Mục sở thị các mã có EPS trên 10.000 đồng

Mục sở thị các mã có EPS trên 10.000 đồng

(ĐTCK) Theo thống kê sơ bộ đến hết tháng 1/2018, có 12 cổ phiếu có EPS trên 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó đa phần là những gương mặt quen thuộc, cùng với sự xuất hiện của một số tên tuổi mới. Điểm đáng chú ý là đa phần các cổ phiếu này đều thuộc những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thuận lợi, thu về lợi nhuận tốt.

Thực tế, trong 2 năm 2016 – 2017, không ít doanh nghiệp có mức độ tăng trưởng EPS tính bằng lần. Bên cạnh đó, nếu như những năm trước, cổ phiếu có thị giá từ 200.000 đồng/cổ phiếu chỉ có CTD, thì năm nay đã xuất hiện thêm nhiều cổ phiếu nằm ở trên dưới ngưỡng này.

Xét về EPS, mức cao nhất phải kể đến cổ phiếu TV2 của Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 với EPS hơn 39.200 đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016. Với giá đóng cửa phiên 2/2 là 172.800 đồng/cổ phiếu, TV2 đang giao dịch với P/E chỉ 3,6 lần, vốn hóa của Công ty đạt hơn 1.013 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông TV2 khá cô đặc, với cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu 51,32% vốn, 2 tổ chức khác sở hữu trên 10% vốn. Do vậy, giao dịch trung bình của TV2 trong 1 năm qua khoảng hơn 12,8 nghìn đơn vị/phiên, không cao nhưng vẫn ở mức khá so với tổng số lượng cổ phiếu TV2 trên thị trường.

Về hoạt động kinh doanh, TV2 có tốc độ tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2014 – 2017. Cụ thể, nếu năm 2014, Công ty chỉ đạt mức lợi nhuận hơn 36 tỷ đồng, thì năm 2015 đã tăng lên 57 tỷ đồng và 99 tỷ đồng năm 2016. Chỉ số ROE qua các năm ở mức đáng mơ ước, với mức tăng từ hơn 35% lên hơn 42% trong năm 2016. Năm 2017, vốn điều lệ của TV2 khá khiêm tốn, chỉ hơn 58,6 tỷ đồng (các lần tăng vốn chủ yếu do chia cổ tức) nhưng lại “làm” ra mức lợi nhuận ấn tượng, tăng vọt lên hơn 214 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với vốn điều lệ.

Đáng chú ý, lợi nhuận của TV2 chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, dù doanh thu tài chính cũng tăng qua hàng năm nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng doanh thu.

Chẳng hạn năm 2016 và 2017, lợi nhuận gộp lần lượt là 248,5 tỷ đồng và 398 tỷ đồng, nhưng doanh thu tài chính chỉ bằng khoảng 10%, lần lượt là 24,4 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. TV2 cũng là doanh nghiệp chia cổ tức đều đặn từ 20% bằng tiền hàng năm.

Theo kế hoạch năm 2017, Công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt là 22% và có khả năng tăng vốn lên 100 tỷ đồng trong 2 - 3 năm tới.

Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, với kết quả kinh doanh ấn tượng, HĐQT TV2 nhiều khả năng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức hấp dẫn trong thời gian tới.

Những cổ phiếu có EPS cao và duy trì đều đặn hàng năm như CTD, SLS, WCS, VCF, NSC, PTB… cũng đều có hoạt động kinh doanh chính rất tốt. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2014 – 2017, lợi nhuận của CTD có tốc độ tăng trưởng đều.

Năm 2017, Công ty đạt 1.653 tỷ đồng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ, EPS 20.436 đồng, nếu không có áp lực pha loãng từ các đợt tăng vốn cũng như phát hành riêng lẻ cuối năm 2016 thì EPS của CTD còn cao hơn nữa. ROEA năm 2016 và- 2017 là 30% và 24,4%. Trong nhóm này, EPS của cổ phiếu VCS, PTB cũng có mức tăng khá, từ khoảng 8.000 - 9000 đồng lên hơn 13.000 đồng.

Một trường hợp đáng chú ý là cổ phiếu VMC của Công ty cổ phần Vimeco, khi từ mức EPS năm 2016 là 2.855 đồng tăng vọt lên 23.060 đồng, gấp 7,6 lần. Xét kết quả kinh doanh giai đoạn trước, Vimeco đạt mức lợi nhuận khá ổn định nhưng không có sự tăng trưởng mạnh, từ 18,7 tỷ đồng năm 2014 lên 28,5 tỷ đồng trong năm 2016.

ROE tương ứng chỉ khoảng 9% - 11%. Nhưng năm 2017, lãi sau thuế VMC tăng đột biến lên 230,6 tỷ đồng chủ yếu nhờ Công ty đã hạch toán doanh thu bất động sản - dự án CT4 với 949 tỷ đồng trong quý IV. Nhờ vậy, lãi cả năm của VMC tăng đột biến và vượt 47% kế hoạch đề ra. Với kết quả này, EPS của VMC là hơn 23.000 đồng, P/E chỉ hơn 2 lần.

Tương tự với cổ phiếu GIL của Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, nhiều cổ đông đã từng ngậm đắng với cổ phiếu này khi mua vào ở khoảng giá trên 6x trước khi GIL lao dốc nhanh chóng về mức 3x.

Nguyên nhân xuất phát từ kết quả kinh doanh không mấy khả quan của Công ty khi biên lợi nhuận gộp nửa đầu năm 2017 giảm. Chưa kể, trong năm 2016, cổ đông lớn của GIL thoái vốn liên tục, cổ phiếu ngành dệt may chịu tác động tiêu cực vì Mỹ có động thái rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chi phí lương tối thiểu tăng…

Với lý do kể trên, cổ phiếu GIL đã nằm lình xình khá lâu quanh mức 36.000 - 38.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2017. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn từ khoảng cuối năm ngoái đến nay, giá cổ phiếu GIL ghi nhận mức tăng khá mạnh, tính đến hết ngày 2/2, thị giá GIL là hơn 42.000 đồng/cổ phần, xuất phát từ hiệu ứng tích cực của hiệp định đa phương CPTPP và kết quả kinh doanh khởi sắc.

Theo giải trình của Ban lãnh đạo GIL, giá cổ phiếu của Công ty leo dốc xuất phát từ việc các đơn hàng trong quý IV tăng cao, hoạt động kinh doanh lạc quan hơn. Quý IV/2017, GIL báo lãi đột biến 82,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là số âm. Trong bối cảnh EPS của GIL là gần 10.500 đồng/cổ phiếu, nhưng P/E mới chỉ hơn 3 lần, việc cổ phiếu này thu hút nhà đầu tư là không khó hiểu.

Bên cạnh đó, ở những nhóm cổ phiếu có thị giá cao nhất là SAB, VCS, VNM, VCF, VJC… đa phần đều là những cổ phiếu đầu ngành, có tiềm năng tăng trưởng lớn. Theo đó, với mức thị giá hiện tại, dù còn số tuyệt đối có thể khiến nhiều nhà đầu tư “chùn tay” nhưng nhiều cổ phiếu nhóm này có P/E thấp, chỉ khoảng 7-10 lần. Với các cổ phiếu có P/E từ 15 - 20 lần thì doanh nghiệp lại có tiềm năng tăng trưởng rất lớn… Do vậy, theo nhiều chuyên gia, dù mặt bằng giá cổ phiếu đã cao hơn hẳn so với các năm trước nhưng nếu biết cách chọn lọc, vẫn còn nhiều cổ phiếu hấp dẫn.

Tin bài liên quan