Năm 2017, sẽ thúc TTCK sôi động bằng sản phẩm chứng quyền

Năm 2017, sẽ thúc TTCK sôi động bằng sản phẩm chứng quyền

(ĐTCK) Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, theo lộ trình, dự thảo thông tư hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có đảm bảo - Covered Warrant - (CW) sẽ sớm được ban hành, để đưa vào áp dụng vào đầu năm 2017.

Theo ông Nguyễn Sơn, việc phát triển sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ là bước tập dượt cho nhà đầu tư trước khi TTCK phái sinh triển khai thêm sản phẩm phức tạp, như Hợp đồng quyền chọn và rủi ro đối với sản phẩm. “Đây là cơ sở nền tảng để trong một vài năm tới sẽ phát triển các sản phẩm hiện đại hơn”, ông Sơn nói.

Ông Sơn đánh giá, hiện nay, năng lực tài chính và quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán được củng cố hơn một vài năm trước. Các công ty chứng khoán Top đầu đã không ngừng tăng cường sức mạnh tài chính và chất lượng quản trị rủi ro, nhằm cung cấp cho nhà đầu tư các sản phẩm giá trị, các dịch vụ tiện ích đáng tin cậy. Với tính cách khá thận trọng, nhà đầu tư Việt Nam thường ngại bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư. Do vậy, chứng quyền có bảo đảm rất phù hợp với những người có có thu nhập khiêm tốn và thận trọng với rủi ro. Nếu được triển khai giao dịch trên TTCK Việt Nam, chứng quyền có bảo đảm chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào thị trường.

Dựa trên phương thức thực hiện quyền, có chứng quyền theo kiểu Mỹ (người nắm giữ được thực hiện quyền trước hoặc vào ngày đáo hạn) và chứng quyền theo kiểu châu Âu (người nắm giữ chỉ được thực hiện quyền vào ngày đáo hạn). Ông Sơn cho biết, nếu đủ điều kiện về hạ tầng thì TTCK Việt Nam có thể áp dụng cả hai loại ngay từ đầu, nhưng nếu không được thì sẽ thực hiện chứng quyền kiểu châu Âu trước, sau đó mới phát hành theo kiểu Mỹ. Sau này dựa vào khả năng quản trị, sẽ đưa ra các sản phẩm phù hợp với đặc thù riêng.

Bà Trần Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, sản phẩm CW  được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự sôi động của TTCK. CW là một sản phẩm đầu tư tài chính có tính chất như một quyền chọn, cho phép người nắm giữ quyền được bán hoặc mua tài sản cơ sở với một khối lượng xác định từ nhà phát hành (các CTCK đủ điều kiện), tại một mức giá vào hoặc trước thời điểm được xác định. Liên quan đến công tác đào tạo, theo bà Đào, HOSE đã xây dựng một bộ tài liệu đưa ra thị trường, đào tạo cho nhà đầu tư. HOSE cũng đã xây dựng chương trình đào tạo đối với các CTCK.

Góp ý chi tiết về sản phẩm, liên quan đến nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin trong vòng 24 giờ đối với sự kiện có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cổ đông, hoặc giá cổ phiếu dùng làm chứng khoán cơ sở để phát hành chứng quyền, đại diện SSI cho rằng, nên bãi bỏ quy định này. Lý do là các sự kiện phát sinh là của các tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở, chứ không phải của tổ chức phát hành chứng quyền.

Trường hợp tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở không công bố thông tin, tổ chức phát hành chứng quyền sẽ không biết để công bố, hoặc có thông tin, nhưng không thể công bố do có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin của tổ chức khác. Trường hợp tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở đã công bố, đề nghị không yêu cầu tổ chức phát hành chứng quyền công bố nữa.

Đồng quan điểm trên, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét những quy định liên quan đến việc công bố thông tin một cách phù hợp. Cũng theo ông Giang, điều mà nhà đầu tư trông đợi nhất là liên quan đến hợp đồng mua - bán trong ngày, bởi điều này sẽ góp phần tăng thanh khoản và thu hút nhà đầu tư.

Đại diện HSC đề xuất cho phép thực hiện mua bán trong ngày với CW, do đặc thù biên độ dao động giá của CW có thể cao hơn nhiều so với tài sản cơ sở và nhà đầu tư có thể có nhu cầu giao dịch trong ngày nhiều hơn, bước giá giao dịch cũng cần được chia nhỏ hơn so với bước giá của cổ phiếu/ETF, vì mệnh giá/giá chào bán của CW thấp hơn nhiều so với cổ phiếu.

Một số thành viên đưa ra kiến nghị nên xem xét hạn chế, miễn giảm các chi phí, thuế khi chuyển giao chứng khoán cơ sở tại ngày đáo hạn, tránh việc thu phí, thuế nhiều lần trên một sản phẩm tài chính.

Ông Phạm Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBCK cho biết, dựa trên các ý kiến của các thành viên trên thị trường, cơ quan quản lý tổng hợp hoàn thiện thông tư trình Bộ Tài chính. Sau thông tư sẽ có quy chế hướng dẫn của UBCK và các Sở GDCK, các ý kiến sẽ tập trung vào việc hoàn thiện các dự thảo.

“Suy cho cùng, đối tượng thực hiện vẫn là các nhà đầu tư cá nhân và các CTCK nên làm thế nào để sản phẩm khi đưa ra thị trường càng sát và phù hợp với thực tiễn là điều cơ quan quản lý mong muốn”, ông Hoàng nói.

Tại một số thị trường, giao dịch của tổ chức phát hành chiếm 70% CW

Bà Trần Thị Mỹ Linh,Trưởng Phòng Giao dịch cổ phiếu, Phòng Quản lý đầu tư, CTCK TP. HCM (HSC)

Sản phẩm mới, nhưng với tính chất đặc thù sẽ hấp dẫn nhà đầu tư. Trong dự thảo, thời gian rút ngắn còn 20 ngày rất tốt, giúp sản phẩm CW sau khi phát hành được nhanh chóng đưa ra thị trường, nhưng lại mang lại rủi ro thị trường. HSC đề xuất, giá đưa vào bộ hồ sơ là giá dự kiến, sau đó mới đưa giá chính thức phát hành sau.

Liên quan đến quy định về tài sản thanh toán (Điều 5.2) tỷ lệ 50% là khá cao, sẽ làm tăng chi phí cho tổ chức phát hành khi nhà đầu tư thực hiện chứng quyền và ảnh hưởng đến giá phát hành của chứng quyền. Ngoài ra, nghĩa vụ thanh toán của tổ chức phát hành cũng được đảm bảo một phần từ hoạt động phòng ngừa rủi ro được tổ chức phát hành thực hiện và báo cáo hằng ngày.

Về hạn mức phát hành chứng quyền, giá chứng quyền phụ thuộc nhiều vào cung cầu thị trường, do đó việc cấp hạn mức phát hành chứng quyền, nhất là đối với các cổ phiếu dẫn đầu ngành cho tổ chức phát hành là rất quan trọng, vì có thể xảy ra trường hợp một tổ chức phát hành đăng ký để lấy hạn mức phát hành trước, nhưng không thực hiện phát hành, gián tiếp làm biến động giá các chứng quyền đang lưu hành. HSC cũng quan tâm đến quy định về nghĩa vụ tạo lâp thị trường bởi điều này rất quan trọng để duy trì tính thanh khoản cho thị trường. Theo khảo sát tại một số thị trường như thị trường Hồng-Kông, giao dịch của nhà phát hành chiếm 70% giao dịch của CW nên tổ chức phát hành mong muốn được hỗ trợ về thuế, về phí đối với hoạt động này.

Đề nghị HOSE phối hợp đào tạo nhà đầu tư cá nhân về sản phẩm mới

Năm 2017, sẽ thúc TTCK sôi động bằng sản phẩm chứng quyền ảnh 1

Ông Nguyễn  Tuấn Anh,Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán, CTCK VNDirect 

VNDirect rất hồ hởi với sản phẩm CW và kỳ vọng sản phẩm này sẽ  giúp thị trường cân đối cung cầu. Dự thảo thông tư đã được thông qua nhiều vòng và nhiều điểm đã được cân đối, sửa đổi, trong đó nhiều đề xuất của các thành viên đã được cơ quan quản lý xem xét bổ sung như việc rút ngắn thời gian cấp phát giấy đăng ký cho bán... Hiện tại, VNDirect quan tâm đến chức năng, kỹ năng tạo lập thị trường (LP) và hedging.

Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận tổ chức phát hành sẽ gặp nhiều rủi ro nên tổ chức phát hành cần thêm sự hỗ trợ, như giảm phí tạo điều kiện cho các sản phẩm mới và giảm thời hạn tối thiểu của CW (3 tháng).

Về công tác tạo lập thị trường, đề nghị HOSE phối hợp cùng với CTCK đào tạo thị trường cá nhân về sản phẩm mới quan trọng này, liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho CTCK có cơ hội học tập nâng cao năng lực để bán được sản phẩm này để phổ biến rộng rải sản phẩm này ra thị trường, để nhà đầu tư nắm bắt được thông tin.

Kỳ vọng sản phẩm chứng quyền mang lại nhiều lợi ích mới

Năm 2017, sẽ thúc TTCK sôi động bằng sản phẩm chứng quyền ảnh 2

Ông Nguyễn Khắc Hải,Phó tổng giám đốc, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI 

Với những đặc tính vượt trội của sản phẩm chứng quyền như linh hoạt trong giao dịch, không bị giới hạn sở hữu nước ngoài, hiệu ứng đòn bẩy cao, sự ra đời của sản phẩm chứng quyền sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TTCK Việt Nam như bổ sung thêm công cụ đầu tư cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của cả nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức, nội và ngoại.

Sản phẩm, nếu được nhà đầu tư sử dụng, sẽ nâng cao thanh khoản cho thị trường cơ sở, đặc biệt là đối với những mã được lựa chọn làm tài sản cơ sở cho chứng quyền, tạo nguồn thu cho CTCK trong bối cảnh thị phần giao dịch cổ phiếu đã bão hòa, việc tăng thị phần là vô cùng khó khăn.

Bên cạnh đó, dựa vào các sản phẩm mới như chứng quyền, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn,… các quỹ đầu tư phòng hộ (hedge fund) có thể được giới thiệu trong tương lai gần.

Tuy nhiên, để sản phẩm chứng quyền có thể sớm được thị trường chấp nhận, cơ quan quản lý cần tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức phát hành, minh bạch đối với nhà đầu tư, và đặc biệt tiết giảm tối đa các chi phí, thuế liên quan trong giai đoạn sơ khai của sản phẩm.

Ngoài ra, cần làm rõ khái niệm như  chứng quyền dự kiến phát hành để tính hạn mực phát hành; hồ sơ chào bán chứng quyền, các trường hợp huỷ niêm yết chứng quyền… cũng nên quy định rõ ràng hơn hơn để dễ triển khai trên thực tế.

Đối với các giao dịch tạo lập thị trường sau khi chứng quyền niêm yết, cơ quan quản lý cần xem xét miễn các phí giao dịch liên quan này đối với CTCK, bởi vì đây là một phần của giai đoạn phát hành và CTCK đã tự nguyện cung cấp nghiệp vụ tạo lập thị trường giúp tăng thanh khoản, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm.

Tin bài liên quan