Triển vọng sáng ngành ngân hàng
Đa phần các ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán đều có bức tranh tài chính tích cực trong năm 2018. Trong số 9 ngân hàng đang niêm yết, 7/9 ngân hàng có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 2 con số. Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 143%. Duy nhất Ngân hàng TMCP Công thương - VietinBank (mã CTG) có lợi nhuận giảm do phân loại lại các khoản nợ và lãi dự thu.
Cùng với đó, tình hình nợ xấu chuyển biến tích cực khi tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã giảm vào cuối năm. Đặc biệt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (mã STB) có tỷ lệ nợ xấu giảm một nửa trong năm qua.
Việc đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ để giảm dần sự lệ thuộc vào tín dụng, xử lý thu hồi tốt các khoản nợ xấu đem về lợi nhuận hoàn nhập là 2 yếu tố chính giúp lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2018 tăng trưởng cao, cho dù hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.
Năm 2019, dòng vốn thương mại, đầu tư vào Việt Nam dự báo tăng theo các FTA, cũng như sự chuyển dịch dòng vốn do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ giúp GDP duy trì triển vọng tăng trưởng ổn định; nhu cầu vốn cho xuất nhập khẩu, đầu tư dự kiến gia tăng…
Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã và đang đề ra kế hoạch khả quan cho năm nay. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã VIB) trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Ngân hàng TMCP Ngoại thương - Vietcombank (mã VCB) dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12% so với năm 2018. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM - HDBank (mã HDB) dự kiến là gần 27%...
Không chỉ nhà băng tự tin với kế hoạch kinh doanh 2019, triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng cũng được nhiều công ty chứng khoán đánh giá cao. Chẳng hạn, trong năm nay, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo lợi nhuận trước thuế của ACB tăng trưởng 14,8%; lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (mã TPB) tăng trưởng 17,3%. Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) dự phóng lợi nhuận của STB tăng trưởng 18%; lợi nhuận của CTG tăng trưởng 39,9%...
Cơ hội rộng mở với doanh nghiệp xuất khẩu và khu công nghiệp
Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, với cam kết xóa bỏ từ 9 -100% số dòng thuế nhập khẩu từ các nước thành viên, các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, đồ gỗ… đứng trước triển vọng tăng trưởng mạnh.
Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu công bố doanh thu tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm 2019. Ở lĩnh vực thủy sản, Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) ước tính kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 17,7 triệu USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2018 và dự báo kết quả kinh doanh trong những tháng tới sẽ tốt hơn nhờ vào lượng đặt hàng tăng mạnh.
Sau khi đạt lợi nhuận kỷ lục 600 tỷ đồng trong năm 2018, ANV dự kiến lợi nhuận sau thuế đạt 700 tỷ đồng năm 2019. ANV đã khởi công dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao quy mô 600 ha tại An Giang, với mục tiêu tiến tới tự chủ 100% nguồn con giống và nguyên liệu, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Trong lĩnh vực dệt may, Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết, trong tháng 1/2019, Công ty đạt doanh thu khoảng 17,8 triệu USD, lợi nhuận sau thuế khoảng 1,1 triệu USD, tăng lần lượt 31% và 37,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 2, mặc dù thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, doanh thu của TCM vẫn đạt khoảng 9,1 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 1,13 triệu USD.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (mã TNG), doanh thu 2 tháng đầu năm 2019 đạt 514 tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế 25,3 tỷ đồng, tăng 78%. Trước đó, năm 2018, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của TNG lần lượt tăng 45% và 57% so với năm 2017.
Bên cạnh doanh thu, lợi nhuận khác của nhóm dệt may cũng được đánh giá sẽ tăng mạnh nhờ xu hướng chuyển đổi sản xuất đơn hàng, sản phẩm từ gia công đơn thuần, giá trị gia tăng thấp sang phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn, giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Các doanh nghiệp cho thuê khu công nghiệp như Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC), Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC), Công ty cổ phần Long Hậu (mã LHG)… cũng có triển vọng sáng trong kinh doanh khi dòng vốn FDI tăng cường đổ vào Việt Nam, làm tăng nhu cầu thuê đất và giá thuê trong các khu công nghiệp. Thực tế, giá cho thuê mỗi mét vuông khu công nghiệp trong quý IV/2018 đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước trên cùng một chu kỳ thuê.
Nhiệt điện khí, hàng không, nhựa... hưởng lợi từ giá dầu
Sau khi đạt đỉnh 4 năm vào đầu tháng 10/2018, giá dầu thế giới được dự báo có thể sớm đạt mức 100 USD/thùng vào cuối năm này. Tuy vậy, tình hình đã thay đổi trong 3 tháng cuối năm 2018 khi giá dầu WTI và Brent cùng lao dốc đến hơn 40%. Cung vượt cầu được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu quay đầu giảm mạnh.
Từ đầu năm 2019 đến nay, giá dầu WTI có diễn biến tăng trở lại, dao động quanh mức 55 USD/thùng, cho dù vẫn thấp hơn khoảng 15% so với giá bình quân năm 2018. Nhiều tổ chức nhận định, đà tăng của giá dầu trong năm nay sẽ không quá mạnh để có thể trở lại vùng giá cao năm ngoái.
Giá dầu thấp là tin xấu với các doanh nghiệp dầu khí, nhưng lại là tin vui đối với các doanh nghiệp sử dụng trực tiếp nhiên liệu cũng như các chế phẩm dầu mỏ và khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào. Với doanh nghiệp nhiệt điện khí như Nhiệt điện Nhơn Trạch (mã NT2), Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP)…, giá khí giảm sẽ làm giảm giá vốn và cải thiện biên lợi nhuận cho phần sản lượng bán trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Bên cạnh giá nguyên liệu đầu vào giảm, sự ủng hộ của thời tiết cũng là một lợi thế với các doanh nghiệp nhiệt điện, khi mà hiện tượng El Nino đang có dấu hiệu quay trở lại trong năm 2019 gây giảm lượng mưa và sản lượng của các nhà máy thủy điện, giúp các nhà máy nhiệt điện hưởng lợi khi kỳ vọng sản lượng được huy động nhiều hơn, cũng như giá điện trên thị trường cạnh tranh cao hơn.
Trong một phân tích về cổ phiếu NT2, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo, lợi nhuận cốt lõi của NT2 có thể tăng 15,6% trong năm 2019 nhờ sản lượng điện bán tăng 4,2% và giá khí giảm 5,9% so với năm 2018.
Với các doanh nghiệp sản xuất phân bón như Đạm Phú Mỹ (mã DPM), Đạm Cà Mau (mã DCM)…, nguyên liệu đầu vào là khí chiếm khoảng 60% chi phí sản xuất, nên việc giá khí giảm có lợi cho lợi nhuận trong bối cảnh tiêu thụ phân bón chịu nhiều ảnh hưởng bất thường của thời tiết tác động đến sản xuất nông nghiệp, bên cạnh sức ép cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận nhờ giá nguyên liệu giảm cũng là câu chuyện của các doanh nghiệp hàng không như Vietjet (mã VJC) và Vietnam Airlines (mã HVN), khi chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 30 - 40% chi phí hoạt động. Năm 2018, giá nhiên liệu tăng làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của VJC và HVN, song điều này được kỳ vọng sẽ đảo chiều trong năm 2019, kết hợp với sức tăng trưởng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giúp cải thiện doanh thu, lợi nhuận.
Với các doanh nghiệp sản xuất nhựa như Nhựa Bình Minh (mã BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP), Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã AAA)…, giá dầu giảm sẽ giúp giảm chi phí nguyên vật liệu (chủ yếu là hạt nhựa, được sản xuất từ chế phẩm của dầu mỏ và khí thiên nhiên, do đó biến động cùng chiều với giá dầu - PV) vốn chiếm 60-70% giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhựa cũng được dự báo hưởng lợi khi các FTA sẽ giúp gia tăng sản lượng xuất khẩu. Hiện nay, EU và Nhật Bản là 2 thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa chính của Việt Nam.