Nâng hạng thị trường: Khoảng hụt về lượng và chất

Nâng hạng thị trường: Khoảng hụt về lượng và chất

(ĐTCK) Việt Nam được FTSE Rusell thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi hạng 2, tuy nhiên tổ chức được đánh giá là “quyền lực hơn” và có tác động mạnh mẽ hơn là MSCI (Morgan Stanley Capital International) lại chưa đưa thị trường Việt Nam vào danh sách nâng hạng. Vậy bao giờ TTCK Việt Nam mới có thể lên bậc cao hơn?

Những tiêu chí còn hụt

Trong các tiêu chí để được xem xét nâng hạng, có thể thấy hầu hết các tiêu chí chưa cải thiện, ngoại trừ việc đăng ký mở tài khoản. Các tiêu chí cụ thể như sau:

1 Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, room ngoại;

2. Quyền công bằng của nhà đầu tư nước ngoài;

3. Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối;

4. Luồng thông tin;

5. Hệ thống thanh toán bù trừ;

6. Khả năng chuyển nhượng;

7. Cho vay chứng khoán và bán khống.

Với MSCI, việc nâng hạng còn có tiêu chí dựa trên sự tham khảo của họ với các tổ chức nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam về mức độ hài lòng; đồng thời dựa trên hệ thống đánh giá nội bộ.

Quan sát thị trường có thể thấy, điểm dễ tạo nên không hài lòng nhất là giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài. Qua gặp gỡ và tiếp xúc với các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài tới từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, có thể thấy một khó khăn chung là họ không thể tìm được nhiều thông tin về công ty mà họ dự định đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài này thường theo chân các quỹ lớn ở chính quốc gia của họ để đầu tư vào Việt Nam. Họ có thể mô phỏng danh mục giống như các quỹ đó hoặc tự mình phân tích. Tuy nhiên, khi đăng nhập vào một số trang web của công ty chứng khoán dễ thấy các tin tức, nhận định thị trường khá nhiều, nhưng các báo cáo chi tiết về cổ phiếu lại rất ít và thường khá cũ. Để giải quyết vấn đề này, nhà đầu tư ngoại thường tìm tới các nhân viên môi giới chứng khoán nhưng “cái khó ló cái khó hơn”. Các môi giới gạo cội trên thị trường thường không thạo ngoại ngữ để cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho nhà đầu tư cũng như trình độ chuyên môn sâu về doanh nghiệp để tư vấn cho khách hàng, chủ yếu là theo trường phái phân tích kỹ thuật để ra điểm mua/bán.

Người viết từng tiếp xúc với một nhà đầu tư từ Hàn Quốc làm việc chuyên môn trong ngành nghề đầu tư, đã có chứng chỉ CFA nhưng anh đầu tư vào Việt Nam với tâm thế là đi theo quỹ lớn và cơ cấu danh mục hoàn toàn giống quỹ lớn. Lượng vốn anh bỏ vào cũng không nhiều so với thu nhập. Sau hai năm nhìn lại, danh mục của anh này không sinh lời và còn lỗ nhẹ, với 30 loại cổ phiếu khác nhau.

Tại thời điểm VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm, nhiều công ty chứng khoán thuộc sở hữu nước ngoài tăng vốn điều lệ, nhiều quỹ đầu tư đổ tiền vào Việt Nam, cuộc chiến giành thị phần với lượng tiền lớn đổ vào đưa thị trường đi lên thêm 20% nữa, nhưng 1 năm sau, nhìn lại hiệu quả đầu tư lại rất thấp.

Dòng tiền nóng đổ vào rồi sẽ rút ra khá nhanh, ngay cả các quỹ ngoại lớn đổ tiền vào Việt Nam cũng vì những lợi ích ngắn hạn, chủ yếu tiền tập trung quanh các cổ phiếu trong chỉ số VN30, thời điểm này nhìn lại có những cổ phiếu đã mất tới 80% giá trị so với đỉnh giá và có khả năng rơi vào trạng thái thua lỗ dài hạn.

Với các nhà đầu tư cá nhân ngoại, nhiều người muốn mua cổ phiếu của các công ty đã hết room, nhưng không biết tìm cách nào và tìm thông tin đó ở đâu. Hàng ngày họ vẫn kiên trì ngồi đặt lệnh mua cổ phiếu vì thị trường Việt Nam chưa có các sản phẩm khác thay thế như chứng quyền có đảm bảo, quyền chọn mua/bán, hợp đồng tương lai cổ phiếu…

Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được cung cấp duy nhất 1 mã Trading code tương ứng với 1 tài khoản chứng khoán và thủ tục, giấy tờ khá rắc rối, cũng không khuyến khích họ ở lại lâu dài với thị trường.

Muốn nâng hạng, phải làm từ gốc chính sách

Các thành viên thị trường và nhà đầu tư đều muốn đi nhanh để được nâng hạng, nhưng gốc rễ vấn đề nằm ở chính sách và luật pháp. Lấy ví dụ cụ thể từ ngành ngân hàng để đánh giá.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, một trong những nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong vài năm tới là giảm sở hữu chéo, xử lý nợ xấu, tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn Basel II. Một số ngân hàng đã cạn room nước ngoài, nhưng theo Quyết định số 986 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ tối thiểu 65% tổng số cổ phần có biểu quyết, gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV trong giai đoạn 2018 - 2020; giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025 sẽ nắm giữ tối thiểu 51%.

Đây là 3 ngân hàng nằm trong danh sách thí điểm áp dụng Basell II sớm 1 năm kể từ ngày 1/1/2019, tuy nhiên đến nay mới chỉ có Vietcombank đáp ứng, BIDV và Vietinbank đều gặp khó khăn trong vấn đề tăng vốn, đặc biệt là Vietinbank khi Nhà nước vẫn còn nắm giữ trên 65% vốn và đã hết room ngoại.

Trong số 10 ngân hàng thí điểm Basell II đợt đầu đến nay, mới có 3 ngân hàng đáp ứng được, còn lại các ngân hàng khác đang gặp khó khăn về việc cấu trúc lại số liệu đúng chuẩn cũng như tăng vốn.

Năm ngoái, khi Ngân hàng ACB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 12.886 tỷ đồng cũng kèm theo yêu cầu ACB có trách nhiệm duy trì tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ACB không vượt quá 30% (thực tế ACB đã đầy room từ lâu). Các ngân hàng khác đã kín room ngoại như LPB, MBB, TCB…

Có một sự thật là tất cả các nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường đều đã nghe câu chuyện nới room ngành ngân hàng cách đây ngót nghét 10 năm, nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến.

Một nút thắt khác là quá trình cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết sau cổ phần hóa nhiều năm nay diễn ra rất chậm, khiến lượng hàng hóa trên thị trường chưa đa dạng, quy mô vốn hóa TTCK trên GDP tuy lớn, nhưng các cổ phiếu đầu ngành hầu như đều có nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức khác nắm giữ tỷ trọng cao, khiến tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên sàn thực tế còn lại rất nhỏ, ảnh hưởng méo mó tới chỉ số.

Cùng là 1 tỷ USD, nếu đổ vào thị trường quy mô 10 tỷ USD sẽ rất khác việc đổ vào thị trường 100 tỷ USD. Nếu được nâng hạng, thị trường kỳ vọng dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, nhưng trước hết phải làm sao xử lý được hàng loạt sự chậm trễ đến từ việc các doanh nghiệp không IPO, thoái vốn hoặc niêm yết…

Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối cũng là một nút thắt của quá trình nâng hạng. Tự do hóa là quá trình giảm thiểu và cuối cùng là hủy bỏ sự kiểm soát của Nhà nước. Trong đó tự do hóa ngoại hối nằm ở bộ phận tự do hóa tài chính quốc tế.

Hiện Việt Nam vẫn đang thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát, trước giai đoạn năm 2012, NHNN thường xuyên can thiệp vào tỷ giá bằng cách tăng/giảm tỷ giá công bố và thay đổi biên độ giao dịch, quản lý lỏng lẻo các đại lý thu đổi ngoại tệ dẫn tới thị trường giai đoạn này có thanh khoản thấp, thiếu ổn định, sự chênh lệch lớn giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do khiến tình trạng “găm giữ ngoại tệ” để kiếm lời tăng cao.

Sau giai đoạn này, NHNN can thiệp sâu hơn vào thị trường ngoại hối bằng việc đưa ra tỷ giá trung tâm và các cam kết về ổn định tỷ giá trong biên độ cố định nhằm kiểm soát sự mất giá của VND, tạo sự ổn định cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, đồng thời hút vốn đầu tư nước ngoài.

Các sự kiện lớn như Brexit, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và Fed tăng lãi suất đã phần nào thấy được sự ổn định của VND so với các đồng tiền khác, củng cố niềm tin trong giới đầu tư. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và giao dịch thị trường trong nước còn hạn chế. Để được nâng hạng, ngay cả FTSE cũng có yêu cầu thị trường ngoại hối tự do và phát triển hoàn thiện.

Việc đối xử công bằng nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn là một câu chuyện dài kể từ khi TTCK Việt Nam mở cửa tới nay. Trên 95% nhà đầu tư hiện nay là các cá nhân, nhỏ lẻ nhưng quy định pháp lý vẫn nợ họ những công cụ để thực hiện đúng vai trò bảo vệ số đông đối tượng tham gia. Việc nhà đầu tư cá nhân, đại chúng chưa được bảo vệ bằng hành lang pháp lý đầy đủ và còn thiếu niềm tin thị trường khiến các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán gặp nhiều khó khăn khi huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân. Trong cơ cấu góp vốn của các tổ chức này, chủ yếu vẫn là vốn nước ngoài, nhà nước hoặc từ các tổ chức kinh tế khác.

Bài học từ các TTCK phát triển cho thấy, việc thu hút nhà đầu tư cá nhân rất quan trọng, khởi điểm là sự thay đổi trong tư duy tạo ra bước tiến lớn hơn là việc thu hút quá nhiều vốn đầu tư vào thị trường.

Trên thế giới, các quỹ ETFs lớn huy động được nhiều tỷ USD từ các nhà đầu tư cá nhân (xem bảng), tuy nhiên, ở Việt Nam, Quỹ ETF lớn nhất (VFMVN30) lại cũng chưa có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia mà chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Như vậy, để nhà đầu tư cho điểm cộng với TTCK Việt Nam, yêu cầu tiên quyết là các vấn đề pháp lý phải hoàn thiện, thông điệp chính sách đã nói cần phải làm.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần cập nhật, nâng cấp sửa đổi để tiến tới một thị trường hoàn thiện hơn. Các thành viên thị trường cần có cái nhìn tổng thể về câu chuyện nâng hạng, chứ không nên kỳ vọng mơ hồ hay chỉ nhìn vào một vài lợi ích như nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thành lập trung tâm thanh toán bù trừ để giảm thiểu các tổ chức không chính thức bên ngoài, giải tỏa “cơn khát T+0” của các traders...

Câu chuyện nâng hạng cần trở thành tâm điểm của thị trường trong các năm tới, dù cần nhiều thời gian, nhưng cải thiện cả về lượng và chất mới có thể giúp thị trường bước lên nền tảng cao hơn

Tin bài liên quan