Con tôm Việt Nam đã nhiều lần gặp rào cản bất công khi vào thị trường Hoa Kỳ.

Con tôm Việt Nam đã nhiều lần gặp rào cản bất công khi vào thị trường Hoa Kỳ.

Ngành tôm khởi động hành trình tự bảo vệ

(ĐTCK) Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã đệ trình các cơ quan chức năng cho phép kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra WTO vì ra phán quyết bất công áp thuế bán phá giá với các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam. Vụ kiện này gửi thông điệp ra thế giới rằng, Việt Nam sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ quyền lợi của nhà xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ và ở bất kỳ nước nào khác.

Theo pháp luật về chống bán phá giá của Hoa Kỳ, sau tròn mỗi năm kể từ ngày lệnh áp đặt thuế chống bán phá giá của DOC được ban hành, DOC sẽ tiến hành rà soát hành chính để xem xét lại mức thuế chính thức mà DOC đã áp trong khoảng thời gian 1 năm liền kề trước đó. Theo thông lệ này, tháng 2/2007, DOC tiến hành rà soát hành chính lần thứ hai (POR2) của vụ kiện chống phá giá tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Khoảng 30 DN xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đăng ký tham gia rà soát trong POR2, nhưng DOC chỉ chọn 2 DN để điều tra đầy đủ (bị đơn bắt buộc).

Ngày 6/3/2008, trên Công báo Liên bang, DOC ban hành quyết định sơ bộ về mức thuế sơ bộ của các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam trong giai đoạn POR2 (1/2/2006 - 31/1/2007). Theo đó, mức thuế suất của các bị đơn bắt buộc (Minh Phú và Camimex) là mức thuế không đáng kể (0% và 0,01%) và mức thuế này được áp dụng cho các công ty tham gia được hưởng thuế suất riêng rẽ (gồm các DN xuất khẩu tôm Việt Nam có tham gia vào giai đoạn rà soát lần 2, nhưng không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc và do vậy, chỉ trả lời bảng câu hỏi và cung cấp các số liệu theo yêu cầu của DOC, gọi tắt là bị đơn tự nguyện).

Ngày 2/9/2008, DOC ban hành quyết định cuối cùng về kết quả rà soát của POR2. Theo đó, mức thuế suất của các bị đơn bắt buộc (Minh Phú và Camimex) vẫn là thuế suất không đáng kể (0% và 0,01%). Tuy nhiên, mức thuế suất đó không được dùng để tính thuế cho các bị đơn tự nguyện, mà các bị đơn tự nguyện lại được áp thuế theo mức thuế suất từ giai đoạn POR1 trước đó: 4,57%.

Quyết định của DOC về mức thuế suất cuối cùng áp dụng cho POR2 là bất công và đẩy DN xuất khẩu tôm Việt Nam vào tình thế khó khăn. Cụ thể là trước khi có kết quả rà soát hành chính lần thứ 2, phần lớn DN tôm Việt Nam có mức thuế chống bán phá giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan và Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi có mức thuế cho giai đoạn rà soát POR2, mức thuế suất chống bán phá giá của DN tôm (bị đơn tự nguyện của Việt Nam) là khá cao so với DN tôm khác của các nước khác cũng là bị đơn của vụ kiện tôm như Thái Lan (3,18%), Ấn Độ (1,6%) và chỉ thấp hơn Trung Quốc. Với mức thuế cao, các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ ở vị thế cạnh tranh bất lợi hơn. Việc này là bất công, vì các DN của Việt Nam được DOC lựa chọn điều tra và tính thuế suất riêng (Minh Phú và Camimex) đều có mức thuế suất không đáng kể (làm tròn về 0%), DN tôm của Việt Nam cũng đã nỗ lực tốt hơn trong việc tuân thủ yêu cầu của Chính phủ Mỹ (giảm và loại trừ việc phá giá).

Bên cạnh đó, các bị đơn tự nguyện của Việt Nam sẽ không có cơ hội để có được kết quả 3 lần rà soát liên tiếp bằng 0% và được bãi bỏ lệnh áp thuế chống phá giá đối với họ. Theo quy định của pháp luật chống bán phá giá Hoa Kỳ, nếu một DN được hưởng mức thuế suất không đáng kể (thấp hơn hoặc bằng 2%) trong 3 kỳ rà soát hành chính liên tiếp, lệnh áp thuế chống bán phá giá sẽ được bãi bỏ đối với DN đó. Tuy nhiên, cho dù đã nộp đơn xin rà soát lại mức thuế và nộp đơn yêu cầu DOC xem xét vấn đề này theo đúng luật pháp Hoa Kỳ, các DN là bị đơn tự nguyện đã không được DOC xem xét số liệu và hồ sơ để tính thuế riêng và không được hưởng mức thuế suất bằng 0% khi mức thuế tính cho tất cả các bị đơn bắt buộc là 0% hoặc không đáng kể. Do vậy, nếu quyết định của DOC cho POR2 được giữ nguyên, các bị đơn hưởng mức thuế suất riêng sẽ không có cơ hội để thay đổi mức thuế khá cao của mình (4,57%).

Phân tích thực tiễn vụ điều tra rà soát này và kết quả các vụ kiện tương tự trong WTO, Hội đồng Tư vấn về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (Hội đồng TRC) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam có thể cân nhắc kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định của Hiệp định về chống bán phá giá của WTO, ít nhất là về các vấn đề trong khuôn khổ điều tra rà soát lần 2 thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam theo 3 nội dung.

Thứ nhất, phương pháp sử dụng zeroing trong điều tra rà soát thuế chống bán phá giá là thông lệ được Hoa Kỳ sử dụng thường xuyên và ổn định trong nhiều vụ điều tra chống bán phá giá. Nội dung của phương pháp này là khi tính toán biên độ phá giá chung, DOC chỉ tính các biên độ phá giá có giá trị dương (lớn hơn 0), biên độ phá giá có giá trị âm sẽ được tự động chuyển về thành 0. Với phương pháp này, biên độ phá giá được tính toán sẽ cao hơn, từ đó mức thuế chống bán phá giá cũng bị đội lên rất nhiều.

Thứ hai, phương pháp ký quỹ liên tục của Hoa Kỳ đòi hỏi nhà nhập khẩu phải đặt cọc trước toàn bộ số tiền tương ứng với số thuế chống bán phá giá sẽ áp cho tôm nhập khẩu của Việt Nam trong cả năm. Điều này cản trở nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đặt hàng từ Việt Nam.

Thứ ba, việc Hoa Kỳ không sử dụng mức thuế 0% (được xác định cho 2 bị đơn bắt buộc) làm thuế suất chung cho các bị đơn tự nguyện mà lại dùng thuế suất cao của giai đoạn rà soát thuế lần 1 (POR1) cho những bị đơn tự nguyện này là không phù hợp với Hiệp định về chống bán phá giá của WTO (ADA); việc Hoa Kỳ chỉ lựa chọn 2 nhà sản xuất không đủ mang tính đại diện cho tất cả nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ và do đó vi phạm ADA. Không có điều khoản nào trong ADA quy định về mức "thuế suất toàn quốc" để áp thuế cho các bị đơn, ngoài bị đơn bắt buộc và tự nguyện.

Lợi ích của việc khởi kiện những vấn đề nói trên theo các luật sư Hội đồng TRC của VCCI là rất lớn, xét từ cả góc độ của ngành sản xuất, xuất khẩu tôm, cộng đồng DN Việt Nam. Cụ thể, giúp DN tôm Việt Nam diện bị đơn tự nguyện hưởng mức thuế POR2 bằng 0% và do đó không phải đặt cọc khoản tiền chống bán phá giá lớn, và hàng triệu USD tiền đặt cọc cho giai đoạn trước sẽ được trả lại; giúp DN Việt Nam có thể được thoát khỏi thuế chống bán phá giá do 3 lần rà soát liên tục có kết quả 0%.

Việc khởi kiện và thắng kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo rằng, các biện pháp bất lợi này không được áp dụng cho hàng hóa Việt Nam và do đó, kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam sẽ bớt khắc nghiệt hơn; gửi thông điệp ra thế giới rằng, Việt Nam sẽ đấu tranh tích cực để bảo vệ quyền lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ và ở bất kỳ đâu. Đây là công cụ tốt để ngăn chặn việc lạm dụng trong các quyết định về chống bán phá giá của cơ quan có thẩm quyền (của Hoa Kỳ nói riêng và các nước khác nói chung).