2 năm trước, LIC thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, giá đạt hơn 10.000 đồng/CP, nay chào sàn với giá 4.900 đồng/CP nhưng không ai mua bán

2 năm trước, LIC thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, giá đạt hơn 10.000 đồng/CP, nay chào sàn với giá 4.900 đồng/CP nhưng không ai mua bán

Mở hàng với giá… rẻ hơn kem, cổ phiếu có đáng chú ý?

(ĐTCK) Ngoại trừ các cổ phiếu trở lại sàn sau khi bị hủy niêm yết, TTCK Việt Nam ghi nhận rất ít doanh nghiệp lên sàn với giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá. Tuy nhiên, trên UPCoM thì khác, 1 năm trở lại đây, doanh nghiệp đại chúng có tài chính bết bát cũng bị buộc lên sàn và mở hàng với giá… rẻ hơn một cây kem.

Chuyện của LIC

Tổng công ty Licogi - CTCP vừa đưa cổ phiếu (LIC) gia nhập sàn UPCoM với giá khởi điểm 4.900 đồng/CP. Với 90 triệu cổ phiếu của Licogi được giao dịch, việc chào sàn với giá thấp như vậy gây sự ngạc nhiên cho nhiều nhà đầu tư. Kèm theo đó là thái độ thăm dò và những trăn trở, liệu có nên mua món rẻ này?

Thực tế, chào sàn giá thấp như vậy, song không có ai quan tâm đến LIC. Qua 3 ngày giao dịch, LIC vẫn trắng thanh khoản, trắng cả lệnh mua/bán. Góp sức vào tình trạng “trắng” này có lý do cơ cấu cổ đông LIC cô đặc.

97,95% cổ phần nằm trong tay 3 cổ đông lớn gồm Bộ Xây dựng (40,71%), Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông (35%), Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường(22,24%). Tuy nhiên, cổ đông bên ngoài ít nhất cũng đến cả trăm người, không ai mong muốn bán ở giá 4.900 đồng/CP và cũng không ai tung lệnh mua LIC ở giá này.

Vậy sức khỏe tài chính LIC ra sao? Năm 2016, LIC đạt doanh thu hợp nhất 2.899,6 tỷ đồng, lỗ sau thuế 436,6 tỷ đồng (năm 2015 lãi hơn 68 tỷ đồng). Trong vòng 1 năm, vì thua lỗ khiến giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu giảm hơn 50%, từ 10.085 đồng xuống 4.812 đồng.

Tại báo cáo kiểm toán 2016, đơn vị kiểm toán PWC nhấn mạnh, LIC lỗ hợp nhất gần 437 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần âm 126 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn hợp nhất của Tổng công ty vượt quá tài sản ngắn hạn hợp nhất là 1.050 tỷ đồng tại ngày 31/12/2016. Các vấn đề này dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của LIC.

Cuối năm 2016, tổng tài sản của Licogi là 4.115,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 546,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,2% và 48,2% so với thời điểm đầu năm. Lỗ lũy kế lên đến 458,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu rẻ như kem vẫn… tan chảy

Trước LIC, 15,24 triệu cổ phiếu SP2 của Công ty cổ phần Thủy điện Sử Pán chính thức giao dịch tại UPCoM từ ngày 30/9/2016, với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 7.000 đồng/CP. Cổ phiếu SP2 sau đó cũng có thanh khoản rất thấp trên sàn UPCoM và điều đáng nói là giá SP2 tiếp tục rơi xuống, hiện chỉ còn 5.700 đồng/CP.

SP2 tiền thân là Công ty cổ phần Thủy điện Sông Đà - Hoàng Liên, thành viên của Tổng công ty Sông Đà, có vốn điều lệ 420 tỷ đồng. Tháng 6/2016, Công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Thủy điện Sử Pán 2 với vốn thực góp là 152,4 tỷ đồng.

Một trường hợp khác gia nhập thị trường với giá chào sàn thấp hơn mệnh giá là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng số 1(DC1) - công ty con của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG).

DC1 chào sàn UPCoM với mức giá 5.100 đồng/CP hồi tháng 7/2016. DC1 khi đó lỗ hơn 7 tỷ đồng, tương đương gần một nửa vốn góp (15 tỷ đồng). Giá cổ phiếu DC1 sau đó giảm còn khoảng 3.000 đồng/CP.

Đầu năm nay, giá cổ phiếu này bất ngờ tăng từ 3.000 đồng/CP lên hơn 20.000 đồng/CP chỉ trong tháng 3 cùng với thời điểm báo cáo kết quả năm 2016, lãi ròng gần 9 tỷ đồng, vượt 118% kế hoạch. Thực tế, cho đến trước tháng 3/2017, suốt mấy tháng từ khi lên sàn, DC1 không có thanh khoản.

Nhìn lại câu chuyện của 3 doanh nghiệp trên có thể thấy, việc buộc doanh nghiệp đại chúng lên sàn đã phơi bày nhiều yếu kém tại nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa lâu nay. Về phía thị trường, dù giá thấp, nhưng nhà đầu tư cũng không quan tâm khi nhận thấy doanh nghiệp không có sức sống. Đây có lẽ là một trong những yếu tố đánh giá sự trưởng thành của nhà đầu tư Việt Nam sau 18 năm thị trường mở cửa hoạt động.

Nhà đầu tư huyền thoại William J.O’NEIL từng chia sẻ, muốn thắng, bạn nên mua các cổ phiếu tốt nhất hiện có, chứ không phải đổ xô đi mua các cổ phiếu rẻ nhất. “Nhiều nhà đầu tư không thể cưỡng lại được khi nhìn thấy các cổ phiếu có giá vài đồng, hoặc thấp hơn, nhưng đây lại là cách đầu tư dễ mất tiền nhất”, ông nói.

Tin bài liên quan