Những DN lớn như DPM đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2011 tăng trưởng 15 - 20% so với mức thực hiện năm 2010 - Ảnh: Hoài Nam

Những DN lớn như DPM đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2011 tăng trưởng 15 - 20% so với mức thực hiện năm 2010 - Ảnh: Hoài Nam

Năm mới, nhiều DN lên kế hoạch cao hơn

(ĐTCK-online) Tăng trưởng và tái cơ cấu là đặc điểm nổi bật trong kế hoạch kinh doanh năm 2011 mà các công ty niêm yết lần lượt công bố. Điều đáng nói là các kế hoạch này được xây dựng trên kịch bản không có nhiều lạc quan về các yếu tố vĩ mô, đặc biệt với giả định lãi suất sẽ tiếp tục ở mức cao như hiện nay.

Những doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Hòa Phát (HPG), Đạm Phú Mỹ (DPM) đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2011 tăng trưởng 15 - 20% so với mức thực hiện năm 2010. Một số doanh nghiệp quy mô vừa cũng đã công bố kế hoạch khả quan năm 2011.

CTCP Sản xuất và kinh doanh XNK dịch vụ và đầu tư Tân Bình (TIX) sẽ xin ý kiến ĐHCĐ ngày 15/1 về kế hoạch lợi nhuận sau thuế 93,7 tỷ đồng, tăng 24,1% so với thực hiện năm 2010; doanh thu đạt 885,8 tỷ đồng, tăng 20,6%. Lợi nhuận niên độ tài chính 2010 -2011 của TIX sẽ được hạch toán từ bán dự án và hoạt động cho thuê nhà xưởng kho bãi truyền thống. Do lãi suất tăng cao, TIX đã chủ động giãn tiến độ đầu tư và bán căn hộ chung cư tại quận Tân Phú và Tân Bình để tránh phải sử dụng vốn vay và chờ thời điểm thích hợp bán hàng. Lợi nhuận từ dự án chung cư này sẽ được hạch toán vào cuối năm 2011 và 2012.

Ông Trần Quang Trường, Phó tổng giám đốc TIX cho biết, Công ty đã thành lập công ty tại Mỹ để hỗ trợ hoạt động thương mại xuất khẩu, chủ yếu là thực phẩm sang Mỹ, đưa hàng vào hệ thống siêu thị của cộng đồng người Việt ở Mỹ, tránh những rủi ro trong thanh toán.

Ông Phùng Quang Hà, Tổng giám đốc Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PET) cho biết, doanh thu năm 2010 của PET ước đạt 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 240 - 250 tỷ đồng. Năm 2011, PET dự tính doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 220 tỷ đồng. Theo ông Hà, kế hoạch lợi nhuận năm 2011 tuy không cao bằng số thực hiện năm 2010, song truyền thống của PET là luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận.

Đáng lưu ý, năm 2011, PET sẽ thực hiện tái cơ cấu. Năm 2010, PET đã giảm 4 đầu mối là doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty bằng biện pháp giải thể hoặc sáp nhập, bán đơn vị hoạt động không hiệu quả. Năm 2011, từ 6 doanh nghiệp do PET giữ 100% vốn, sẽ cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, chỉ giữ lại 2.

Riêng dự án bất động sản tại Thanh Đa, TP. HCM, liên doanh với Công ty Đầu tư dự án Sài Gon Pearl, PET đầu tư 51% vốn. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, đang san ủi mặt bằng, dự kiến khởi công vào quý I năm nay.

Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM) cũng đặt trọng tâm vào hoạt động tái cơ cấu các đơn vị thành viên trong năm 2011 với mục tiêu niêm yết 2 công ty cổ phần vào giữa năm nay.

Theo ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sau khủng hoảng là giai đoạn các doanh nghiệp phải thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ để hoạt động hiệu quả hơn và các doanh nghiệp ngành dầu khí bắt đầu thực hiện nhiệm vụ này.

Các tập đoàn tư nhân lớn sau khủng hoảng cũng đang tiếp tục cơ cấu hoạt động, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh hiệu quả. HAG sau năm 2010, tái cơ cấu bằng cách thành lập các công ty thành viên trong từng lĩnh vực kinh doanh. Tập đoàn sẽ tiếp tục kế hoạch niêm yết các công ty bất động sản, khoáng sản, thủy điện trong năm 2011 và các năm tiếp theo.

Tập đoàn có quy mô nhỏ hơn là CTCP Địa ốc Đất Xanh (DXG) đang hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ lên 320 tỷ đồng và phát hành trái phiếu thường 500 tỷ đồng. Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT DXG cho biết, cùng với quá trình tăng vốn, DXG phấn đấu thu nhập trên mỗi cổ phiếu tối thiểu là 4.000 đồng. Dự kiến, DXG sẽ thành lập các công ty thành viên trong từng mảng hoạt động là xây lắp, môi giới, đầu tư bất động sản nhằm chuyên môn hóa các hoạt động chính của Tập đoàn.

Hòa Phát đã quyết định đẩy nhanh tiến độ đầu tư giai đoạn 2 Khu liên hiệp Gang thép Hòa Phát ở Hải Dương vì thực tế triển khai giai đoạn 1 cho thấy hiệu quả hơn hẳn sản xuất thép bằng công nghệ lò điện của nhà máy thép tại Hưng Yên do HPG đầu tư và vận hành từ 5 năm trước. Tỷ suất lợi nhuận mà nhà máy thép công nghệ lò cao mang lại là 10% so với tỷ lệ 5 đến 6% của lò điện. Nếu giá điện tăng lên thì tỷ suất lợi nhuận của lò điện có thể còn tiếp tục giảm đi. Điểm đặc biệt là lợi nhuận và doanh thu tăng thêm của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2011 đến từ các dự án đã đầu tư thông qua tăng sản lượng bán hàng, giảm chi phí quản lý, nâng cao năng suất.

Giá điện và giá than dự kiến tăng lên trong năm 2011 sẽ làm thay đổi tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành thép, sử dụng nhiều điện.

Những công ty tăng trưởng dựa vào vốn và yếu tố đầu vào đang được trợ giá như điện, than, khí sẽ dần phải cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, tăng doanh thu để tạo ra tăng trưởng lợi nhuận nhằm bù đắp việc tăng giá đầu vào của nguyên liệu sản xuất trong năm 2011.

Môi trường kinh doanh khó khăn khiến các doanh nghiệp vừa mở rộng sản xuất, kinh doanh, vừa phải lo củng cố năng lực cạnh tranh cốt lõi của mình để vượt qua khó khăn không chỉ trong hiện tại mà có thể còn ở phía trước. Cổ phiếu của các công ty này hứa hẹn sẽ là những điểm sáng trên TTCK.