Ngân hàng chưa lên sàn: Không phải không minh bạch

Ngân hàng chưa lên sàn: Không phải không minh bạch

(ĐTCK) Hỏi chuyện tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần rằng, tại sao ngân hàng của ông vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn? Liệu có phải như thị trường đồn đoán là ngân hàng có hai sổ sách kế toán nên nếu lên sàn ngay sẽ lộ ra việc không minh bạch với cổ đông?

Vị tổng giám đốc này cho biết, thực tế, các ngân hàng chưa lên sàn không phải vì thiếu minh bạch. Thậm chí, về yếu tố minh bạch tài chính, khó có doanh nghiệp nào có thể “sánh bằng” các nhà băng, bởi đây là đối tượng doanh nghiệp đặc biệt.

Cụ thể, nói rằng ngân hàng có hai sổ sách là không đúng, bởi các ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước chỉ có 1 sổ sách. Bên cạnh đó, riêng lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm bắt buộc phải có kiểm toán định kỳ, không khác gì các công ty niêm yết.

Tỷ lệ các ngân hàng sử dụng dịch vụ kiểm toán của Big 4 kiểm toán là đa số, trong khi không nhiều công ty niêm yết sử dụng Big 4. Điều này đã phần nào cho thấy nhà băng luôn trong tâm thế chấp nhận và coi trọng yếu tố minh bạch.

Nhà băng chịu sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước về mọi mặt hoạt động, tài chính, cho vay, tuân thủ, thanh toán, công nghệ thông tin, phòng chống rửa tiền, tham nhũng… Chưa kể hoạt động quản lý của Thanh tra Chính phủ   

Chưa kể, chỉ có hệ thống ngân hàng là phải chịu sự thanh tra “khủng khiếp” của Nhà nước. Cụ thể, riêng Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước có Vụ 1, 3, 4, 5, 6, Cục Phòng chống rửa tiền liên tục thanh tra theo chuyên đề. Bên cạnh đó, Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ thông tin của Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên thanh tra các ngân hàng.

“Nhà băng chịu sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước về mọi mặt hoạt động, tài chính, cho vay, tuân thủ, thanh toán, công nghệ thông tin, phòng chống rửa tiền, tham nhũng… Chưa kể hoạt động quản lý của Thanh tra Chính phủ”, vị tổng giám đốc chia sẻ.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ, mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên sàn nhằm huy động vốn, tạo ra giá trị thặng dư cho cổ đông. Nếu việc này mang lại lợi ích lớn cho nhà băng, chắc chắn, các lãnh đạo ngân hàng sẽ quyết định lên sàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hệ thống ngân hàng thực sự yếu bởi đối mặt với câu chuyện nợ xấu nên việc tăng vốn, kêu gọi vốn là rất khó khăn.

“Theo đó, giá cổ phiếu không cao, lại không đúng giá trị thực, lên sàn ngay thời điểm này là điều bất lợi, gây thiệt hại cho cổ đông, khách hàng và chính ngân hàng. Do vậy, bài toán đặt ra là liệu có nên lên sàn thời điểm này?”, vị chủ tịch nói

Chung quan điểm này, vị tổng giám đốc trên cho biết: “Giả sử cổ phiếu của ngân hàng có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, sau khi lên sàn chỉ còn 8.000 đồng/cổ phiếu. Vậy lên sàn để làm gì? Việc bắt buộc các ngân hàng lên sàn trong chừng mực nào đó là chưa chuẩn xác.

Lên sàn phải mang lại lợi ích thiết thực cho cổ đông, ngân hàng, khách hàng, thị trường. Thị trường chứng khoán là nơi tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp, không phải là nơi để ép buộc”.

Thực tế, mặc dù chưa niêm yết trên sàn, nhưng rất nhiều ngân hàng đã chuẩn bị cho quá trình này từ lâu. Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính VPBank chia sẻ, từ năm 2010, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã quyết định chuyển đổi, xây dựng mô hình ngân hàng thành ngân hàng hiện đại.

Theo đó, đối với khối tài chính, câu chuyện là phải áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Cùng với việc VPBank trong nhóm 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thực hiện thí điểm Basel 2, việc chuyển đổi của khối quản trị rủi ro cũng phải vận hành và đã hỗ trợ nhiều khối tài chính trong việc triển khai IFRS.

“Đến ngày hôm nay, khái niệm IFRS tại VPBank được thảo luận hàng ngày, không phải chỉ là vấn đề để thảo luận với nhà đầu tư. So với VPBank cách đây 5 năm, thực sự có rất nhiều chuyển đổi”, bà Thảo nói.

Mặc dù tình hình kinh tế nói chung vẫn chưa quá lạc quan, nhưng vị chủ tịch kể trên cho rằng, hệ thống ngân hàng đã có những biến chuyển tích cực, hiệu quả hơn so với trước.

Cụ thể ở ngân hàng ông, quy mô nằm trong Top 20 nhưng hiệu quả trong Top 10. Bên cạnh đó, việc Nghị quyết xử lý nợ xấu dự kiến được ban hành chắc chắn sẽ là một “cú huých” tạo ra thay đổi tích cực đối với thị trường.

“Thị trường tốt lên, cùng với đó, Ngân hàng tái cấu trúc lại cổ đông, việc lên sàn không còn xa đối với chúng tôi. Nếu nhanh, cuối năm nay, Ngân hàng sẽ chính thức lên sàn, còn chậm hơn một chút thì đầu năm 2018”, vị Chủ tịch nói.

Tin bài liên quan