Những bất cập trong hoạt động của mô hình DN vừa kinh doanh, vừa công ích vẫn còn đó.

Những bất cập trong hoạt động của mô hình DN vừa kinh doanh, vừa công ích vẫn còn đó.

Mông lung

(ĐTCK) Vẫn là chuyện đầu mối quản lý của chủ sở hữu nhà nước với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhưng các chuyên gia mới đây lại đặt ra một vấn đề tưởng như là đã quá rõ ràng, đó là mục tiêu hoạt động của tập đoàn kinh tế là gì? Như vậy là cả thời gian dài thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, dường như điều căn bản nhất lại vẫn để trống.

Lẽ dĩ nhiên, hoạt động của các DN nói chung là vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, với các DN nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, lẽ dĩ nhiên này lại phải được cân nhắc.

Như cách phân tích của ông Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì quyền chọn của các tập đoàn kinh tế là phương án tốt hơn cho nền kinh tế chứ không chỉ là lợi nhuận. "Vấn đề ở đây là có sự khác biệt về lợi ích của DN và lợi ích của nền kinh tế, có nghĩa là của chủ sở hữu nhà nước. Đang có sự lúng túng trong cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước với mô hình này. Rằng, quản để 'ôm chặt' hay để phát triển kinh doanh? Nếu không làm rõ, hướng đi tới sẽ không rõ ràng", ông Thiên nhận định và cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đang lấn cấn trong chiến lược phát triển của mình một phần từ sự chưa rõ ràng này.

Liên hệ tới việc xác định tỷ lệ phần vốn nhà nước trong các DN được coi là cần giữ lại trong tiến trình cổ phần hoá cũng như tốc độ cổ phần hoá, nhiều chuyên gia cho rằng, bài toán lợi ích đang đặt ra không rõ đầu bài.

Chỉ đơn cử, tiến độ thoái đầu tư các DN cổ phần hoá được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) diễn ra khá chậm. Trong 2 năm, SCIC đã thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 102 DN, bán vốn tại 18 DN khác, thu về 650 tỷ đồng, cao gần gấp 3 giá trị sổ sách (231 tỷ đồng). So với kế hoạch dự kiến là sẽ thoái vốn tại khoảng 80% trong tổng số gần 800 DN hiện do SCIC quản lý, thời gian để thực hiện chắc sẽ phải kéo dài 3 - 4 năm. Nếu như tính tới tình hình TTCK đang chập chờn, kế  hoạch này chắc sẽ bị tác động không nhỏ. Bởi SCIC cho rằng, việc thoái vốn phải được thực hiện trên nguyên tắc bảo toàn vốn, nên khó có thể có được mức giá kỳ vọng trong giai đoạn hiện nay.

Song, ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, trong nhiều trường hợp, có thể bán rẻ thời gian này còn hiệu quả hơn chi phí duy trì một DN không hiệu quả. Với cách nhìn nhận này thì mấu chốt không phải là bán với giá nào, mà là hiệu quả, lợi ích thực tiễn mà chủ sở hữu nhà nước thu lại được sau khi bán vốn nhà nước trong các DN đó. Và đầu bài khi đó phải bổ sung thêm khá nhiều dữ liệu, trong đó cân nhắc các mục tiêu ưu tiên khác nhau trong những trường hợp cụ thể.

Để làm được điều này cần phải xây dựng được các tiêu chí, mục tiêu để từ đó xác định những ưu tiên cụ thể cho từng giai đoạn, từng nhóm DN trong các lĩnh vực, ngành hàng khác nhau. Chính các tiêu chí này cũng sẽ là một phần cơ sở để đại diện chủ sở hữu quyết định tỷ lệ phần vốn nhà nước giữ lại trong DN. Hiện tại, có khá nhiều DN có vốn nhà nước một cách khá cưỡng ép vì lý do không bán được phần vốn nhà nước theo dự kiến. Và hệ quả là SCIC đang phải gồng mình quản lý hàng trăm DN "li ti"…

Quay lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nếu xác định rõ tiêu chí thị trường gắn với kinh tế vĩ mô trong hoạt động của nhóm công ty này, các cấp quản lý nhà nước sẽ có cơ sở để kiểm soát, giám sát và đánh giá được hiệu quả của các DN. Điều quan trọng là khi có tiêu chí, các DN này cũng sẽ khỏi phải băn khoăn vì tại sao họ không được quyền đầu tư vào đất đai, chứng khoán, ngân hàng…, khi mà cơ hội kinh doanh có lãi cho Nhà nước đang bày ra.

Và khó khăn lại chuyển hướng sang xác định tiêu chí mục tiêu hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty. Những bất cập trong hoạt động của mô hình DN vừa kinh doanh, vừa công ích vẫn còn đó. Cũng đã có quan điểm lo xa về mô hình nửa công, nửa tư trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.