Ông Nguyễn Đình Cung.

Ông Nguyễn Đình Cung.

NĐT cần đấu tranh vì quyền bình đẳng ngay từ bản hợp đồng

(ĐTCK-online) Các tranh chấp giữa công ty chứng khoán (CTCK) với NĐT ngày càng phức tạp, với kết cục là NĐT nhỏ thường phải nhận phần thiệt thòi. Nhiều NĐT “kêu” sở dĩ họ phải chịu rủi ro như vậy là bởi thiếu công cụ pháp lý. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điều này chỉ đúng một phần, nguyên nhân chủ yếu là NĐT chưa biết nắm lấy công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Ông cho rằng, quy định pháp lý hiện hành đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NĐT khi phát sinh tranh chấp với CTCK?

Tuy hệ thống pháp lý vẫn còn thiếu, có những quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng, nhưng đủ để NĐT tự bảo vệ quyền lợi của mình khi phát sinh tranh chấp với CTCK. Thế nhưng, điều đáng tiếc là không ít NĐT chạy lên sàn giao dịch, nhưng chưa nắm rõ các quy định pháp lý, hoặc chưa biết cách sử dụng các công cụ này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Vậy NĐT phải bắt đầu từ đâu để sử dụng hiệu quả các công cụ pháp lý, thưa ông?

Hãy bắt đầu từ tìm hiểu nghiêm túc các quy định về thị trường, về CTCK mà họ có ý định giao dịch. Các hiểu biết này phải được vận dụng ngay từ việc ký hợp đồng giao dịch với CTCK, nghĩa là trước khi đặt bút ký hợp đồng, NĐT phải nghiên cứu kỹ hợp đồng, đảm bảo hiểu thấu đáo các điều khoản và tiên lượng được mức độ rủi ro có thể xảy ra đối với mình. Trường hợp NĐT phát hiện trong hợp đồng CTCK đưa ra có các điều khoản bất lợi thì dứt khoát không ký, mà hãy tìm cách thương thảo với CTCK để có được bản hợp đồng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng; còn nếu ký, khi xảy ra tranh chấp NĐT phải chịu thiệt thòi là đương nhiên.

Thực tế, NĐT nhỏ rất khó làm việc này vì với năng lực pháp lý hạn chế, họ khó phát hiện ra những “cái bẫy” trong hợp đồng có thể gây thiệt hại cho họ. Hơn nữa, nếu không chấp nhận hợp đồng mẫu mà CTCK đưa ra họ gần như không có cơ hội giao dịch?

Hợp đồng mẫu là thứ… bỏ đi. Chỉ nên tham khảo, chứ không nên coi nó là thứ bất biến. Bản chất của hợp đồng là thoả thuận tự nguyện giữa các bên, nên NĐT đặt bút ký nghĩa là chấp nhận các quy định trong hợp đồng. Điều đáng nói là thường khi các CTCK đưa hợp đồng ra là NĐT ký ngay, mà không tìm hiểu kỹ, nhưng khi xảy ra tranh chấp lại kêu pháp luật không bảo vệ NĐT nhỏ. Điều này không thoả đáng. Muốn giảm thiểu rủi ro, NĐT nên tập hợp lại thành nhóm để có đủ năng lực tài chính thuê tư vấn, thuê luật sư ngay từ khâu soạn thảo, ký kết các hợp đồng giao dịch. Việc các NĐT tập hợp nhau lại còn tạo ra đối trọng với các CTCK, buộc công ty phải ngồi lại với NĐT thương thảo một bản hợp đồng thoả mãn được đòi hỏi của các bên. Điều này là rất khả thi trong bối cảnh TTCK ngày một cạnh tranh gay gắt, bởi nếu CTCK nào cố tình làm ăn không đàng hoàng, thì sớm muộn gì cũng mất khách. Sự trừng phạt của thị trường rất khắc nghiệt, nên NĐT hãy tự tin vào những đòi hỏi chính đáng của mình đối với CTCK. Có như vậy tình hình mới được cải thiện, chứ nếu NĐT cứ cam chịu ký vào những bản hợp đồng mẫu, thì chuyện họ bị thua thiệt khi phát sinh tranh chấp với CTCK sẽ còn tái diễn. Cái dở của NĐT là quyền lợi chính đáng của mình đang bị xâm phạm, nhưng lại không tiên phong mạnh dạn đứng lên đấu tranh, mà cứ trông chờ người khác.

Theo nhiều NĐT, sở dĩ có tình trạng trên là bởi họ còn lúng túng trong sử dụng các công cụ pháp lý. Theo ông, làm thế nào để giúp họ thoát khỏi trạng thái này?

Khi xảy ra tranh chấp, nếu giải quyết bằng con đường thoả thuận không xong, NĐT có thể khởi kiện ra toà án kinh tế. Nên nhớ, khi ra toà án, NĐT phải tự thu thập các chứng cứ cung cấp cho toà án. Hiện năng lực thu thập bằng chứng của NĐT rất hạn chế, nên thường đưa ra các chứng cứ thiếu thuyết phục, không đầy đủ. Điều quan trọng để bảo vệ NĐT nhỏ hiệu quả tại toà là ngoài chứng minh mình giao dịch nghiêm túc, tuân thủ đúng pháp luật, họ phải cung cấp được các bằng chứng về những sai phạm của đối tác đủ sức nặng. Muốn vậy, ngay trong quá trình giao dịch, NĐT phải luôn có ý thức thu thập, lưu trữ các chứng cứ đề phòng có rủi ro. Nếu khi phát sinh tranh chấp và có ý định khởi kiện mới thu thập bằng chứng thì khó đầy đủ, kém sức nặng, nên khả năng bảo vệ NĐT nhỏ tại toà án không cao.

Muốn làm những việc trên hiệu quả, đúng quy định pháp luật, NĐT nên dành một khoản chi phí đầu tư cho thuê tư vấn, luật sư ngay từ lúc ký hợp đồng giao dịch. Để đủ năng lực tài chính, các NĐT nhỏ nên liên kết thành nhóm, có thể thông qua Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI). Bằng cách này, NĐT có thể chỉ phải mất một khoản phí vừa phải để duy trì hoạt động của Văn phòng chuyên tư vấn, bảo vệ quyền lợi NĐT nhỏ, nhưng sẽ giúp họ tăng khả năng được bảo vệ. Xét về mặt kinh tế và lợi ích lâu dài, điều này có lợi hơn so với việc NĐT phải bỏ ra một khoản tiền thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp.