Nhìn lại tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam, nhà đầu tư càng có thêm lý do để lo ngại về triển vọng không lấy làm lạc quan năm 2019.
Năm 2018 đã chứng kiến "quả đắng" của các cổ đông đầu tư vào cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) khi chốt phiên cuối năm qua, thị giá cổ phiếu HSG đã giảm tới 74% so với hồi đầu năm. Từ cuối tháng 10/2018, giá HSG đã giảm xuống dưới mệnh giá, hiện giao dịch quanh ngưỡng 6.000 đồng/cổ phiếu.
Thậm chí, trong quý cuối niên độ, HSG bất ngờ lỗ ròng hơn 101 tỷ đồng. Niên độ tài chính 2017 - 2018, Tập đoàn chỉ đạt 410,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 70% so với niên độ trước đó. Điều này diễn ra trong bối cảnh doanh thu của doanh nghiệp vẫn tăng trưởng 31%, nhưng giá vốn hàng bán lại tăng tới 40%.
Cùng với đó, chi phí tài chính của HSG tăng mạnh, nhất là chi phí lãi vay tăng 68%, chiếm 811,6 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày HSG mất hơn 2,2 tỷ đồng tiền lãi vay.
Trước tình hình này, Hoa Sen buộc phải tái cấu trúc hệ thống phân phối, thoái vốn khỏi các dự án đầu tư trái ngành và chuyển nhượng một số bất động sản. Niên độ 2018 - 2019, HSG tiếp tục đánh giá thị trường không có nhiều tích cực khi xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh dựa trên cơ sở mức giá nguyên liệu thép cán nóng (HRC) là 470 USD/tấn.
Nếu giá HRC tiếp tục giảm, HSG thậm chí sẽ thua lỗ. Kế hoạch niên độ này được Tập đoàn trình cổ đông là 31.500 tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với niên độ trước và mục tiêu 500 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Tỷ suất lợi nhuận ngành thép. (Tổng hợp dựa trên các doanh nghiệp: HPG, POM, HSG, TIS, NKG, VGS, VIS, SMC, TLH, DTL, DNY - Nguồn: FPTS tổng hợp(
Tương tự, một doanh nghiệp lớn mạnh về mảng tôn là Thép Nam Kim (NKG) cũng ghi nhận lợi nhuận giảm sốc, khi lợi nhuận ròng quý III/2018 chưa đến 1 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim giao dịch quanh mức 7.000 đồng/cổ phiếu, giảm tới 83% so với đầu năm 2018.
Dự kiến các doanh nghiệp tôn mạ như HSG, NKG sẽ còn rất vất vả trong năm 2019 khi thị trường tôn mạ đang cạnh tranh khốc liệt, các kênh xuất khẩu cũng khó khăn hơn do các biện pháp áp thuế chống bán phá giá.
Cùng chung đà lao dốc là giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát, khi hiện chỉ giao dịch quanh khoảng 29.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, dù có giảm trong mức giảm chung của toàn thị trường, HPG cũng đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết, khi Khu liên hợp Gang thép Dung Quất đi vào hoạt động, HPG đặt kế hoạch sản lượng 2019 đạt khoảng 3,5 - 4 triệu tấn, tăng khoảng 33% so với thực hiện năm 2018, nhưng đây cũng là "một kế hoạch đầy thách thức".
Trong vài năm qua, HPG được nhiều nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư ưa thích mặc dù kết quả ngành có nhiều suy giảm. Tới nay, đây vẫn là cổ phiếu nhận được nhiều khuyến nghị tích cực nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, nhà đầu tư có dấu hiệu lo lắng hơn với vấn đề nợ vay ngày càng gia tăng của Công ty, chưa kể việc liệu dự án Dung Quất có triển khai đúng tiến độ như lãnh đạo HPG khẳng định hay không.
Báo cáo mới đây của Goldman Sachs dự báo, nhu cầu thép sẽ giảm gần 5%. Mặc dù lo ngại về tương lai ngành này, song Goldman Sachs khẳng định: "Chúng tôi không nghĩ rằng thị trường sẽ trở lại như năm 2015 bởi dự báo hầu hết các lĩnh vực đều có lãi”.
Ở trong nước, nhiều chuyên gia phân tích không đánh giá tích cực triển vọng của các doanh nghiệp ngành thép trong năm nay. FPTS cho biết, với việc bảo hộ thương mại đang gia tăng tại nhiều quốc gia/khu vực, giá thép nhiều khả năng sẽ bị phân hóa đối với các khu vực. Thêm vào đó, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cắt giảm công suất và hiện tại đang nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường đối với sản xuất thép. Cộng với việc nguồn cung thép Việt Nam tăng lên khá mạnh, giá thép sẽ chịu áp lực giảm khá lớn trong năm 2019.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mức giảm của giá thép Trung Quốc trong năm 2019 sẽ không quá lớn do thị trường đã bớt phân mảnh hơn, giúp giá thép không còn giảm sâu như trong quá khứ. Cùng với đó, điểm tích cực trong giai đoạn này chính là các doanh nghiệp nội địa đang dần nâng cao tính cạnh tranh khi mở rộng công suất, tiết kiệm chi phí và chuẩn bị các kế hoạch để đối phó với tình hình chung của thị trường.