Nhận diện các doanh nghiệp “bóp méo” số liệu tài chính

Nhận diện các doanh nghiệp “bóp méo” số liệu tài chính

(ĐTCK) “Hành vi thao túng báo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết đang diễn ra đáng ngại. Điều này không chỉ giúp đội lái thao túng giá chứng khoán, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, mà còn tác động tiêu cực đến các cổ đông, tính minh bạch và niềm tin của công chúng đầu tư trên TTCK”, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam cảnh báo. 

Ông nhìn nhận về tình trạng doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin gian dối trên báo cáo tài chính (BCTC) như thế nào?

Năm 2016 - 2017 có nhiều vấn đề về BCTC của các doanh nghiệp, thể hiện qua việc thổi phồng doanh thu và lợi nhuận. Tài sản trên BCTC của không ít doanh nghiệp tăng mạnh, nhất là ở những doanh nghiệp có lợi thế thương mại, trong khi điều này không hiện hữu trên thực tế, mà chỉ là mua bán thương mại. Đây chính là hành vi thao túng BCTC. Tình trạng này ngày càng là chủ đề được quan tâm trên thị trường tài chính Việt Nam.

Sau sự kiện hơn 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho biến mất trên BCTC của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) bị phát hiện tháng 2/2016, nhiều công ty niêm yết khác bị phát hiện có vấn đề về BCTC. Khi sự việc bị vỡ lở, giá cổ phiếu lao dốc, nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại, dẫn tới niềm tin của họ vào tính minh bạch trên thị trường suy giảm.

Với hành vi thao túng BCTC kiểu như TTF, có cách nào giúp nhà đầu tư phát hiện sớm nhằm tránh rủi ro?

Từ thực tiễn và kinh nghiệm nhiền năm hành nghề kế toán, chúng tôi đã xây dựng mô hình kiểm chứng và phát hiện ra các hành vi thao túng BCTC là F-Score và M-Score. Cả hai mô hình đều định lượng các chỉ tiêu tài chính, phi tài chính nhằm khoanh vùng và phát hiện ra các hành vi bóp méo số liệu kế toán áp dụng cho các công ty niêm yết tại Việt Nam.

Nhận diện các doanh nghiệp “bóp méo” số liệu tài chính  ảnh 1

Ông Phan Lê Thành Long. 

Phương pháp phát hiện ra các hành vi bóp méo số liệu kế toán được thiết lập cụ thể từ xác định động cơ của hành vi, khoanh vùng bằng cách sử dụng mô hình định lượng, xác định các dấu hiệu và các thủ thuật thông dụng nhất trên thị trường tài chính.

Phương pháp này đòi hỏi người sử dụng phải có hiểu biết về ngành nghề kinh doanh của công ty đang được đánh giá, hiểu về cấu trúc sở hữu và các kỹ thuật đánh giá các khoản dồn tích (Accrual test) kết hợp với các mô hình định lượng. Từ đó, người sử dụng có thể phát hiện ra các sai lệch cụ thể trên một BCTC.

Quay trở lại trường hợp TTF, áp dụng mô hình trên có phát hiện ra hành vi “xào nấu” thông tin của công ty này?

Khi áp dụng dụng mô hình trên, vấn đề được nhận diện không phải nằm ở hàng tồn kho như công bố của TTF, mà là gần 10 năm trước, TTF đã đẩy khống doanh thu lên, sau đó “chế biến” thành hàng tồn kho có giá trị lên đến 2.200 tỷ đồng. Sau khi sự việc vỡ lở, không phải 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho biến mất, mà vấn đề nằm ở chỗ, doanh thu khống từng tồn tại tại doanh nghiệp này.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng bị phát hiện có dấu hiệu thao túng BCTC. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có doanh nghiệp đã học chiêu thức này từ nước ngoài.

Khi Toshiba phá sản, người ta mới phát hiện công ty này đã tận dụng lợi thế thương mại để khai khống doanh thu và lợi nhuận nhiều năm, thậm chí kéo dài đến 20 năm. Chiêu thức gian lận của Toshiba gia nhập Việt Nam quá nhanh.

Theo ông, nhà quản lý, các thành viên thị trường cần làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi thao túng BCTC?

Để đấu tranh có hiệu quả với hành vi thao túng BCTC, cần tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp lý về kế toán, kiểm toán, công bố thông tin theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thanh, kiểm tra, nhằm nâng cao chất lượng BCTC nói riêng, quản trị công ty nói chung.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư, cơ quan quản lý, nhà tạo lập thị trường, các hãng phân tích cần nắm bắt và sử dụng các phương pháp phát hiện các hành vi thao túng BCTC phù hợp với thị trường Việt Nam.

Tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Thao túng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam”, do Trường đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, bà Hà Thị Ngọc Hà, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính), Phó chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho rằng, để giảm thiểu hành vi thao túng báo cáo tài chính, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tối ưu cấu trúc quản trị công ty, tăng cường chất lượng kiểm toán…

Với các doanh nghiệp niêm yết, việc chuyển đổi sang áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là cần thiết. Nhà đầu tư phải tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết trong việc phát hiện ra các hành vi thao túng báo cáo tài chính, từ đó thực thi quyền giám sát các công ty niêm yết trên thị trường.

Năm 2017, lần đầu tiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố danh sách 14 công ty phải kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2016 (xem bảng).

Nhận diện các doanh nghiệp “bóp méo” số liệu tài chính  ảnh 2
Tin bài liên quan