Ngưỡng cản 1.000 điểm
Diễn biến hiện tại của thị trường đang cho thấy sự suy yếu của dòng tiền khi nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) bị chốt lời mạnh, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thiếu sự đồng thuận. Mức 1.000 điểm của VN-Index vẫn là ngưỡng cản tâm lý khi nhiều lần chỉ số gần chạm ngưỡng này nhưng kết thúc phiên vẫn không đạt được.
Ðặc biệt, sự biến động với biên độ rộng trong phiên càng khiến nhiều nhà đầu tư e dè. Chẳng hạn, ngày 27/8, VN-Index bật mạnh khi mở cửa phiên giao dịch, nhưng trước áp lực bán gia tăng, nhất là ở nhóm cổ phiếu hàng đầu (bluechip), chỉ số sau đó quay đầu giảm. Ðến đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), lệnh bán được tung ra như kiểu “đánh úp”, khiến VN-Index lao thẳng xuống dưới tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, áp lực bán trên thị trường không quá lớn và vẫn được dòng tiền hấp thụ tốt, nhưng có sự đồng thuận đáng kể khi tạo ra diễn biến một chiều chiếm thế áp đảo. Trong khi đó, lực cầu tương đối thụ động và chỉ có sự phản kháng nhẹ trước thời điểm bước vào đợt ATC. Không ít mã trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang gây áp lực cho chỉ số như VIC, VCB, VNM, SAB, NVL, MSN, BID, HPG… Trên bình diện toàn thị trường, số lượng cổ phiếu giảm giá chiếm đa số so với tương quan cổ phiếu tăng giá.
“Chúng tôi thấy thị trường vẫn chưa có nhiều thay đổi, sự hạn hẹp của dòng tiền và rủi ro từ bên ngoài khiến thị trường chứng khoán đối diện với nhiều thách thức trong ngắn hạn. Thực tế, diễn biến thất thường của chỉ số diễn ra phổ biến trong vòng 1 năm qua, nhưng các cơ hội vẫn phân hóa theo từng câu chuyện riêng rẽ để đi lên”, ông Du chia sẻ.
Với sự phân hóa của thị trường, khi các nhóm cổ phiếu dẫn dắt điều chỉnh thì nhóm trễ nhịp có thể đóng vai trò nâng đỡ cho chỉ số. Trong ngắn hạn, một số công ty chứng khoán nhận định, thị trường sẽ có xu hướng hồi phục nhẹ với diễn biến giằng co, đan xen các nhịp tăng và giảm trước khi đối mặt với rủi ro điều chỉnh lớn hơn. Sau các phiên điều chỉnh gần đây, xu hướng hồi phục của VN-Index đã suy yếu và khả năng chinh phục vùng cản 1.000 điểm trở nên khó khăn. Mặc dù VN-Index đã hồi phục nhẹ trong phiên 28/7, nhưng trong ngắn hạn, áp lực điều chỉnh vẫn đang hiện hữu.
Dựa vào phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận xét, thị trường đang ở trong trạng thái giằng co khi đứng trước ngưỡng 1.000 điểm và cho thấy áp lực không nhỏ khi chỉ số áp sát vùng kháng cự này trong tuần qua. Xác suất cao là thị trường sẽ có diễn biến tích lũy hẹp khi ngưỡng kháng cự mạnh trong ngắn hạn (1.000 điểm) vẫn là mốc cứng khó thể vượt qua.
Khác với nhận định khá lạc quan trong tháng 7, hiện tại, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, khả năng VN-Index chinh phục mức 1.000 điểm trong năm 2019 là không cao khi chỉ số dao động quanh mức P/E 16,7 lần. Theo VDSC, bức tranh thương mại toàn cầu trở nên u ám sau khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, điều này tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh một số tác động tích cực, các ngành hàng liên quan đến hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trước tình trạng các cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh, trong khi nhóm vốn hóa trung bình bị chốt lời, anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội quan ngại, thị trường đang tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi một số phiên giao dịch không phản ánh đúng tâm lý thị trường, có hiện tượng “đỡ” chỉ số VN-Index để sau đó thoát hàng.
“Tôi nhận thấy, khối lượng khớp lệnh trên HOSE không giảm bao nhiêu, nhưng về giá trị thì thường xuyên xuống dưới 3.000 tỷ đồng/phiên, điều này cho thấy dấu hiệu nhà đầu cơ đang muốn rút vốn”, anh Tuấn nói.
Tìm cơ hội trong sự biến động
Không ít phiên giao dịch trong tháng 8 có hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”, nghĩa là dù chốt phiên, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng điểm, nhưng phần lớn cổ phiếu lại giảm giá. Ðặc biệt, chỉ số và nhiều cổ phiếu có diễn biến tiêu cực khi tăng giá trong phiên giao dịch sáng và giảm trở lại trong phiên giao dịch chiều.
Về mặt lý thuyết, nguyên tắc được áp dụng phổ biến để nhận định diễn biến thị trường đó là xem xét khi thị trường tăng có sự đồng thuận của các nhóm ngành, của toàn bộ thị trường hay không. Hiểu đơn giản, thị trường tăng tốt là khi số lượng mã cổ phiếu tăng giá chiếm áp đảo, theo ngôn ngữ chuyên môn là độ rộng thị trường phải tốt. Tuy nhiên, với thực tế giao dịch trên thị trường thời gian qua, cách nhận định này có lẽ tạm thời không còn đúng.
Anh Quang Huy, nhà đầu tư tại TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản kém và sự gia tăng thanh khoản không bắt kịp với sự gia tăng vốn hoá, dòng tiền không thể trải đều trên quy mô rộng.
“Ðây là thực tế mà nhiều nhà đầu tư thường xuyên nhận diện. Thị trường rung lắc ở vùng kháng cự và thanh khoản giảm dần trong các phiên hiệu chỉnh ngắn hạn. Do đó, tham gia vào các phiên hiện tại có thể có cơ hội thu lời trong ngắn hạn, nhưng là mạo hiểm nếu nắm giữ cổ phiếu lâu hơn”, anh Huy nói.
Thống kê biến động của các thị trường chứng khoán trên thế giới, MBS cho biết, nhiều thị trường thế giới có giao dịch kém tích cực so với thị trường Việt Nam. Các thị trường đó đều trong trạng thái tích lũy khi chỉ số chứng khoán gặp kháng cự trung bình động 20 ngày (MA20) như S&P 500, DJI, MSCI EM, Euro Stoxx…
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư nên dùng đến các kênh phòng ngừa rủi ro và tập trung vào các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng dài hạn, được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, hay nhóm cổ phiếu phòng thủ như logistics, sản xuất - phân phối điện, hoặc các nhóm vẫn thu hút được dòng tiền như bán lẻ, công nghệ.
Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc tư vấn Khối Khách hàng cá nhân VDSC, các mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE vẫn là sự lựa chọn khả thi.
“Chúng tôi đã thống kê giao dịch qua từng phiên và kết quả cho thấy, nếu mua nhóm vốn hóa lớn trên HOSE thì khả năng thắng, tức là mua trúng cổ phiếu tăng giá, cao hơn hẳn so với bất cứ sàn nào, ngành nào, nhóm vốn hóa nào khác. Tất nhiên, lúc nào cũng có những cổ phiếu đơn lẻ tạo sóng, ví dụ tuần qua là RIC, BBS, JVC, DND, NQN…, nhưng hầu hết là các mã vốn hóa nhỏ có thanh khoản rất thấp, không loại trừ rủi ro bị cố ý đánh lên”, ông Lân cho biết.
Nhìn vào tổng thể chung các ngành, VDSC có quan điểm trung lập đối với ngành thuỷ sản, dệt may và dầu khí. Trong khi đó, làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc tới các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, đang diễn ra mạnh mẽ, nên VDSC đưa ra quan điểm lạc quan trong ngắn và trung hạn đối với nhóm ngành kho vận, vận tải/cảng biển, khu công nghiệp.