Dư địa thị trường lớn
Việt Nam được xem là quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất trong khu vực Ðông Nam Á, xếp thứ ba châu Á. Vào mỗi chiều muộn, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng các quán bia chật kín thực khách.
Năm 2017, một tổ chức nghiên cứu thị trường nước ngoài đã công bố con số ước tính, quy mô thị trường bia Việt Nam sẽ sớm cán mốc 6,5 tỷ USD.
Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam tăng nhanh và dân số trẻ đã giúp nhu cầu bia tăng 300% kể từ năm 2002. Lượng tiêu thụ bia của người Việt tăng dần theo từng năm và chính thức cán mốc 4 tỷ lít vào năm 2017.
Bình quân mỗi người Việt tiêu thụ trên 41 lít bia 1 năm. Ước tính, quy mô thị trường này sẽ tăng lên mức 4,1 tỷ lít vào năm 2020 trước khi cán mốc 5,6 tỷ lít vào năm 2035.
Sản lượng tiêu thụ bia tại thị trường Việt Nam.
Thị trường bia và đồ uống có cồn được xem là thị trường chậm bão hòa so với các ngành nghề kinh doanh khác.
Ðiều này thu hút hàng loạt “ông lớn” nước ngoài nhảy vào phân chia miếng bánh thị phần.
Trong khi ThaiBev đã tham gia vào Sabeco sau khi mua toàn bộ cổ phiếu từ đợt thoái vốn của Bộ Công thương hồi năm 2017 và tổng lượng cổ phiếu nắm giữ hiện lên tới 344 triệu đơn vị, tương đương hơn 53% vốn của doanh nghiệp này, thì hãng bia Carlberg từ lâu đã mong muốn gia tăng sở hữu tại Habeco.
Hiện tại, hơn 90% thị phần ngành bia đang nằm trong tay bốn “gã khổng lồ” là Sabeco, Habeco, Heineken và Carlberg. Gần 10% còn lại thuộc các công ty bia địa phương và những “người mới” như Sapporo, Budweiser...
Thị phần tiêu thụ bia tại thị trường Việt nam 2017.
Nhiều doanh nghiệp lãi cao, cổ tức tốt
Thị trường ngày càng mở rộng, dù sức ép cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài gia tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành bia đang niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh tăng trưởng tốt.
Tại Sabeco, sau năm 2018 chững lại do tái cấu trúc hoạt động khi có cổ đông Thái, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay đã có sự khởi sắc. Cụ thể, trong kỳ, Sabeco đạt doanh thu thuần 18.425 tỷ đồng (tăng 8,5% so với cùng kỳ 2018) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.820 tỷ đồng (tăng 15,2% so với cùng kỳ).
Với kết quả này, Sabeco đã hoàn thành 47,4% chỉ tiêu doanh thu và 59,8% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Với kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm và đặc biệt trong quý II, Sabeco kỳ vọng sẽ vượt kế hoạch kinh doanh 2019.
Tổng doanh thu 6 tháng 2019 của Sabeco thực tế có thể cao hơn nếu Tổng công ty không chủ động giảm hàng tồn kho ở hệ thống phân phối trong tháng 6/2019 để chuẩn bị khởi động lại thương hiệu bia Sài Gòn dưới các mẫu mã mới trong tháng 8/2019.
Thị phần của Sabeco đã tăng trở lại trong thời điểm cuối quý II/2019 so với năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là nhờ giảm tiêu hao bao bì giấy (giảm trọng lượng) và lon nhôm và tiết giảm chi phí vận chuyển, triển khai chế độ lương thưởng mới.
Kể từ khi có sự hiện diện của Thaibev, Sabeco cũng nỗ lực đầu tư cho hình ảnh và thương hiệu của mình. Sabeco đã khởi động lại thương hiệu Bia Sài Gòn với mẫu mã mới (lon và chai) cho Lager, Export và Special.
Giá cổ phiếu SAB tăng hơn 10% kể từ đầu năm, phần nào thể hiện sự đón nhận tích cực từ thị trường về những thành quả mà Thaibev đã mang lại kể từ khi tham gia vào Tổng công ty. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch ở vùng giá trên 260.000 đồng/cổ phiếu.
Một điểm hấp dẫn ở Sabeco nữa là trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn hàng năm và sở hữu lượng tiền mặt “khủng”. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 (đã soát xét), số dư tiền và tương đương tiền của Công ty là 5.303 tỷ đồng; trong đó tiền là 1.598 tỷ đồng và tương đương tiền là 3.705 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty có lượng tiền gửi có kỳ hạn hơn 9.047 tỷ đồng. Với lượng tiền mặt lớn như vậy, Sabeco dễ dàng thực hiện những kế hoạch đầu tư cho việc mở rộng thị phần, nâng cấp hệ thống quản lý nhằm gia tăng sức cạnh tranh với những đối thủ cũ và mới trên thị trường bia đầy tiềm năng.
Doanh nghiệp cùng ngành, CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây cũng báo cáo kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm. Doanh thu quý II đạt 266 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 tháng đạt 514,6 tỷ đồng, tăng 9%.
Biên lợi nhuận gộp của Công ty nửa đầu năm đạt trên 20%, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 84,3 tỷ đồng, tăng 27,4% cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) nửa đầu năm đạt 4.925 đồng.
Bia Sài Gòn - Miền Tây luôn nằm trong nhóm doanh nghiệp trả cổ tức cao trên sàn chứng khoán. Năm 2017, Công ty trả cổ tức bằng tiền mặt 50%, năm 2018 là 40%.
Trong báo cáo tài chính quý II/2019 đã soát xét, Công ty vẫn còn 230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, trong khi vốn điều lệ chỉ có 145 tỷ đồng.
Với “của để dành” rất lớn này, cổ phiếu WSB (của CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây) rất hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư ưa thích sự ổn định và cổ tức tiền mặt. Với kết quả kinh doanh khả quan như 6 tháng đầu năm, WSB vẫn thoải mái duy trì mức cổ tức tiền mặt từ 40 - 60% hàng năm.
Diễn biến giá cổ phiếu WSB.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, trên sàn chứng khoán còn hàng loạt doanh nghiệp bia có quy mô vốn nhỏ nhưng hiệu quả kinh doanh tốt, tỷ lệ trả cổ tức đáng kinh ngạc.
Chẳng hạn, CTCP Bia và nước giải khát Hạ Long (mã chứng khoán HLB) có vốn điều lệ vỏn vẹn 30 tỷ đồng, nhưng năm 2018 trả cổ tức tới 200% (100% bằng tiền mặt và 100% bằng cổ phiếu); năm 2017 trả cổ tức 110% bằng tiền.
Hay CTCP Bia Hà Nội Hải Dương (mã chứng khoán HAD) vốn điều lệ 40 tỷ đồng, nhưng Ðại hội cổ đông năm 2018 đã thông qua kế hoạch thanh toán 20.000 đồng cổ tức bằng tiền tồn đọng từ các năm trước theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước cho cổ đông và chốt tỷ lệ cổ tức 2018 là 20%...
Có sóng vào mùa lễ Tết?
Trên sàn chứng khoán, có những nhóm cổ phiếu cứ “đến hẹn lại lên”, vào mùa cao điểm tiêu thụ lại xuất hiện sóng, như sóng cổ phiếu bánh kẹo vào mùa Trung thu, hay sóng quý IV với cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản… Cuối năm, lễ Tết cũng là mùa cao điểm của tiêu thụ rượu bia, liệu có sóng ngành tương tự?
Thực tế cho thấy, với quy mô thị trường gần 100 triệu dân và nhu cầu tiêu thụ bia bình quân đầu người thuộc Top 15 thế giới, các công ty bia duy trì hiệu quả kinh doanh cao và ổn định, nhưng ngoại trừ cổ phiếu Sabeco có sóng tăng mạnh trước thời điểm cổ đông nhà nước thoái vốn, còn lại thị giá các cổ phiếu ngành bia khá ổn định so với mặt bằng giá được thiết lập sau một thời gian niêm yết.
Lý do là tại các công ty này, cơ cấu cổ đông khá cô đặc, khi cổ đông nhà nước hoặc các nhà đầu tư lớn thường nắm đa số.
Các công ty cũng chủ yếu chia cổ tức tiền mặt, nên ít bị pha loãng. Lượng cổ phiếu tự do giao dịch thấp, trong khi các nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ để hưởng mức cổ tức cao khiến thanh khoản thị trường luôn rất thấp.
Chẳng hạn, với cổ phiếu SAB, thanh khoản bình quân 10 phiên giao dịch gần nhất chỉ đạt gần 15.000 cổ phiếu. Với BHN, thanh khoản bình quân 10 phiên chỉ đạt 2.450 cổ phiếu.
Còn WSB chỉ có gần 3.700 cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trong 1 phiên. Cổ phiếu HAD cũng chỉ có thanh khoản bình quân 10 phiên gần nhất trên 4.000 đơn vị.
Thanh khoản thấp, cổ phiếu ngành bia không hấp dẫn dòng tiền đầu cơ, nên khó có sóng tăng mạnh. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư ưa thích sự ổn định thì nhóm cổ phiếu này có thể là cơ hội rất tốt để đầu tư.