Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Room và những rào cản cần gỡ

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Room và những rào cản cần gỡ

(ĐTCK) Kết quả một cuộc khảo sát nhà đầu tư nước ngoài do Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) phối hợp với CTCP Stoxplus vừa công bố cho thấy, có đến 83,3% nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, họ sẵn sàng bỏ thêm vốn nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng trở thành thị trường mới nổi.

Room và những rào cản nâng hạng

Các TTCK trên thế giới được MSCI xếp hạng theo 4 nhóm gồm: thị trường phát triển (Developed market), thị trường mới nổi (Emerging market), thị trường cận biên (Frontier market) và thị trường đơn lập (Standalone market). Việt Nam là một trong số ít các thị trường cận biên cùng mức xếp hạng với Sri Lanka và Bangladesh. Trong khi đó, hầu hết các TTCK trong khu vực ASEAN đã được nâng hạng lên mới nổi.

Trong nhiều nhóm tiêu chí để nâng hạng TTCK Việt Nam, việc nới lỏng hạn chế sở hữu nước ngoài (room) là một trong các tiêu chí quan trọng. Về điểm này, tại Việt Nam, từ năm 2015, Chính phủ đã có quy định nới room đến 100% tại doanh nghiệp trong nhiều ngành kinh doanh, nhưng vẫn có một số ngành nghề chưa nới lên mức này.

Lấy ví dụ về room ngoại trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay, ông Jun Nitta, Giám đốc Khối quản lý tài sản Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, năm 1980, việc đồng peso giảm giá mạnh đã gây khủng hoảng cho ngành tài chính tại Mexico. Theo đó, Mexico đã quyết định mở room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào, trong đó có cả lĩnh vực ngân hàng.

Kết quả, việc tham gia của các tổ chức không chỉ giúp nền kinh tế họ vượt qua khủng hoảng, mà cón đóng góp lợi ích và sự phát triển của nền kinh tế sau này. Sau đó 8 năm, tại Ba Lan cũng xảy ra trường hợp tương tự và Chính phủ quốc gia này cũng chủ trương mở room cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong khu vực ASEAN, đại diện IFC cho biết, Philippines cách đây vài năm đã mở room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài; Thái Lan dù vẫn còn một số rào cản, nhưng thực tế cũng đã mở room 100%. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ đầu tư vào các ngân hàng hiện nay là 30%. Theo ông Jun, nếu nới rộng room trong ngành ngân hàng gắn liền với các biện pháp quản lý rủi ro có thể sẽ đóng góp đáng kể tăng trưởng kinh tế.

“Suy cho cùng, nền kinh tế nào muốn phát triển cũng cần một nền tảng vốn nhất định, đặc biệt từ hệ thống ngân hàng. Đối với những thị trường mới nổi, nếu tạo ra lợi nhuận nhanh hơn thì vốn sẽ nhiều hơn”, ông Jun nói.

"Bên cạnh những nỗ lực cải cách thể chế, Việt Nam cần có một đại diện liên kết ở cấp trung ương chuyên chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán"

- Ông Sani-e-Mehmood Khan, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Pakistan.

Theo cuộc khảo sát của Stoxplus và HOSE, trong số 312 niêm yết trên Sở, chỉ có 13 doanh nghiệp đã thực hiện việc nới room lên 100%, với tổng vốn ngoại thu được khoảng 127 triệu USD. Khoảng 22 doanh nghiệp đã thông qua chủ trương nới room tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông, nhưng chưa thực hiện được vì còn vướng một số rào cản về pháp lý cũng như kỹ thuật. Còn lại hơn 227 doanh nghiệp chưa có kế hoạch nới room, ngoài các yếu tố kỹ thuật, rào cản lớn nhất với họ là sợ bị đối xử như nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) chia sẻ trường hợp tại chính doanh nghiệp mình. Ông Johan cho biết, chủ trương nới room đã có từ trước khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua không hạn chế cổ phần tại các doanh nghiệp không thuộc danh mục đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, đến nay, Công ty vẫn chưa thể thực hiện được, bởi nếu nâng room, khả năng HSC sẽ trở thành doanh nghiệp nước ngoài và bị đối xử như nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, quy trình cũng như hoạt động đầu tư của HSC sẽ bị thay đổi. Đặc biệt, HSC đang lên kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, nên việc trở thành nhà đầu tư nước ngoài thì HSC có được đầu tư ra nước ngoài nữa không? Đây vẫn còn là một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.

Ở trường hợp khác, một công ty dược phẩm có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 51% cho biết, họ sẽ không được đưa thuốc vào bệnh viện như một công ty sản xuất trong nước bình thường, khiến nhiều công ty dược phải cân nhắc rất kỹ về lợi ích khi tính việc nới room lên 100%. Khi doanh nghiệp không nới, nhà đầu tư ngoại không có điều kiện để tăng sở hữu lên mức cao hơn trên TTCK Việt Nam. 

Cần nâng hạng, muộn nhất là 3-5 năm tới

Đó là khuyến nghị, cũng như kỳ vọng của nhiều chuyên gia khi được hỏi về thời điểm Việt Nam cần nâng hạng TTCK. Ba năm được cho là con số lý tưởng nhất để Việt Nam có thời gian để thay đổi, nhằm đáp ứng được những tiêu chí của MSCI.

Đánh giá về những nỗ lực trong chính sách phát triển TTCK hiện nay, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, nhiều chính sách đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong nỗ lực chung, nhằm phát triển TTCK cả về chiều rộng và chiều sâu. Chẳng hạn, mới đây, Bộ Tài chính có quy định doanh nghiệp sau IPO phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên sàn chính thức chậm nhất 15 ngày, đã tạo nhiều tín hiệu lạc quan cho nhà đầu tư và các thành viên thị trường.

Vốn hóa trên sàn UPCoM đang tăng nhanh, thậm chí có khả năng vượt qua sàn niêm yết tại HNX cho thấy hiệu ứng chính sách rất rõ nét. Khi quy mô thị trường tăng lên, bà Hương tin rằng, sức hấp dẫn của TTCK cũng sẽ tăng, nhất là khả năng hấp dẫn các nhà đầu tư lớn.

Điều Chủ tịch VNDirect cho rằng, cần phải hoàn thiện hơn để hấp dẫn khối ngoại là cải thiện sự minh bạch của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải chủ động công bố thông tin IPO, cả thông tin bằng tiếng Anh, công khai và bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

“Khi có nhiều thông tin, chắc chắn khối ngoại sẽ tăng sự chú ý đến Việt Nam”, bà Hương nói.

Về câu hỏi liệu bao giờ TTCK VIệt Nam được nâng hạng, đại diện từ MSCI từ chối trả lời cụ thể, vì cho rằng, điều này phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam.

“Điểm tích cực là so với 3 năm trước đây, khả năng tiếp cận thông tin của TTCK Việt Nam đã cải thiện đáng kể, nhất là trong vấn đề công bố thông tin bằng tiếng Anh”, ông nói và khuyến nghị rằng, mặc dù MSCI đề ra 18 tiêu chí, nhưng Việt Nam trước mắt cần tập trung vào một số tiêu chí quan trọng, cần thiết và phù hợp với thị trường, trong đó bao gồm vấn đề room ngoại và minh bạch thông tin.

Từng là thị trường mới nổi rồi bị hạ xuống xếp hạng mức thị trường cận biên, sau đó trở lại thị trường mới nổi, TTCK Pakistan được xem là một trường hợp đáng để Việt Nam tham khảo.

Ông Sani-e-Mehmood Khan, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Pakistan chia sẻ, tháng 8/2008, Pakistan áp dụng chính sách áp giá sàn tối thiếu cho các cổ phiếu niêm yết. Kết quả, thị trường lập tức đóng băng. Tình trạng này kéo dài suốt hơn 3 tháng và đến tháng 12/2008, Pakistan chính thức bị xóa khỏi nhóm thị trường mới nổi. Mất đến 7 năm tái cơ cấu, huy động mọi nguồn lực, Pakistan mới lấy lại sự ổn định và trở lại nhóm thị trường mới nổi.

Theo ông Khan, điểm mấu chốt đối với Pakistan để vượt qua khủng hoảng đó chính là sự ủng hộ từ cấp trên trong chiến lược chung, đưa ra lộ trình thúc thị trường vốn đi lên.  Đây cũng là điều mà ông Khan cho rằng, Việt Nam cần rút kinh nghiệm.

“Bên cạnh những nỗ lực cải cách thể chế, Việt Nam cần có một đại diện liên kết ở cấp trung ương chuyên chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán”, ông nói.

Tính đến 7/9/2016, chỉ số KSE 100 Index đã tăng 22%, mức tăng cao nhất trong khu vực và cao hơn mức trung bình của nhóm thị trường mới nổi là 16,3% với mức P/E toàn thị trường xấp xỉ 14 lần.

Khác với Việt Nam, Pakistan không áp dụng mức giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống luật lệ cũng được Chính phủ Pakistan áp dụng bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

Bên cạnh đó, để thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Pakistan đẩy mạnh nâng cấp hệ thống giao dịch về công nghệ mới, giao dịch được thông báo ngay qua SMS. Theo ông Khan, Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế giao dịch và thanh toán nhanh hơn để rút ngắn tối đa thời gian giao dịch cho nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.     

Ủy ban Chứng khoán sẽ đề xuất giảm bớt ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Room và những rào cản cần gỡ ảnh 1

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán 

Trong quá trình triển khai Nghị định 60/2015/NĐ-CP tại các doanh nghiệp đã phát sinh hàng loạt nút thắt và nhiều vướng mắc. Vướng mắc lớn nhất là các rào cản về mặt pháp lý, đặc biệt là khi tham chiếu với các luật chuyên ngành. Trong 2 năm tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với cơ quan, ban ngành có liên quan để xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán mới, sao cho phù hợp với tình hình thực tế, cũng như giải quyết những mâu thuẫn hiện nay.

Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Ủy ban Chứng khoán cũng sẽ đề xuất giảm bớt số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thực tế, cần nói thêm, bên cạnh những vấn đề về pháp lý, việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài phụ thuộc phần lớn vào quyết định của doanh nghiệp.

Ủy ban Chứng khoán chỉ đóng vai trò khuyến khích các doanh nghiệp trong việc mở room và hỗ trợ về mặt thủ tục. Quyết định chính nằm ở chính doanh nghiệp, dựa trên cân nhắc điểm lợi và bất lợi khi nới room. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp dù được cho phép mở room, nhưng thực tế họ không mở hoàn toàn.

Gần 20.000 nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam

Tính đến hết tháng 10, đã có 19.895 nhà đầu tư nước ngoài được VSD cấp mã số giao dịch chứng khoán trên TTCK Việt Nam gồm 3.074 tổ chức và 16.821 cá nhân. Thời gian để cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài được rút ngắn đáng kể, chỉ còn vài ngày so với 1 tháng như trước đây.

Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài không dễ dàng đổ vốn vào TTCK Việt Nam khi họ chưa thể nắm bắt rõ ràng thông tin về doanh nghiệp. Theo khảo sát về hoạt động công bố thông tin trên HOSE, có gần 60% doanh nghiệp công bố thông tin thuần túy qua website tiếng Anh, khoảng 35% công bố thông tin thuyết minh bằng tiếng Anh và 32,9% doanh nghiệp công bố thông tin cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Quy định pháp lý hiện mới ở mức khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện công bố thông tin bằng tiếng Anh. Điều này, theo các chuyên gia, cũng sẽ là một yếu tố kéo dài thời gian nâng hạng của thị trường.

Tin bài liên quan