Xét về mặt kỹ thuật, việc đưa cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI lên sàn đã có bài học thực tế, bởi cách đây 15 năm, một số doanh nghiệp FDI đã được chuyển đổi thành công ty đại chúng để lên niêm yết như Công ty cổ phần Dây và cáp điện Taya Việt Nam (TYA), Công ty cổ phần Everpia (EVE), Công ty cổ phần Mirae (KMR), Công ty cổ phầnCông nghiệp Tung Kuang (TKU)...
Các doanh nghiệp FDI đầu tiên lên sàn chứng khoán được thực hiện theo hành lang pháp lý do Chính phủ ban hành, nhưng chỉ ở dạng thí điểm thực hiện. Vì nền tảng pháp lý chỉ là thí điểm nên đã dẫn đến tình trạng việc lên sàn của khối này bị ngắn quãng nhiều năm liền.
Cho đến nay, khoảng trống trên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn còn nguyên khi chưa có hành lang pháp lý, cơ chế, quy định rõ ràng cho hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nếu cơ chế mở ra cho các doanh nghiệp FDI đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết, khối này sẽ góp thêm một lượng hàng hóa quan trọng cho TTCK Việt Nam và đặc biệt, sẽ làm tăng lượng nhà đầu tư trên sàn, tăng sức gắn kết TTCK với dòng tiền đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà hơn 10 năm qua, câu chuyện xây dựng chính sách cho khối doanh nghiệp FDI lên sàn chưa được xử lý mạnh mẽ.
Vướng mắc nằm ở sự thống nhất tư tưởng của các cơ quản quản lý trong định ra cơ chế hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp FDI lên sàn. Có nhiều ý kiến quan ngại doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đầu tư sau khi hưởng hết các ưu đãi về đất, thuế, cơ sở hạ tầng…, nhưng lại chưa có đóng góp nhiều cho Việt Nam do ít chuyển giao công nghệ, khai báo thua lỗ, chuyển giá để né thuế…
Vì vậy, nếu tạo cơ chế cho doanh nghiệp FDI lên sàn khi chưa làm tốt việc giám sát, kiểm tra tính liêm chính của các doanh nghiệp loại này tại Việt Nam sẽ mở cho họ một con đường thoái vốn qua sàn để rút khoản đầu tư ra khỏi Việt Nam. Một số ý kiến khác cho rằng, khối doanh nghiệp FDI lên sàn sẽ giúp Việt Nam có thêm lợi thế so sánh trong cuộc cạnh tranh với các thị trường khu vực trong thu hút mạnh hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Về phía nhà quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đang trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn doanh nghiệp FDI lên sàn và đang lấy ý kiến các bộ, ngành. Trong số các ý kiến phản hồi, có quan điểm ủng hộ, nhưng cũng có ý kiến tỏ ra thận trọng. Các ý kiến này đang được Bộ Tài chính tổng hợp để đề xuất lên Chính phủ.
Diễn tiến chính sách cho thấy, việc hình thành cơ chế hướng dẫn cho doanh nghiệp FDI lên sàn đang có những bước chuyển động nhất định. Dù còn những quan ngại, nhưng việc tạo lập khung pháp lý, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại trên sàn chứng khoán Việt Nam là điều không thể chậm trễ hơn khi TTCK đã bước sang tuổi 20 và luôn có khát vọng hội nhập.
Kinh nghiệm từ một số TTCK quốc tế về việc lập bảng giao dịch riêng cho các doanh nghiệp ngoại trên sàn niêm yết là điều Việt Nam đáng tham khảo, còn nỗi lo doanh nghiệp FDI sử dụng sàn chứng khoán để rút vốn thì cần ứng xử bằng cách khác, chứ không thể cứ tiếp tục trì hoãn nền tảng pháp lý cho khối này lên sàn.