Ngẩn ngơ ta đến chợ nào hở em!?

Ngẩn ngơ ta đến chợ nào hở em!?

(ĐTCK) Dẫu cho các nhà quy hoạch trình độ đầy mình có đưa ra vô số tiêu chí để phân biệt nông thôn và thành thị thì tôi vẫn cứ đinh ninh rằng, cái rõ nhất để chia làng, chia phố là hình ảnh tương phản: chợ cóc - siêu thị. Và dù có tinh thần "thương nhớ đồng quê" đến đâu, người ta vẫn phải thừa nhận rằng, sự tiện lợi, sạch sẽ của siêu thị hấp dẫn hơn nhiều cái không khí chợ quê.

Không kể đến việc được ngập giữa một rừng hàng hoá để tha hồ lựa chọn, chỉ nguyên việc không phải mặc cả, bớt xén đã hấp dẫn những thị dân quanh năm bận rộn lắm rồi. Bằng cớ là cái căn bệnh nghiện mua sắm hầu như chỉ có ở những quý bà, quý cô lắm tiền rỗi việc chốn thị thành, khi xứ mình xuất hiện những đại siêu thị kiểu như Big C hay Metro…, chứ người quê có ra chợ cũng chỉ "ù té" mớ rau, con cá rồi mau mau về lo việc nông gia…

Khi chứng khoán xuất hiện tại Việt Nam và cổ phiếu là một loại hàng hoá được nhiều người biết đến thì nghiễm nhiên trên thị trường cũng xuất hiện "siêu thị" cổ phiếu - là hai sàn HO và HA cùng vô số chợ cóc, chợ tạm mua - bán trao tay cổ phần, cổ phiếu của những công ty chưa đủ tầm hoặc vì lý do nào đấy mà chưa muốn bước chân vào siêu thị. Của đáng tội, không như lẽ thông thường, hai siêu thị cổ phiếu nhà mình lại lèo tèo hàng hóa hơn nhiều so với cả ngàn loại cổ phiếu thượng vàng hạ cám mà người ta vẫn rỉ rả bán - mua trên chợ cóc OTC.

Khi thị trường còn nóng, buôn chứng khoán OTC một vốn bốn lời thì chuyện buôn bán hàng hoá trên cái chợ cóc này lắm chuyện cười ra nước mắt. Hẳn nhiều người còn nhớ vụ "in thừa" cổ phiếu tại Ninh Bình cuối năm 2007, do công ty in cổ phiếu cho một DN ở tỉnh này đã “tiện tay" in thêm một số cổ phiếu không ghi danh và… tuồn ra thị trường; hoặc câu chuyện cổ phiếu Bệnh viện Bình Dân ngày trước cũng là "gương sáng" của việc  "buôn lúa non" biến thành "mua vịt giời"…

Còn nhiều nguyên cớ khác nữa khiến từ lâu dân chứng khoán chờ đợi cái "đại siêu thị" chứng khoán OTC được chính thức khai sinh. Thật ra, cái tên "đại siêu thị" là "mượn tạm" của một đồng nghiệp, chứ cái tên mà nhà quản lý dự định viết vào giấy khai sinh là "Thị trường đăng ký giao dịch chứng khoán chưa niêm yết - UPCoM". Và rồi sau bao ngày lần lữa, quy chế ra vào "siêu thị" này cũng đã được hình thành. Các "đại lý trung gian" cũng đã được mời đến để giảng giải về nội quy siêu thị, để làm sao khi mở cửa, người mua, kẻ bán đều đẹp lòng mà các bậc sinh thành cũng mãn nguyện khi "đứa con" của mình ra đời xuôi chèo mát mái, sánh vai cũng hai người anh HO và HA, trở thành siêu thị cổ phiếu thứ ba ở xứ ta. Những màn khởi động này gợi nên hàm ý rằng, cái việc "xé vé thu tiền" vào siêu thị OTC đã gần lắm rồi.

Nhưng khởi đầu trống dong cờ mở là thế mà có vẻ như nhiều "khổ chủ" có hàng lại không muốn đem con bỏ… siêu thị này. Đem thắc mắc trên hỏi ông chủ một doanh nghiệp cổ phần chuyên về vật liệu xây dựng ở miền trung du, ông này thủng thẳng bảo: "Tiếng thế thôi, chứ cái anh UPCoM này cũng chẳng dễ xơi đâu. Cả ngàn vị lên sàn này cùng một lúc thì có ba đầu sáu tay, mấy ông ở HA cũng nổ tung đầu vì quá tải. Mà nếu lựa chọn vài ba anh có máu mặt thì chắc gì người ta đã chịu lên. Lại thêm việc thị trường đang cơn bạo bệnh thế này, hai siêu thị đã đìu hiu, thêm cái nữa chắc trở thành chốn ở của… Bà Đanh".

Mới nhắc lại với ông rằng, người ta đã lường hết mọi sự, mới đầu UPCoM chỉ "chơi" với mấy đại gia cổ phiếu ngân hàng và dăm ba anh chị có máu mặt, chứ còn như cổ phiếu nhà ông lâu lắm rồi mặc kệ thị trường xuống giá vẫn cứ đứng trơ trơ (vì có ai mua đâu mà xuống), thì còn phải chờ đầu xuôi đã (!)

Ông chủ lý sự: Người ta thường đến siêu thị vì sự tiện lợi. Thế nhưng, cái chợ cao cấp sắp ra đời này còn nhiều chướng ngại lắm. Khoan nói đến việc phải mất thêm "tiền gửi xe", thì thời gian mở cửa bán - mua cũng buồn cười. Ai lại buôn bán vào cái lúc nửa sáng, nửa chiều và nghỉ đứt đoạn đến vài tiếng đồng hồ như thế!?  

Được nghe giảng giải, mới mở lại quy chế của UPCoM, hóa ra đúng là còn có nhiều điều đáng bàn thật. Cơ quan quản lý thì bảo thủ tục thế là đơn giản lắm rồi, thế nhưng ngẫm ra cái biên độ dao động giá cổ phiếu chỉ là +/-10%, thay vì +/-20% như HASTC đã đánh tiếng dạo trước cũng khiến nhiều kẻ có tiền chẳng mấy hào hứng với siêu thị OTC. Thời gian giao dịch được tính trong khoảng 10h - 15h và nghỉ giữa phiên từ 11h30 đến 13h30. Chẳng lẽ việc dành cho nó nguyên cả buổi chiều lại khó khăn, trắc trở thế sao?

Còn một điều hấp hấp dẫn lớn nhất mà người ta chờ đợi và có thể khiến siêu thị UPCoM sống được dù sinh sau đẻ muộn là việc được cùng mua, cùng bán một loại cổ phiếu trong phiên lại không trở thành sự thật. Vì vậy cho nên, chẳng cần phải giàu trí tưởng tượng lắm cũng có thể hình dung ra sự èo uột của UPCoM khi nó chính thức được cấp giấy khai sinh.  

Thế nên, cái việc đại siêu thị UPCoM sắp chào đời được khối người chép miệng: "Rằng hay thì thật là hay…"

Xem toàn bộ chùm bài "Văn hóa chứng khoán"