Các doanh nghiệp (DN) ở các quốc gia phát triển có một cấp độ phát triển khác hơn nhiều so với các doanh nghiệp của Việt Nam. Vì vậy, tiêu chí niêm yết của các sở giao dịch chứng khoán (GDCK) nước ngoài nhìn chung đều cao hơn rất nhiều so với DN Việt Nam, kể cả các chỉ tiêu định tính và chỉ tiêu định lượng như quy mô vốn hoá, tình hình tài chính, tính đại chúng, quản trị công ty…
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội
Ví dụ, Sở GDCK Luân Ðôn đặt ra tiêu chí niêm yết trên thị trường chính với giá trị vốn hóa tối thiểu 700.000 bảng Anh đối với cổ phiếu và 200.000 bảng Anh đối với trái phiếu, ngoài ra cần phải đáp ứng tiêu chí 25% cổ phần do cổ đông đại chúng nắm giữ và có báo cáo tài chính kiểm toán ba năm trước khi niêm yết.
Dù vậy, điều kiện niêm yết cổ phiếu có thể chưa phải là yếu tố thách thức nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì nhiều doanh nghiệp cũng đã đủ lớn để đáp ứng các tiêu chí đó, nhưng nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết trên các sở GDCK nước ngoài cao hơn và chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, các điều kiện niêm yết tuy cao hơn đáng kể, nhưng điều kiện phát hành, huy động vốn IPO tại nước ngoài chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng của thông tin về doanh nghiệp. Ðiều này là do hệ thống pháp lý của nước ngoài cho phép doanh nghiệp chào bán IPO theo cơ chế công bố thông tin đầy đủ, thay vì theo cơ chế chấp thuận, cấp phép của cơ quan quản lý như ở Việt Nam.
Thực tế, khó khăn và thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi muốn huy động và niêm yết trên thị trường vốn quốc tế là nghĩa vụ công bố thông tin, cụ thể là phải lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS, GAAP) nhằm đáp ứng quy định công bố thông tin về tình hình tài chính. Sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) với chuẩn mực kế toán quốc tế như IFRS hay GAAP sẽ khiến các doanh nghiệp phát sinh chi phí đáng kể để chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế. Chế độ kế toán của Việt Nam hiện chưa phải dựa trên cơ sở giá trị hợp lý (fair value) cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn niêm yết trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh các thị trường chính có tiêu chuẩn niêm yết khắt khe, đa phần các sở GDCK đều có các thị trường dành cho các cổ phiếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các điều kiện niêm yết thấp hơn, ví dụ như LSEG có thị trường AIM - thị trường giao dịch dành cho các cổ phiếu vừa và nhỏ và có tốc độ phát triển nhanh. AIM giao dịch rất sôi động và luôn chào đón các doanh nghiệp niêm yết chéo. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn huy động vốn nước ngoài có thể lựa chọn niêm yết trên thị trường này.
Tại Việt Nam, sau khi Nghị định 58/2012 và Nghị định 60/2015 ra đời, việc chào bán và niêm yết chứng khoán của doanh nghiệp ở nước ngoài về cơ bản đã có hành lang pháp lý. Theo quy định, doanh nghiệp muốn chào bán cổ phiếu ở nước ngoài cần đáp ứng 3 điều kiện, đó là: Ðược đại hội đồng cổ đông thông qua chào bán, đáp ứng các quy định về chào bán cổ phiếu lần đầu tại thị trường mục tiêu và được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, một số chi tiết kỹ thuật khác cũng cần phải được nghiên cứu thấu đáo, ví dụ tỷ lệ sở hữu nước ngoài, lưu ký cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài khi cổ phiếu giao dịch tại sở DGCK nước ngoài…
Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc gọi vốn ở các thị trường phát triển như VNG (đã ký thỏa thuận sơ bộ về khả năng IPO trên NASDAQ), Vietjet, Vinamilk, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, FLC… Cũng có trường hợp doanh nghiệp đã niêm yết thành công trên NASDAQ là Cavico Corporation, nhưng đã bị hủy niêm yết do vi phạm quy định công bố thông tin và giá cổ phiếu giảm dưới mức độ cho phép.
Trong thời gian tới, trên cơ sở của MoU được ký kết với LSEG, HNX kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác, phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện và có nhu cầu huy động vốn đầu tư tại nước ngoài có thể niêm yết trên Sở GDCK Luân Ðôn. Tuy nhiên, để đáp ứng được điều kiện niêm yết và duy trì niêm yết trên sàn chứng khoán hàng đầu thế giới như sàn Luân Ðôn, các doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều trong các vấn đề quản trị công ty, công bố thông tin minh bạch và quan hệ với cổ đông.
Sản phẩm phái sinh thứ hai sẽ hấp dẫn vốn ngoại
Theo kế hoạch, ngày 4/7 tới, Sở GDCK Hà Nội (HNX) sẽ khai trương sản phẩm phái sinh thứ hai là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP). Đây là sản phẩm tương đối phù hợp với khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư quốc tế. Chủ tịch HNX cho biết, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tăng cơ hội tiếp cận sản phẩm phái sinh thứ hai đến các nhà đầu tư quốc tế và kỳ vọng rằng, sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thị trường TPCP, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra khá sôi động. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài đã giao dịch 37.700 tỷ đồng TPCP, chiếm tỷ trọng gần 2% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, trong đó mua ròng 8.500 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đã phát hành thành công TPCP kỳ hạn 20 và 30 năm cho nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài.
Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm và có nhu cầu đầu tư dài hạn trên thị trường TPCP, cũng như đã tham gia trên thị trường cơ sở. Do đó, họ cần có công cụ phòng vệ rủi ro cho các TPCP mà họ đang nắm giữ trên thị trường cơ sở và ngược lại, khi có công cụ phòng vệ rủi ro sẽ thúc đẩy giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Hợp đồng tương lai TPCP là một công cụ phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư TPCP của nhà đầu tư trên thị trường cơ sở, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đối tượng rất quan tâm đến việc phòng ngừa rủi ro biến động lãi suất trên thị trường TPCP cơ sở. Trong quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP, HNX đã nghiên cứu, tìm hiểu từ kinh nghiệm phát triển sản phẩm của các TTCK phái sinh phát triển trên thế giới. Sản phẩm sắp ra đời được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn thị trường Việt Nam.