Minh bạch thông tin, “mất bò mới lo làm chuồng”

Minh bạch thông tin, “mất bò mới lo làm chuồng”

(ĐTCK) Việc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) lần đầu tiên công bố một bản công bố thông tin dài mấy trang giấy sau cuộc làm việc với một số quỹ đầu tư trong tháng 9 là một hành động có thể nói là hiếm thấy trên TTCK. 

Tuy nhiên, từ bản công bố thông tin khá đầy đủ và chi tiết của CII, giới quan sát, đầu tư một lần nữa có dịp nhìn lại ý thức minh bạch thông tin của DN niêm yết - một điểm trừ lớn đối với TTCK Việt Nam, đặc biệt trong quá trình hội nhâp.

Trước tiên, việc công ty niêm yết tiếp xúc thường xuyên với các quỹ đầu tư lớn, các CTCK để cập nhật thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh hàng quý đã trở thành một hoạt động khá phổ biến ở nhiều DN. Tuy nhiên, điều này tạo ra sự bất đối xứng thông tin khi các NĐT tổ chức dễ dàng tiếp xúc với doanh nghiệp để lấy thông tin, trong khi việc này đối với các NĐT nhỏ lẻ có thể nói là vô cùng khó. Nhìn vào diễn biến giá của nhiều cổ phiếu có thể thấy, khi các bản báo cáo phân tích về DN từ các CTCK đưa ra thị trường với nhận định mua, thì giá của cổ phiếu này đã tăng đáng kể.

Cũng có những DN lớn, khá chuyên nghiệp khi tổ chức một cuộc họp với tất cả các NĐT để trao đổi thông tin, nhưng đáng tiếc, các cuộc tiếp xúc định kỳ này phần nhiều không có sự tham gia của báo chí, khiến thông tin DN không được phản ánh rộng rãi. Sau cuộc họp, DN không có bản tóm tắt các thông tin được trao đổi để công bố trên website DN nên NĐT nhỏ lẻ không được cập nhật thông tin một cách đầy đủ, hệ thống như NĐT tổ chức.

Thậm chí, có một số DN niêm yết khi có thông tin tốt chỉ cung cấp cho một đối tượng NĐT hoặc CTCK vì có kế hoạch riêng với giá cổ phiếu và đương nhiên, bản chất đằng sau đó là giao dịch nội gián mà kiếm lời là lãnh đạo DN và đối tác.

Để giảm bớt thực tế bất đối xứng thông tin trong công tác quan hệ cổ đông (IR) của DN niêm  yết, nhiều ý kiến đề xuất nên có quy định yêu cầu DN công bố thông tin nội dung trao đổi thông tin với NĐT lớn trong khuôn khổ hoạt động IR. Tuy nhiên, trong quy định mới về công bố thông tin vẫn không có quy định cụ thể về tình huống phải công bố thông tin này. Trong quy định hiện hành, DN phải công bố thông tin có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu…, nhưng thực tế, đây là quy định rất chung chung, mà không dễ vin vào đó để buộc DN phải minh bạch thông tin hơn nữa. Vì vậy, việc minh bạch thông tin, làm đầy đủ các nghĩa vụ với NĐT và cổ đông trong công tác IR phần lớn vẫn phụ thuộc vào ý thức của DN.

Trở lại với trường hợp CII, bản công bố thông tin về nội dung làm việc với các quỹ đầu tư được thực hiện trong bối cảnh DN này đang muốn lấy lại hình ảnh sau sự cố giao dịch cổ phiếu của lãnh đạo DN, tác động đến tâm lý NĐT và giá cổ phiếu CII sụt giảm khá mạnh trên thị trường. Thị trường kỳ vọng, những bản công bố thông tin đầy trách nhiệm như vậy sẽ tiếp tục được duy trì trong mọi bối cảnh hoạt động của DN.

Đi sâu vào nội dung bản công bố thông tin của CII có thể thấy, NĐT nước ngoài góp ý với DN những nội dung rất cơ bản mà không chỉ CII mà nhiều DN niêm yết khác đang mắc phải. Đó là hoạt động công bố thông tin bằng tiếng Anh. CII là một DN lớn, có cấu trúc tài chính khá phức tạp, có nhiều cổ đông nước ngoài chuyên nghiệp nhưng lại chưa có webite công bố thông tin bằng tiếng Anh, chưa có bản báo cáo tài chính bằng tiếng Anh.

Đây chính là lý do cơ bản khiến số DN niêm yết Việt Nam đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN còn rất ít (năm 2013 có 370 DN/100 DN cần có; năm 2014 có 40 DN/100 DN cần có) và thẻ điểm quản trị của Việt Nam không chỉ thấp nhất trong khu vực mà còn cách xa điểm so với các nước khác.

Cho đến nay, các DN niêm yết phần lớn mới chỉ công bố thông tin ở mức đáp ứng các quy định của pháp luật. Những DN gặp biến cố như CII, hay DN sau quá trình tái cơ cấu mới chủ động tiến thêm một bước trong hoạt động IR để nhằm mục tiêu bình ổn giá cổ phiếu hay huy động vốn…

Có nghĩa chỉ khi hoạt động IR mang lại lợi ích tức thời, thì hoạt động này mới được lãnh đạo DN thực hiện một cách bài bản và có tính chủ động hơn. Vì thế, để công tác quan hệ cổ đông của DN đến gần hơn với NĐT, bên cạnh sự chủ động của DN, rất cần sự đốc thúc và chế tài từ cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.               

Tin bài liên quan