Nhân viên môi giới luôn phải chịu sức ép về doanh số

Nhân viên môi giới luôn phải chịu sức ép về doanh số

Môi giới chứng khoán thời… tiền tỷ

(ĐTCK) Ngoài áp lực doanh số từ công ty chứng khoán, người môi giới chứng khoán còn chịu sức ép từ khách hàng liên quan đến nội dung tư vấn. Sức ép ấy đang ngày càng lớn.

“Bạc đầu” vì áp lực công việc

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối tháng 5/2018, số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán là 2.052.168 tài khoản, trong đó 98% của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Đây cũng chính là đối tượng khách hàng chủ yếu của nhân viên môi giới tại các công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, số lượng tài khoản nhà đầu tư thường xuyên có giao dịch rất ít, trong khi số lượng công ty chứng khoán sau giai đoạn tái cấu trúc vẫn còn đông. Do đó, tình trạng cạnh tranh nhằm chiếm thị phần môi giới trong khối công ty này vẫn gay gắt, nhất là trong bối cảnh từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán sôi động, giá trị giao dịch tăng cao.

Thực tế, các hoạt động khác như tự doanh, tư vấn… mang lại lợi nhuận cho các công ty chứng khoán, thậm chí ở một số đơn vị, doanh thu từ các mảng trên cao hơn hẳn môi giới. Vậy nhưng, môi giới vẫn là hoạt động “xương sống” của một công ty chứng khoán, bộ phận môi giới (broker) theo đó chịu sức ép không nhỏ về việc phải hoàn thành định mức doanh số.

Chị Đỗ Hồng, nhân viên môi giới tại một công ty chứng khoán thuộc Top 10 về thị phần môi giới trong 6 tháng đầu năm 2018 cho biết, làm nghề này luôn phải chịu sức ép về doanh số. Hiện phòng của chị đang chịu áp lực doanh số 100 tỷ đồng/tháng. Mặc dù lượng broker đông, nhưng trụ vững được trong nghề không đơn giản.

Chính thức bước chân vào nghề môi giới chứng khoán năm 2007, tới nay chị Hồng đã chuyển qua 3 công ty chứng khoán, nhưng vẫn gắn bó với nghề.

Môi giới chứng khoán thời… tiền tỷ ảnh 1

Lực lượng môi giới tăng mạnh khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. “So với những năm đầu mới vào nghề, bây giờ tìm được khách hàng khó hơn nhiều”, chị Hồng nói.

Đối với nhiều người, nghề môi giới “bạc cả đầu” vì luôn phải cập nhật, phân tích các thông tin liên quan đến doanh nghiệp và thị trường chứng khoán để có thể tư vấn kịp thời cho khách hàng. Trong khi chịu áp lực doanh số từ phía công ty chứng khoán, nghề môi giới còn chịu sức ép từ phía khách hàng về việc phải đảm bảo chất lượng tư vấn, bảo toàn và phát triển giá trị tài khoản cho khách hàng. Tình trạng broker hứng chịu những lời kêu ca, phàn nàn, thậm chí nặng lời của nhà đầu tư khi thua lỗ xảy ra “như cơm bữa”.

Chính vì vậy, một bộ phận nhân viên môi giới nhiều khi coi nhẹ đạo đức nghề nghiệp khi liên tục đưa ra các khuyến nghị mua bán nhằm vừa đạt được chỉ tiêu doanh số, vừa có thu nhập cho bản thân thông qua mức hoa hồng thu phí. Tuy nhiên, những môi giới như vậy khó tồn tại được lâu trong nghề.

Chị L., môi giới tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) chia sẻ, quan điểm của chị là làm nghề phải có tâm, phải xem tiền của khách hàng như tiền của mình để có thể quản trị tốt nhất. Nghề môi giới không khi nào có thời gian nhàn rỗi, mà luôn vận động cùng với thị trường, liên tục tiếp nhận, khai thác, phân tích thông tin, đồng thời không ngừng trau dồi kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở các phân khúc cao hơn.

Trong giai đoạn thị trường chứng khoán điều chỉnh vừa qua, chị thường “cản” khách hàng khi muốn tham gia thị trường, nếu cổ phiếu dự định mua chưa thực sự hấp dẫn, rủi ro còn ở mức cao.

Đối với những khách hàng có tiền tỷ trong tài khoản, chị L. cho biết, những người này rất giỏi và hiểu thị trường. Vì vậy, yêu cầu của nhóm khách này đối với broker chỉ là chọn mã chứng khoán và bám sát thị trường để cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể cho họ. Tuy vậy, tìm được những khách hàng này rất khó.

Liên quan đến khách “VIP”, anh Đ. Hoàng, một broker có nhiều năm trong nghề cho hay, khách rất dễ thay đổi môi giới nếu cảm thấy không vừa ý. Do đó, chăm sóc khách VIP rất vất vả, đòi hỏi môi giới phải luôn tư vấn chính xác, hiệu quả. Ngoài ra, nhiều khi broker phải linh hoạt sử dụng cách này, cách khác để giảm phí giao dịch, cân bằng giữa hoa hồng thu được với lợi nhuận của nhà đầu tư, thậm chí chấp nhận chịu thiệt thòi khi thị trường có diễn biến xấu.

Niềm vui từ sự tin tưởng của khách hàng

Áp lực, nhưng nhiều người vẫn vui vẻ gắn bó với nghề môi giới. Chị L. cho biết, dù không ít lần mệt mỏi, nhưng đam mê công việc khiến chị ở lại với nghề. Việc theo dõi bảng giá và tư vấn cho khách hàng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Nghề này tạo cho chị niềm vui đến từ sự tin tưởng của khách hàng. Nhiều nhà đầu tư là khách hàng trước đó giới thiệu bạn bè, người quen cho chị.

Đối với anh Đ. Hoàng, nghề môi giới chứng khoán mang lại trải nghiệm thú vị qua từng ngày, từng giờ. Nghề này buộc phải tiếp cận nhiều nhà đầu tư, gặp gỡ, chia sẻ công việc với một số lượng khách hàng lớn mang lại cho môi giới những cơ hội mới, đồng thời cảm giác được sự vận động không ngừng của nền kinh tế, của dòng tiền.

“Có khách đã vui, khách đầu tư có lãi càng vui hơn”, broker này tâm sự. 

Tin bài liên quan