Nâng hạng TTCK: Phải có sự vào cuộc tầm cao

Nâng hạng TTCK: Phải có sự vào cuộc tầm cao

(ĐTCK) Thông tin về bảng xếp hạng thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2017, trong đó có những chi tiết không tích cực về TTCK Việt Nam, vừa được MSCI công bố đang thu hút sự quan tâm của cả nhà quản lý lẫn các thành viên thị trường.

Theo kết quả xếp loại hàng năm mà MSCI vừa công bố, TTCK Việt Nam vẫn “giữ hạng” ở nhóm “thị trường cận biên”, kèm theo đó là hai thông tin đáng chú ý: Việt Nam chưa có tên trong danh sách tiềm năng để xem xét nâng hạng; MSCI có một số đánh giá không tích cực về TTCK Việt Nam.

Cụ thể là vẫn có giới hạn về sở hữu nước ngoài đối với các công ty ở một số ngành nghề có điều kiện và lĩnh vực nhạy cảm. Quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do room còn lại không nhiều, quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.

MSCI nhìn nhận, một số thông tin về doanh nghiệp, các quy định về thị trường và luồng thông tin về thị trường thường không có sẵn bằng tiếng Anh...

Lý giải nguyên nhân Việt Nam chưa có tên trong danh sách tiềm năng để được xem xét nâng hạng, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, thông thường, quá trình theo dõi, xem xét của MSCI để đưa ra quyết định nâng hạng một TTCK sẽ phải mất ít nhất 2 năm và thường là dài hơn, có thể 3-5 năm kể từ khi MSCI đưa thị trường này vào danh sách tiềm năng để rà soát.

Trong khi các tiêu chí định lượng không phải là trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện, thì nhóm tiêu chí định tính là rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.

Việc đánh giá của MSCI hoàn toàn dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài (phần lớn các tiêu chí là định tính), nên việc áp dụng các chính sách, giải pháp của cơ quan quản lý mới chỉ là một yếu tố, không đảm bảo TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng.

Ðó là chưa kể hiện trạng tự do hóa thị trường ngoại hối đang là vấn đề khá nhạy cảm với Việt Nam. Thị trường ngoại hối vẫn đang được kiểm soát chặt để bảo vệ giá trị tiền đồng. Cải thiện điều kiện này cần sự hợp tác và nỗ lực của toàn hệ thống.

Trên thực tế, thời gian qua, nỗ lực nâng hạng TTCK chủ yếu mới ghi nhận chuyển biến từ phía cơ quan quản lý, các bên tổ chức giao dịch và thanh toán bù trừ, chứ chưa có sự vào cuộc rõ nét từ phía các doanh nghiệp niêm yết, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán.

Thậm chí, nỗ lực của nâng hạng TTCK của UBCK thời gian qua gặp nhiều khó khăn, chưa nhận được sự  quyết tâm cao từ chính các doanh nghiệp niêm yết.

Một ví dụ cụ thể là nhà quản lý phải lùi thời gian triển khai ý tưởng buộc các doanh nghiệp lớn phải công bố thông tin bằng tiếng Anh, cũng như chưa thể áp dụng nhiều hơn các chuẩn mực về quản trị công ty theo thông lệ tốt của quốc tế...

Ðó là chưa kể thực tế hiện nay tồn tại những vướng mắc nằm ngoài tầm xử lý của ngành chứng khoán, chẳng hạn vấn đề liên quan đến quy định về tự do hóa thị trường ngoại hối.

Nếu muốn thành công trong nâng hạng TTCK Việt Nam, rõ ràng cần có một kế hoạch hành động ở tầm Chính phủ để chỉ đạo tổng thể, đồng bộ các bộ ngành cùng vào cuộc, chứ nếu tiếp tục để ngành chứng khoán “độc mã” như hiện tại, thì mục tiêu nâng hạng TTCK khó cán đích.

Tin bài liên quan