Trong tháng 4, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng 9,6%, đạt 27.486 tài khoản

Trong tháng 4, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng 9,6%, đạt 27.486 tài khoản

Nhà đầu tư lớn chờ “thông sàn” chứng khoán phái sinh

(ĐTCK) Khi TTCK cơ sở biến động mạnh, nhất là giá có diễn biến giảm, nhà đầu tư có xu hướng tìm cơ hội trên TTCK phái sinh.

Phái sinh liên tiếp lập kỷ lục

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 4/2018, chỉ số thị trường cơ sở biến động mạnh nên giá các hợp đồng tương lai biến động mạnh theo, tạo cơ hội thu lợi nhuận lớn, dù thị trường có diễn biến tăng hay giảm.

Các hợp đồng tương lai kỳ hạn ngắn có thanh khoản cao hơn và giá của hợp đồng tương lai biến động cùng chiều với chỉ số cơ sở VN30. Đặc biệt, khi VN30 sụt giảm hơn 100 điểm trong vòng 2 tuần cuối tháng 4 thì trên TTCK phái sinh, khối lượng giao dịch tăng và liên tục lập kỷ lục mới.

Trong 2 phiên 3/5 và 8/5 vừa qua, khối lượng giao dịch trên TTCK phái sinh đạt trên dưới 70.000 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt trên 7.000 tỷ đồng/phiên, tương đương với giá trị giao dịch trên thị trường cơ sở.

Thị trường phái sinh đã thu hút một lượng vốn đáng kể từ thị trường cơ sở, chủ yếu từ khối nhà đầu tư trong nước và đang trở thành công cụ quan trọng để nhà đầu tư sử dụng, phòng ngừa rủi ro khi thị trường cơ sở đảo chiều.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận xét, thị trường phái sinh giai đoạn này đóng vai trò là phương án đầu cơ ngắn hạn thay thế cho thị trường cơ sở, song vẫn chưa thể hiện được vai trò phòng vệ rủi ro, bởi đa phần các hợp đồng tương lai được nhà đầu tư đóng vị thế ngay trong phiên để bảo toàn trạng thái.

Xu hướng thị trường giảm kéo dài với các phiên phục hồi kỹ thuật xen kẽ, đồng thời các chỉ số biến động mạnh đã tạo cơ hội cho nhà đầu tư phái sinh giao dịch ngay trong phiên. Việc khó có thể xác định xu hướng thị trường đã khiến nhà đầu tư không đủ tự tin để duy trì vị thế hợp đồng trong thời gian dài.

Cần thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Trong tháng 4, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng 9,6%, đạt 27.486 tài khoản. Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,3%). Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm hơn 0,4% khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng so với tháng 3, nhưng cũng chỉ chiếm 1,09% tổng khối lượng giao dịch. Do đó, sự xuất hiện của một nhà đầu tư tổ chức trên sàn phái sinh mở ra kỳ vọng cổng đầu tư trên sàn này sẽ sớm được gỡ vướng cho dòng tiền lớn chảy vào.

Đại diện Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ, dù TTCK sôi động hơn rất nhiều, nhưng đa phần đến từ nhà đầu tư cá nhân, mà thiếu vắng các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Cơ quan quản lý cần sửa đổi các chính sách cho phù hợp để khuyến khích và tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư nước ngoài dễ dàng tham gia thị trường phái sinh.

Trong khi đó, theo ông Linh, nhiều tổ chức đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vào TTCK Việt Nam bị ràng buộc bởi điều lệ, chỉ đầu tư cổ phiếu cơ sở và không đầu tư chứng khoán phái sinh. Có thể có một số quỹ trong nước được linh hoạt lựa chọn biện pháp phòng ngừa rủi ro bằng mua/bán các hợp đồng tương lai.

Tuy vậy, hiện nay, TTCK phái sinh đã đi vào hoạt động hơn 9 tháng, các nhà đầu tư tổ chức có thêm thời gian nghiên cứu, đề xuất thay đổi điều lệ cũng như chiến lược quản lý tài sản để có thể được sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro và/hoặc gia tăng lợi nhuận bằng các hợp đồng tương lai.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty chứng khoán đang cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh cho biết, trong quá trình làm việc với các tổ chức, ngân hàng lưu ký toàn cầu cho thấy, không chỉ các quỹ đầu tư nước ngoài, mà bản thân các ngân hàng thương mại trong nước cũng có nhu cầu trong việc sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài kết hợp với các sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu.

Tuy nhiên, phần lớn các tổ chức bị “vướng” hoàn tất hồ sơ về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư để có sự thông qua từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, vướng mắc đến từ quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng, đó là ngân hàng thương mại phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trước khi tham gia TTCK phái sinh. VSD luôn tạo điều kiện để các tổ chức tham gia thị trường, nhưng vẫn phải theo quy định.        

Tin bài liên quan