Ngành quỹ, cần tiếp sức để lớn mạnh

(ĐTCK) “Bên cạnh nâng cao nhận thức cho các nhà đầu tư, ngành quỹ Việt Nam rất cần các cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển của ngành trong thời gian tới...”, chuyên gia trong lĩnh vực quỹ đầu tư, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Kỹ thương chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán. 
Ngành quỹ, cần tiếp sức để lớn mạnh

Được nhìn nhận là tiềm năng phát triển còn rộng mở, nhưng ngành quản lý quỹ Việt Nam chậm phát triển, sản phẩm kém đa dạng, ông có cho  là như vậy?

Thị trường quỹ đầu tư tại Việt Nam hiện còn rất non trẻ, với quy mô mới chỉ hơn 1 tỷ USD, so với hàng trăm tỷ USD của các nước trong khu vực. Vì vậy, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này còn rất lớn. Để tạo ra sự cạnh tranh khác biệt giữa các công ty quản lý quỹ, cách duy nhất chính là các công ty phải đáp ứng được nhu cầu toàn diện của nhà đầu tư...

Ông nhận thấy đâu là những thách thức mà ngành quỹ Việt Nam đang phải đối mặt và vượt qua?

Một trong những thách thức lớn hiện tại chính là sự cạnh tranh từ FinTech, nói cách khác là áp dụng công nghệ số trong việc quản lý và vận hành quỹ đầu tư. Trên thế giới, các công ty FinTech đang tham gia cạnh tranh rất nhiều trên thị trường tài chính và quản lý quỹ đầu tư.

Vì vậy, đây sẽ là đối tượng cạnh tranh quyết liệt nhất với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, trong đó có Công ty Quản lý quỹ Kỹ thương, cũng như Công ty Chứng khoán Kỹ thương trong vòng 5 - 10 năm tới.

Do vậy, trong vòng 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã chú trọng đầu tư cả về công nghệ tài chính lẫn con người, với tầm nhìn chiến lược là trở thành một công ty FinTech hàng đầu trong lĩnh vực quản lý quỹ và quản lý gia sản (wealth management) tại Việt Nam.

Để giúp ngành quỹ Việt Nam vượt qua thách thức, tận dụng hiệu quả tiềm năng phát triển còn rộng mở, theo ông, đâu là những giải pháp cần triển khai?

Trên thế giới, đặc biệt là tại các trung tâm tài chính như Mỹ, châu Âu, Singapore, Hồng Kồng, Nhật Bản…, các nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán thông qua các quỹ đầu tư chiếm đến khoảng trên 80% giá trị giao dịch toàn thị trường, trong khi đó, tỷ lệ này tại Việt Nam còn rất thấp.

Do đó, ngoài việc nâng cao nhận thức cho các nhà đầu tư, ngành quỹ tại Việt Nam rất cần các cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển của ngành. 

Thứ nhất, khung pháp lý cần tạo điều kiện hơn nữa cho sự ra đời các loại hình sản phẩm quỹ mới phù hợp với nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư và theo kịp sự phát triển của thị trường.

Trong những năm qua, cơ quan quản lý mới chỉ ban hành thêm quy định về một loại hình quỹ mới là quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (pension fund), một số loại hình quỹ khác như quỹ đầu tư tiền tệ (money market fund), quỹ đầu tư thanh khoản (liquid fund)… chưa có quy định điều chỉnh.

Thứ hai, cần có các chính sách ưu đãi về thuế đối với các quỹ và nhà đầu tư cá nhân của quỹ.

Hiện các nhà đầu tư gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng không phải chịu thuế thu nhập cá nhân trên lãi tiền gửi. Tuy nhiên, nếu họ tích lũy tiết kiệm bằng hình thức đầu tư vào các quỹ tạo thu nhập cố định như quỹ mở trái phiếu hay quỹ hưu trí, thì họ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5% trên cổ tức thu được từ quỹ.

Hay như quỹ đầu tư bất động sản, chính sách thuế không có gì ưu đãi hơn so với việc thành lập công ty kinh doanh trực tiếp bất động sản, do quỹ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào quỹ cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức được chia từ quỹ.

Thứ ba, cần có sự hướng dẫn đầy đủ về hạch toán kế toán đối với các tài sản đầu tư là giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng, cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu chuyển đổi.

Hiện đã có quy định cho phép tài sản đầu tư của quỹ bao gồm các loại giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng, trái phiếu, cổ phiếu có quyền biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết, trái phiếu chuyển đổi…

Trên thực tế, các sản phẩm đầu tư phức hợp và cấu trúc này đã xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn về hạch toán kế toán đối với các loại hình tài sản đầu tư này, dẫn đến ngân hàng giám sát chưa chấp nhận cho quỹ được đầu tư vào các loại hình tài sản đó.

Tin bài liên quan