Một trong những cơ hội đầu tư năm 2016 là bất động sản

Một trong những cơ hội đầu tư năm 2016 là bất động sản

Năm 2016, cơ hội gom cổ phiếu bất động sản để đón sóng

(ĐTCK) Tồn kho bất động sản giảm mạnh cùng với số căn hộ bán tăng nhanh là yếu tố tích cực của ngành bất động sản, biên lợi nhuận của ngành này khá cao, khoảng 33%.

VN-Index dự báo đạt 670 điểm trong 6 tháng tới

Tại Hội thảo “Việt Nam - Điểm sáng trong bối cảnh rủi ro toàn cầu tăng lên” tổ chức chiều 21/12 tại Hà Nội, ông Trần Hoàng Sơn, chuyên gia MBS đưa ra cái nhìn khá bi quan về TTCK thế giới năm 2016.

Lạm phát và thương mại toàn cầu đang có tín hiệu suy giảm, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất khiến nhiều đồng tiền mất giá so với USD, các NĐT bị rơi vào vòng xoáy rút tiền, dòng tiền bị rút từ thị trường mới nổi chuyển sang các nước phát triển và các nước có chính sách nới lỏng tiền tệ.

Chỉ số dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) tại sàn New York (Mỹ) đã lên đỉnh của lịch sử (đạt 2.049 điểm, khoảng 507 tỷ USD). Các dữ kiện lịch sử cho thấy, mỗi khi dư nợ margin đạt đỉnh sẽ kéo theo “bong bóng”, dẫn đến thời kỳ điều chỉnh dài tính theo năm.

"Năm 2016 là cơ hội để gom cổ phiếu bất động sản, đón “sóng” năm 2017" - Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia MBS.

Lợi nhuận biên của các DN trong chỉ số S&P500 có tín hiệu chạm đỉnh và đi xuống cũng là một dấu hiệu xấu, nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh mạnh trên TTCK thế giới trong năm 2016, dự kiến đợt điều chỉnh rơi vào tháng 10/2016.

Mặc dù bi quan về TTCK Mỹ và nhiều thị trường khác trên thế giới, song các chuyên gia MBS khá lạc quan về TTCK Việt Nam và cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2016 có thể đạt 6,8%, VN-Index dự báo đạt 670 điểm trong 6 tháng tới.

Các lý do được đưa ra là triển vọng dòng vốn nước ngoài sau khi Việt Nam mở “room” và cơ hội nâng hạng thị trường sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chuyên gia MBS kỳ vọng, TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2017, nhờ chính sách mở “room” và các sản phẩm phái sinh dự kiến được triển khai trong năm 2016, đặc biệt là các công ty niêm yết như VNM, MSN, VIC… đủ điều kiện về vốn hóa, thanh khoản theo yêu cầu của MSCI.

Tuy nhiên, các chuyên gia MBS cũng cảnh báo rủi ro của thị trường khi lãi suất có tín hiệu đã chạm đáy và tăng trở lại, thâm hụt ngân sách gây áp lực lên lãi suất trái phiếu chính phủ, lãi suất sẽ khó có thể giảm thêm. Tỷ giá có khả năng điều chỉnh ngay trong quý I/2016. 

Cơ hội gom cổ phiếu bất động sản, đón “sóng” 2017

Đánh giá về cơ hội đầu tư năm 2016, các chuyên gia MBS cho rằng, NĐT nên đầu tư vào các công ty chuẩn bị IPO và sắp niêm yết có quy mô lớn như ACV, MobiFone, Vietjetair… Các cổ phiếu lớn sẽ an toàn hơn các cổ phiếu vừa và nhỏ. Các cổ phiếu trả cổ tức cao, hưởng lợi từ TPP như xây dựng, dệt may, cảng và logistic nên được quan tâm đầu tư.

Ngoài ra, các ngành, lĩnh vực khác được khuyến nghị đầu tư bao gồm: bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng và hạ tầng, dệt may, thủy sản, công nghệ thông tin, cảng biển và nhóm cổ phiếu VN30, HNX30.

Năm 2016, cơ hội gom cổ phiếu bất động sản để đón sóng ảnh 1

 Các chuyên gia MBS khá lạc quan về TTCK Việt Nam

Ông Nguyễn Việt Đức nhận định, năm 2016 là cơ hội để gom cổ phiếu bất động sản, đón “sóng” năm 2017. Hiện lãi suất vẫn ở mức thấp, tồn kho bất động sản giảm mạnh cùng với số căn hộ bán tăng nhanh là yếu tố tích cực của ngành bất động sản, biên lợi nhuận của ngành này khá cao, khoảng 33%.

Với các quy định mới tại Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán DN, việc ghi nhận doanh thu của các công ty bất động sản kinh doanh căn hộ để bán sẽ bị chậm lại, nhưng điểm rơi lợi nhuận của ngành sẽ vào năm 2017.

Theo ông Đức, trong năm 2016, thị trường bất động sản Hà Nội có tính cạnh tranh tương đối so với thị trường TP. HCM. Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như KBC, ITA sẽ là đối tượng được hưởng lợi từ TPP khi các tập đoàn đa quốc gia hay các DN không thuộc khối TPP từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... có xu hướng đặt nhà máy tại Việt Nam để hưởng lợi về thuế.

Về ngành cảng biển, với quá trình tham gia các hiệp định thương mại tự do và xu hướng dịch chuyển dòng vốn nước ngoài, trong những năm qua, nội tại ngành cảng biển tăng trưởng bền vững, từ năm 2006 đạt mức tăng trưởng bình quân 10,9%/năm, mức tăng trưởng sản lượng container qua cảng đạt 14,7%/năm.

Quá trình dịch chuyển dòng vốn FDI và gia nhập TPP sẽ giúp mức tăng trưởng này tăng lên 15 - 20%/năm từ năm 2016. Hiện tại, nhóm cảng biển tại miền Bắc, đặc biệt là nhóm cảng Hải Phòng đang ở trạng thái quá tải công suất.

Tin bài liên quan