Cơ hội là có đối với các cổ phiếu tăng nóng trên UPCoM, nhưng chỉ dành cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm

Cơ hội là có đối với các cổ phiếu tăng nóng trên UPCoM, nhưng chỉ dành cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm

Nhà đầu tư nhỏ có cơ hội với cổ phiếu “nóng” UPCoM

(ĐTCK) Trong rất nhiều cổ phiếu mới gia nhập UPCoM gần đây, có không ít cái tên vừa chào sàn đã “cháy hàng”, thị giá tăng mạnh lên gấp 2 - 3 lần so với giá bán thời điểm IPO. Vậy có bao nhiêu cá nhân có thể chốt lời khoản đầu tư siêu hời này và cơ hội nào cho nhà đầu tư nhỏ lẻ khác muốn nắm giữ các cổ phiếu nói trên?

Ngày 21/11 vừa qua, 2,177 tỷ cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã chính thức đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM với giá tham chiếu 25.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau 2 phiên giao dịch, thị giá ACV tăng 60,8% đạt mức 40.200 đồng/cổ phiếu (chốt phiên này 22/11).

Mức giá này nếu so với giá đấu thành công bình quân trong phiên IPO ACV diễn ra hồi tháng 12/2015 (14.344 đồng/cổ phiều) thì tỷ lệ tăng là trên 180%. Điều này đồng nghĩa, những ai nắm giữ cổ phần từ đợt IPO của ACV sẽ thu lợi nhuận “khủng” nếu bán ra trong 2 ngày qua.

Mặc dù vậy, nhìn lại đợt IPO của ACV, có thể thấy cổ phiếu ACV chủ yếu nằm trong tay các tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cụ thể, tại thời điểm IPO, lượng cổ phần chào bán chiếm 3,47% vốn (tương đương khoảng 77,8 triệu cổ phần) thì các nhà đầu tư nước ngoài (15 tổ chức và 3 cá nhân) đã trúng thầu hơn 63,7 triệu cổ phiếu, chiếm gần 82%.

Theo công bố của ACV trước khi lên sàn, các cá nhân hiện nắm giữ khoảng gần 26 triệu cổ phần, tương đương 1,18% vốn điều lệ Công ty. Trong số này, có hơn 10 triệu cổ phiếu thuộc về cán bộ công nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng.

Hiện tại, ACV vẫn trong quá trình đàm phán để bán 20% vốn cho nhà đầu tư chiến lược theo kế hoạch, do vậy Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang nắm giữ 95,4% vốn điều lệ của ACV.

Với lượng cổ phiếu trôi nổi thấp, các nhà đầu tư muốn sở hữu cổ phiếu ACV là không dễ dàng. Trong 2 ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu ACV đã liên tục cháy hàng với dư mua trần mỗi phiên hơn 2 triệu cổ phiếu, trong khi lượng khớp lệnh quanh mức 600.000 đơn vị.

Diễn biến tương tự từng xảy ra với cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Sau khi chào sàn UPCoM ngày 28/10 với mức giá 39.000 đồng/cổ phần, BHN cũng liên tục cháy hàng và leo lên đỉnh giá 144.700 đồng/cổ phần ngày 8/11/2016, trước khi điều chỉnh giảm về mức trên 100.000 đồng/cổ phần ở thời điểm hiện tại.

So với mức giá trúng trong phiên IPO của Habeco năm 2008 (thấp nhất là 50.000 đồng/cổ phần, cao nhất là 62.000 đồng/cổ phần), giá này cũng đã đưa lại khoản lợi nhuận ấn tượng cho các nhà đầu tư sở hữu BHN.

Tuy nhiên, tương tự ACV, Habeco có cơ cấu cổ đông rất cô đặc, trong đó Bộ Công thương và cổ đông lớn Carlsberg hiện đang nắm giữ hơn 99% vốn của Tổng công ty, tức lượng cổ phiếu trong tay nhà đầu tư nhỏ lẻ, trôi nổi trên thị trường chỉ vào khoảng 2 triệu đơn vị. Thực tế cho thấy, dù giá tăng mạnh song thanh khoản của BHN ở mức rất khiêm tốn với chỉ hơn 90.000 cổ phiếu được chuyển nhượng trong 7 phiên giao dịch đầu tiên. Điều này cũng cho thấy, không dễ mua được BHN ở giá “phù hợp”.

Trong năm nay, UPCoM ghi nhận một số cổ phiếu đáng chú ý có hiện tượng cháy hàng những ngày đầu lên sàn như VNB của Công ty cổ phần Sách Việt Nam hay VGG của Công ty cổ phần May Việt Tiến. Cả 2 doanh nghiệp này cũng có cơ cấu cổ đông khá cô đặc (từ 72 - 75% cổ phần thuộc về Nhà nước và cổ đông lớn tổ chức), nên nhà đầu tư chỉ dễ dàng mua được cổ phiếu khi thị giá tăng cao.

Đánh giá về cơ hội đầu tư các cổ phiếu này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Maritime (MSI) cho rằng, khi thị trường trong xu hướng đi lên (uptrend), nhà đầu tư có sự quan tâm lớn với các cổ phiếu mới, tạo ra hiệu ứng thu hút của cổ phiếu mới lên sàn. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư chưa tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, mới chỉ nghe tên tuổi, dựa vào các trường hợp tương tự trên sàn niêm yết và nghĩ rằng đây là cơ hội đầu tư.

Theo ông Khánh, cơ hội là có nhưng chỉ dành cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm để mua vào và thoát hàng đúng lúc. Đối với nhà đầu tư bình thường nên để thị trường kiểm định yếu tố cung cầu và định giá đúng giá trị cổ phiếu mới xem xét tham gia.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, cơ hội hiện nay là có nhưng thiên về đầu cơ, lướt sóng.

“Yếu tố tăng giá phụ thuộc vào nguồn cung. Rõ ràng, lượng cổ phiếu lớn nằm trong tay các tổ chức, nếu nhóm này bung ra thì thị trường bão hòa, nhưng nếu găm giữ hàng thì giá vẫn có thể tăng lên”, ông Khoa cho biết.

Tin bài liên quan