Trong vòng 2 tháng nữa, nếu giá dầu tiếp tục ổn định mức cao như hiện nay thì triển vọng kinh doanh của PVD mới rõ ràng hơn

Trong vòng 2 tháng nữa, nếu giá dầu tiếp tục ổn định mức cao như hiện nay thì triển vọng kinh doanh của PVD mới rõ ràng hơn

Mua PVD, nhà đầu tư “đánh cược” với giá dầu

(ĐTCK) Giá dầu tăng đã giúp nhóm cổ phiếu dầu khí, trong đó có PVD (Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan dầu khí), thu hút sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư thời gian qua. 

Giá thuê giàn chưa cải thiện, PVD đang lỗ lớn

Giá dầu thô trên thị trường thế giới đang ở mức 70 USD/thùng, tính đến hết ngày 5/9, đánh dấu tháng thứ 5 duy trì ổn định quanh mức này, cao hơn so với mức dự báo hồi đầu năm nay của nhiều tổ chức.

Tuy nhiên, để hoạt động khoan và dịch vụ khoan khởi sắc trở lại, theo giới chuyên gia, giá dầu buộc phải duy trì ở mức 60 - 70 USD/thùng trong vòng ít nhất 6 tháng.

Khi đó, lợi nhuận của các công ty cung cấp dịch vụ khoan mới thực sự được cải thiện. Như vậy, nếu trong vòng 2 - 4 tháng tới, giá dầu tiếp tục ở mức hiện nay mới có thể kích thích tăng giá thuê giàn khoan.

Thực tế cho thấy, mặc dù giá dầu hiện đang tốt hơn nhiều so với dự báo, nhưng hoạt động cho thuê giàn khoan vẫn tiếp tục gặp khó khăn, do lượng cung giàn khoan vẫn lớn hơn cầu.

Theo thống kê của HIS Markit Ltd, giá cho thuê giàn tại Đông Nam Á đã ổn định hơn sau khi chạm đáy vào tháng 5/2018. Hệ số sử dụng giàn đạt khoảng 55%, tăng so với mức 40% vào đầu năm 2017.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo PVD cho biết, rất khó để dự báo khi nào giá thuê giàn khoan phục hồi.

“Theo thông tin tại những hội thảo quốc tế gần đầy nhất, phải đến cuối năm 2019, giá thuê mới có thể cải thiện trở lại, khi mà cung và cầu giàn khoan dần thu hẹp khoảng cách. Nhưng đó cũng chỉ là kỳ vọng”, ông Phạm Tiến Dũng, Tổng giám đốc PVD nhấn mạnh.

Hiện PVD có 4 giàn khoan đang hoạt động, trong đó 1 giàn hoạt động trong nước, 3 giàn hoạt động tại nước ngoài.

Với các giàn hoạt động tại nước ngoài, bên cạnh nghĩa vụ thuế quan, trả thuế thầu phụ ở mức cao hơn nhiều so với nhà thầu tại nước sở tại, để có giấy phép, đi kèm bắt buộc sử dụng lao động trong nước thì buộc phải làm việc với một công ty địa phương tại nước sở tại khiến phát sinh thêm chi phí.

Đây được xem là biện pháp trước mắt giúp cho hoạt động của các giàn vẫn duy trì và tạo doanh thu cho Tổng công ty trong bối cảnh chờ các dự án trong nước được kích thích triển khai.

Năm 2018, PVD đặt kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng và đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch sau 6 tháng. Tuy nhiên, mục tiêu không lỗ trong năm nay của PVD có thể khó thành hiện thực, bởi 6 tháng đầu năm, Tổng công ty đã lỗ tới hơn 332 tỷ đồng.

Nếu lặp lại kịch bản của năm 2017, PVD có thể thoát lỗ bằng cách hoàn nhập từ Quỹ khoa học công nghệ. Tính đến 30/6/2018, PVD có 454 tỷ đồng quỹ khoa học công nghệ. Nhưng đây cũng được xem là biện pháp nhất thời để ứng phó với tình trạng khó khăn trước mắt và “đỡ giá” cho cổ phiếu.

Điểm tích cực là mặc dù hoạt động kinh doanh 6 tháng lỗ, nhưng tất cả các giàn khoản đều đang hoạt động. Doanh thu đạt, thậm chí có khả năng tăng cao, nhưng làm thế nào để không lỗ vẫn là bài toán khó với PVD. 

Đánh cược với giá dầu

Cổ phiếu PVD có giá trị sổ sách tại thời điểm 30/6/2018 là 34.670 đồng/cổ phiếu. Với mức giá 14.400 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 5/9/2018, chỉ số P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) là 0,4 lần, mức khá thấp với một doanh nghiệp có vị thế trong ngành thăm dò và khai thác dầu khí như PVD.

Tuy nhiên, nhà đầu tư tham gia vào PVD không nhìn nhiều vào chỉ số này, mà phần nhiều chấp nhận “đánh cược” với giá dầu trong thời gian tới. Bởi trong vòng 2 tháng nữa, nếu giá dầu tiếp tục ổn định mức cao như hiện nay thì triển vọng kinh doanh của PVD mới rõ ràng hơn.

Bán được giàn khoan là tốt nhất, nhưng vì vẫn đang là doanh nghiệp nhà nước nên việc bán tài sản nhà nước là vấn đề không dễ và phải thông qua chủ trương chấp thuận của cổ đông Nhà nước.

 - Ông Phạm Tiến Dũng, Tổng giám đốc PVD

Một kịch bản khác, trong lần chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về khả năng thanh lý tài sản để tái cơ cấu tài sản, lãnh đạo PVD cho biết, hiện Tổng công ty đã làm việc với một số nhà môi giới có tiếng trên thế giới để tìm đối tác chuyển nhượng giàn khoan, nhưng giai đoạn này không dễ để bán.

“Bán được là tốt nhất, nhưng vì vẫn đang là doanh nghiệp nhà nước nên việc bán tài sản nhà nước là vấn đề không dễ và phải thông qua chủ trương chấp thuận của cổ đông Nhà nước”, ông Dũng nói.

Mới đây, công ty mẹ của PVD là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có công văn gửi Bộ Công thương về việc bổ sung, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017 – 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2020, PVN sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại PVD về 36%.

Kế hoạch thoái vốn Nhà nước của PVD có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh lý tài sản, cho hoạt động của PVD. Thông tin này có thể sẽ là một động lực quan trọng cho cổ phiếu PVD trong thời gian tới. 

Tin bài liên quan