Bản kế hoạch này, khi được Bộ Tài chính phê duyệt, sẽ công khai ra toàn thị trường để các thành viên, nhất là công ty chứng khoán và nhà đầu tư nắm rõ, cùng hợp sức triển khai.
Trong năm 2019, sản phẩm sẽ được triển khai trong thời gian ngắn tới đây là chứng quyền có bảo đảm (CW). Sản phẩm này đã đủ các điều kiện pháp lý, quy trình, hệ thống, nhưng cần chờ thêm một khoảng thời gian để CTCK hoàn tất báo cáo tài chính kiểm toán 2018, đây là một trong những điều kiện bắt buộc để triển khai việc phát hành CW của các công ty chứng khoán trên TTCK Việt Nam.
Về phía thành viên, Phó tổng giám đốc CTCK HSC, ông Trịnh Hoài Giang chia sẻ, sau khi phát triển thành công sản phẩm Quỹ ETF Việt Nam (ETF VFMVN30), HSC có đủ năng lực phát triển các sản phẩm mới khác.
Hiện tại, Công ty đã chọn được mã chứng khoán để phát triển sản phẩm chứng quyền và kế hoạch này sẽ được triển khai ngay khi nhà quản lý thông qua các điều kiện cần thiết. Quỹ ETF VFMVN30 hiện có quy mô vốn trên 5.500 tỷ đồng, thu hút rất nhiều nhà đầu tư quốc tế tham gia đầu tư.
Với khởi điểm ban đầu quy mô Quỹ chỉ có 200 tỷ đồng, sau 4 năm kiên trì xây dựng và mở rộng thị trường, sản phẩm ETF của Việt Nam đã được nhà đầu tư Thái Lan, nhà đầu tư Hàn Quốc và sắp tới là nhà đầu tư Nhật Bản chọn lựa mua và làm công cụ để xây sản phẩm phái sinh, được niêm yết và giao dịch rộng rãi tại TTCK nước họ. Thành công của sản phẩm ETF đầu tiên là minh chứng cho thấy, khi có sản phẩm phù hợp, vốn quốc tế sẽ không bỏ lỡ cơ hội trên TTCK Việt Nam.
Chưa năm nào TTCK Việt Nam được nhận sự quan tâm, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ như năm 2019. Ðầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành “Ðề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến 2020, tầm nhìn 2025” đặt ra lộ trình và các mục tiêu phát triển cụ thể.
Nhiều quy định tại đây cũng như trong dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán sắp được trình Quốc hội đã để ra những khoảng mở cho việc phát triển sản phẩm mới. Chẳng hạn, câu chuyện về sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR), Sở GDCK TP.HCM từng muốn nghiên cứu và phát triển sản phẩm này khi TTCK Thái Lan phát triển thành công NVDR nhưng chưa vận hành được, tuy nhiên, trong tương lai, đây là điều hoàn toàn có thể.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Sở GDCK Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, mở ra cơ hội cho Sở GDCK sau này có thể lập pháp nhân như cách người Thái làm, để thu hút nhiều hơn dòng vốn quốc tế.
Con đường phát triển sản phẩm mới được khơi rộng trong tương lai gần, nhưng cần phải được chuẩn bị cùng với việc thúc đẩy sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước.
Thực tế nhãn tiền cho thấy, TTCK Việt Nam có không ít sản phẩm quỹ về loại hình như quỹ đóng, quỹ mở; về tính chất như quỹ bất động sản, quỹ trái phiếu, cổ phiếu…, nhưng chỉ có một vài quỹ thu hút được nhà đầu tư đại chúng tham gia.
Nền tảng kiến thức của nhà đầu tư, thông tin minh bạch và tính chuẩn mực, hấp dẫn của các sản phẩm cần được chuẩn bị song hành mới mong sản phẩm mới khi đưa ra thị trường mang lại hiệu quả cho các bên và thúc đẩy TTCK lên nền tảng phát triển mới.