Minh bạch, “chìa khóa” cùng đồng hành và phát triển

Minh bạch, “chìa khóa” cùng đồng hành và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Minh bạch chỉ thực thi được khi bản thân người lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy lợi ích của sự minh bạch không chỉ cho nhà đầu tư, mà cho chính doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác cùng đồng hành và phát triển.

Xung đột vì thiếu niềm tin

Ngày 30/6/2020, Đại hội đồng cổ đông thường (ĐHCĐ) niên 2020 của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) tại TP.HCM - thu hút 529 cổ đông và người được ủy quyền tham dự, đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện, một kịch bản ít người nghĩ đến khi mà chỉ hơn 1 tháng trước đó, một nhóm cổ đông lớn và Ban điều hành Công ty đã “lời qua tiếng lại” với đỉnh điểm là cổ đông lớn Kusto muốn triệu tập ĐHCĐ bất thường để biểu quyết việc thay đổi HĐQT và một số thành viên trong Ban điều hành.

Ngược lại, Ban lãnh đạo Coteccons cũng phản pháo với câu hỏi về mối liên hệ giữa nhóm các cổ đông ngoại cùng một số cá nhân khác và đặt vấn đề có hay không việc vi phạm pháp luật về chào mua công khai của nhóm cổ đông này. Đồng thời, đề xuất bãi miễn 2 thành viên Ban kiểm soát, trong đó người đứng đầu là đại diện của Kusto với lý do không đáp ứng tiêu chí theo Nghị định 71/2017/ND-CP.

Tuy nhiên, ở “phút 90”, việc Coteccons công bố 2 thành viên HĐQT sẽ từ nhiệm và bổ nhiệm thay thế là 2 đại diện đến từ Kusto và The8th đã cho thấy hai bên đã tìm được tiếng nói chung.

Không khí hòa nhã tại ĐHCĐ củng cố hơn nhận định trên, nhất là khi Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương công bố thôi giữ vị trị Thành viên HĐQT tại CTCP Ricons - nguồn cơn phát sinh mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông và cho biết đã đạt được bước tiến quan trọng để giải quyết về vấn đề quản trị tại doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu CTD cũng phản ánh sát những biến động này. Sau tuyên bố triệu tập ĐHCĐ bất thường của Kusto đầu tháng 6/2020, giá cổ phiếu CTD đã giảm sàn và mất 13% giá trị chỉ sau 2 phiên, trước khi hồi phục trở lại khi các thông tin tại ĐHCĐ được công bố, trong đó 4 phiên tăng trần.

Những mâu thuẫn trong nội bộ Coteccons đã được biết đến từ lâu, nhưng việc đối thoại có phần nhẹ nhàng khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn doanh thu lợi nhuận tăng trưởng đều đặn, thị giá cổ phiếu tăng.

Tuy nhiên, từ khi điều kiện kinh doanh trở nên khó khăn hơn, doanh thu, lợi nhuận ngày càng đi xuống, giá cổ phiếu mất 3/4 giá trị trong chưa đầy 3 năm, còn doanh nghiệp có liên quan lại liên tục tăng trưởng - đã trở thành “ngòi nổ” khiến vấn đề ngày càng căng thẳng.

Trước mắt, sự nhún nhường, hòa giải là tạm kết đẹp và mang lại lợi ích cho tất cả cổ đông của doanh nghiệp. Nhưng trong dài hạn, chưa có gì đảm bảo xung đột sẽ không bùng phát trở lại.

Để hóa giải nguồn cơn mâu thuẫn, phương án tốt nhất có lẽ là sự chia sẻ, thấu hiểu từ các bên với mục tiêu vì lợi ích của doanh nghiệp là trên hết, bởi không khó để nhận ra gốc rễ của mâu thuẫn đến từ sự thiếu tin tưởng giữa nhà đầu tư - những người bỏ vốn vào doanh nghiệp và ban lãnh đạo - được ủng hộ của nhóm cổ đông khác.

Những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự, khi ban điều hành doanh nghiệp thiếu minh bạch trong quản lý, điều hành, thể hiện ở những giao dịch mua/bán hàng hóa, dịch vụ, mua/bán tài sản, đầu tư với các bên liên quan cũng như bên ngoài, hoặc không là phải lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp… khiến cổ đông phải nghi ngại.

Thực tế, không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhiều quỹ đầu tư lớn đã phải ngậm trái đắng khi rơi vào hoàn cảnh “bất đắc dĩ” này.

Dù có có nền tảng rất tốt, điều kiện thị trường cũng thuận lợi, nhưng hiệu quả kinh doanh lại không tương xứng, khiến nhà đầu tư càng có cơ sở nghi ngờ về việc lợi ích đã được chuyển ra “sân sau”.

Tuy vậy, nếu như tại Coteccons, việc nhóm nhà đầu tư ngoại liên kết có tỷ lệ biểu quyết lên đến 49% là đối trọng đủ lớn để Ban điều hành hiện tại phải thỏa hiệp, thì tại không ít doanh nghiệp khác, nhóm cổ đông nhỏ lẻ không có đủ điều kiện để tạo mối liên kết đủ lớn và có tiếng nói ảnh hưởng.

Khi đó, các nhà đầu tư chỉ còn biết thoái vốn để tìm cơ hội đầu tư khác tốt hơn, thay vì lao vào cuộc tranh chấp tốn nhiều thời gian, công sức, mà không nắm chắc lợi ích thu về.

Minh bạch để cùng đồng hành và phát triển

Minh bạch thông tin là một yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp đại chúng nhằm giảm thiểu sự bất cân xứng thông tin và đảm bảo nguyên tắc được đối xử công bằng giữa các cổ đông, khi các cổ đông không tham gia điều hành doanh nghiệp chỉ có thể đánh giá dựa trên nguồn thông tin phụ thuộc vào sự chủ động công bố của doanh nghiệp, nhất là các cổ đông nhỏ lẻ.

Bởi vậy, mức độ minh bạch luôn là tiêu chí quan trọng trong việc xếp hạng, đánh giá chất lượng thị trường tài chính của một quốc gia và tại Việt nam, pháp luật cũng quy định rất cụ thể về nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng nói chung và yêu cầu cao hơn với những công ty đã niêm yết.

Cơ quan quản lý thường xuyên thanh tra và xử lý vi phạm nhằm đảm bảo việc tuân thủ để tăng tính minh bạch cho thị trường.

Tuy vậy, thực tế tại nhiều doanh nghiệp đại chúng, ban lãnh đạo chưa thực sự coi trọng vai trò của các nhà đầu tư cùng góp vốn vào doanh nghiệp, mà chỉ xem các nghĩa vụ công bố thông tin là thủ tục bắt buộc, làm cho đủ, cho có, chưa chú trọng đến nội dung thông tin cung cấp đến nhà đầu tư.

Chẳng hạn, một trong các nội dung quan trọng trong quy định công bố thông tin là doanh nghiệp phải công bố các giao dịch với bên liên quan đến người nội bộ do có thể làm phát sinh các vấn đề phức tạp, tạo rủi ro cho hoạt động quản trị công ty…, nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện tốt.

Theo quy định, khi công ty ký hợp đồng giao dịch với cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan; thành viên HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc làm lãnh đạo hay doanh nghiệp mà những người quản lý của công ty có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ đều phải được ĐHCĐ hoặc HĐQT chấp thuận.

Hay khi công ty thực hiện giao dịch có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên ghi trong báo cáo tài chính gần nhất chỉ được thực hiện khi ĐHCĐ chấp thuận…

Với việc nhiều bên liên quan chưa thuộc diện phải công bố thông tin và hầu như không thể biết ai là chủ sở hữu thực sự, nhà đầu tư bên ngoài khó có thể nắm được tính phi thị trường của những giao dịch này, chưa kể vô vàn những chiêu “lách luật” không dễ gì kiểm soát.

Mỗi mùa công bố kết quả kinh doanh, nếu lợi nhuận thay đổi ở mức phải giải trình thì hầu hết lý do được đưa ra rất chung chung, trong khi nguyên nhân cốt lõi không được đề cập.

ĐHCĐ - sự kiện quan trọng của doanh nghiệp, cơ hội hiếm hoi trong năm các “ông chủ” được nêu ý kiến, trao đổi với ban quản lý, điều hành doanh nghiệp, nhưng không ít trường hợp được tổ chức… chỉ để cho có.

Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn hạn chế quyền của cổ đông bằng cách đặt ra giới hạn số lượng sở hữu cổ phiếu được tham dự đại hội, tình trạng cổ đông không được giải đáp thỏa đáng còn diễn ra khá phổ biến…

Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, quy mô vốn hóa, số doanh nghiệp, tài khoản nhà đầu tư… ngày càng tăng, thì yêu cầu của nhà đầu tư cũng ngày càng cao, không chỉ dừng ở đòi hỏi doanh nghiệp gia tăng hiệu quả hoạt động, mà còn phải cải thiện chất lượng quản trị, tính minh bạch thông tin.

Trong môi trường tin tức đa chiều thì sự minh bạch, chủ động trong công bố thông tin từ doanh nghiệp là yếu tố mang tính quyết định, giúp duy trì sự tin tưởng của cổ đông, xây dựng uy tín với cộng đồng nhà đầu tư, giảm bớt ảnh hưởng của tin đồn tiêu cực, đảm bảo giá trị ổn định của cổ phiếu và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn khi cần thiết…

Thực tế hiện nay, để tăng cường tính công khai, minh bạch, doanh nghiệp có nhiều giải pháp mà không tốn kém quá nhiều chi phí. Chẳng hạn, nếu các doanh nghiệp lớn có thể thành lập bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) chuyên trách thì với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể thuê các công ty chứng khoán hỗ trợ hoạt động này.

Sự cởi mở, tương tác với các công ty chứng khoán cũng là một cách để doanh nghiệp chia sẻ thông tin ra thị trường thông qua các báo cáo phân tích do công ty chứng khoán phát hành - vốn là nguồn tham khảo được nhiều nhà đầu tư quan tâm trước khi ra quyết định đầu tư.

Ngoài các báo cáo định kỳ như báo cáo tài chính quý, năm, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện công bố thông tin hoạt động theo tháng, hay chủ động khi có các sự kiện quan trọng, thông tin, tin đồn có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp hoặc quyền lợi của cổ đông.

Thậm chí không ít doanh nghiệp đã và đang duy trì đều đặn các cuộc họp hàng quý với các cổ đông lớn, các chuyên viên phân tích của công ty chứng khoán, quỹ đầu tư. 

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, doanh nghiệp có thể tổ chức các cuộc họp này theo hình thức trực tuyến nhằm giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Có doanh nghiệp còn ghi hình các buổi trao đổi và đưa lên mục quan hệ cổ đông tại website công ty để cổ đông, nhà đầu tư có thể xem lại…

Dòng vốn trên thị trường chứng khoán luôn rất “thông minh”. Không ít cổ phiếu “chết” thanh khoản, thị giá thấp, nhưng đã lột xác sau khi ban lãnh đạo công ty cởi mở hơn, chủ động tiếp xúc, tạo cơ hội cho nhà đầu tư tìm hiểu về doanh nghiệp.

Điều này đóng vai trò quan trọng để cổ phiếu thu hút được dòng tiền, giúp thị giá phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp. 

Minh bạch không khó để thực hiện, quan trọng là chính bản thân người lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận thấy lợi ích từ sự minh bạch, đặc biệt trong việc tìm kiếm đối tác cùng đồng hành và phát triển.

Tin bài liên quan