cáo bạch niêm yết, nên phần lịch sử hình thành và phát triển Công ty được đặt lên hàng đầu khá dài.

BCTN của CTCP Alphanam (ALP) cũng mang dáng dấp của bản cáo bạch niêm yết với phần mở đầu là lịch sử hình thành và thành tích của Công ty, phía cuối là sơ yếu lý lịch của thành viên Ban lãnh đạo.

BCTN của CTCP Vận tải xăng dầu Vipco (VIP),  DN có Petrolimex chiếm cổ phần chi phối, chỉ là một báo cáo tổng kết đơn thuần được đặt tên là BCTN, kết thúc báo cáo với con dấu đỏ chói của Chủ tịch HĐQT. Đọc tài liệu gọi là BCTN của VIP có thể thấy, công ty này chưa hiểu khái niệm BCTN theo yêu cầu.

Số BCTN dạng “thô sơ” như trên tập trung ở những công ty có quy mô nhỏ và một số công ty quy mô vừa, những DNNN cổ phần hóa. Trong số này, có DN hoạt động thực sự tốt, nhưng Ban lãnh đạo công ty chưa quan tâm đầu tư cho BCTN.

 

Thiếu phần quản trị rủi ro và quan hệ cổ đông

Trong BCTN của một số DN lớn cũng thiếu các phần trọng yếu. Chẳng hạn, cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept (GMD) được nhiều NĐT quan tâm, nhưng BCTN của GMD lại khiến NĐT thất vọng, vì thiếu hẳn phần quản trị rủi ro và quan hệ NĐT. Trong khi đó, hoạt động vận tải tàu biển, mở rộng sang trồng cao su của GMD có không ít rủi ro cần phân tích và giải pháp quản trị tương ứng. 

Tương tự là BCTN của CTCP Tập đoàn Masan (MSN). Trong BCTN có Thư ngỏ của Chủ tịch HĐQT, Thông điệp của Ban tổng giám đốc, với thông tin về chiến lược kinh doanh, mục tiêu phát triển từng lĩnh vực, triển vọng doanh thu và lợi nhuận, khả năng cạnh tranh rất cụ thể và ấn tượng. Tuy nhiên, BCTN của DN này lại không có nội dung về quan hệ cổ đông và quản trị rủi ro, mặc dù các nội dung khác trong báo cáo cho thấy, MSN được quản trị khá tốt bởi những nguyên tắc kinh doanh và bộ máy nhân sự chuyên nghiệp. Các rủi ro không được nêu cụ thể, dù Tổng giám đốc MSN nhận định: “Quy mô tăng lên cũng là lúc cơ hội và thách thức trở nên lớn hơn”.

BCTN của CTCP Kinh Đô (KDC) cũng thiếu những phần quan trọng là quan hệ NĐT, quản trị rủi ro và giải pháp, thù lao HĐQT và Ban tổng giám đốc, dữ liệu cổ đông.

Thiếu một phần nội dung trọng yếu là lỗi mà nhiều BCTN mắc phải trong Cuộc bình chọn BCTN đầu tiên, cách đây 4 năm. Không ít DN có BCTN được bình chọn đã mắc phải những lỗi này trong các năm trước, nhưng sau mỗi năm, họ đã bổ sung, hoàn thiện BCTN của mình.

 

Thể hiện ý chí chủ quan

Một số công ty thể hiện sự sáng tạo và đặc điểm riêng có trong BCTN như BCTN của KDC đã phỏng vấn các thành viên Ban điều hành về các vấn đề của hoạt động sản xuất - kinh doanh; BCTN của MSN sau khi viết rất hay về tiềm năng phát triển đã có một điều khoản miễn trách ở cuối BCTN giống như báo cáo phân tích, nhận định TTCK của CTCK. Tuy nhiên, sự sáng tạo riêng đó là chưa đủ và thể hiện ý chí chủ quan của DN, trong khi bản chất BCTN là ấn phẩm cung cấp thông tin cho người đọc, cho NĐT. BCTN chỉ có những nội dung mà DN “muốn nói” là chưa đủ, mà phải bao gồm cả những nội dung mà NĐT “cần biết”. Vì thế, ở Việt Nam cũng như thông lệ thế giới, có những chuẩn mực về BCTN làm nền tảng cho các DN thực hiện, từ đó phát triển và sáng tạo thêm.

Một DN chưa hiểu rõ khái niệm BCTN đã là đáng trách, thì một DN viết BCTN theo cách của riêng mình, mà thiếu sự quan tâm đến NĐT cần gì, muốn gì trong BCTN cũng đáng phê bình. Tiếc thay, số BCTN mắc các lỗi trên vẫn còn khá nhiều.