Margin đảo chiều, “cuộc đua” cho vay vẫn mạnh

Margin đảo chiều, “cuộc đua” cho vay vẫn mạnh

(ĐTCK) Dòng tiền các công ty chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ (margin) trong 6 tháng đầu năm 2018 phản ánh sinh động diễn biến của thị trường chứng khoán và cho thấy nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư vẫn lớn.

Dòng margin quý II đổi chiều

Thống kê dư nợ margin của 17 công ty chứng khoán có đầy đủ số liệu về hạng mục này (gồm SSI, VCSC, HCM, VNDS, SHS, KIS, Mirae Asset, FPTS, VDSC, MBKE, BVSC, VCBS, TVSI, BSC, PHS, AGRS, PSI) cho thấy, tính đến cuối quý II/2018, lượng margin của 17 công ty này cung cấp là 32.833 tỷ đồng, tăng 1.914 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng margin trong quý II giảm khá mạnh so với quý I.

Xét trong quý I, dòng margin trên thị trường do 17 công ty chứng khoán được thống kê cung cấp là 37.510 tỷ đồng, tăng 6.591 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có giá trị tăng lớn nhất khi cho vay ký quỹ tăng từ 5.764 tỷ đồng lên 7.406 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 1.642 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán khác cũng gia tăng cho vay giao dịch ký quỹ, nhất là khi thị trường chứng khoán quý I tiếp tục đà tăng điểm từ năm 2017.

Nếu trong quý I/2018, có 16/17 công ty chứng khoán tăng cho vay ký quỹ thì sang quý II, có 10 công ty chứng khoán cắt giảm margin. Vì vậy, tính đến cuối tháng 6/2018, dư nợ margin của 17 CTCK gần như trở về mức đầu năm 2018. SSI vẫn là công ty có dư nợ cho vay ký quỹ lớn nhất về mặt giá trị tuyệt đối (5.884 tỷ đồng) và tăng nhẹ (120 tỷ đồng) so với đầu năm.

Các công ty chứng khoán giảm margin lớn nhất trong quý II là SSI và Chứng khoán TP.HCM (HCM), với mức giảm lần lượt là 1.522 tỷ đồng và 1.885 tỷ đồng. Tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND), khoản cho vay ký quỹ giảm hơn 985 tỷ đồng.

Margin quý II giảm do thị trường chứng khoán bước vào đợt giảm lớn kể từ giữa tháng 4, với mức giảm tính đến cuối tháng 5 vào khoảng 20%. Thị trường sau đó có một tuần phục hồi, nhưng rồi lại có diễn biến giảm. Các cổ phiếu bluechips - đối tượng thường được nhà đầu tư vay margin để mua vào - không tránh khỏi đợt sóng gió này và giảm giá liên tục, khiến nhiều công ty chứng khoán phải thực hiện bán giải chấp, thu lại một phần tiền cho vay, đảm bảo tỷ lệ cho vay an toàn. Đây là bài học đắt giá cho những nhà đầu tư lạm dụng margin, bởi trong tháng 4/2018, nhiều chuyên gia chứng khoán đã cảnh báo, các nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng margin khi thị trường đang ở vùng đỉnh.

… nhưng không làm dừng cuộc đua margin

“Cây đũa thần” margin vẫn phát huy tác dụng, thể hiện trong kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong quý thứ hai trong năm. Mặc dù cắt giảm dư nợ ký quỹ, song khoản lãi từ các khoản cho vay và phải thu vẫn đóng góp đáng kể vào doanh thu hoạt động của nhiều công ty chứng khoán lớn và có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, tại một số công ty chứng khoán, giá trị tăng cho vay ký quỹ còn đuổi kịp mức tăng trong cả năm 2017. Ví dụ, tại Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), so với đầu năm 2018, dư nợ marin đến cuối tháng 6 tăng thêm 417 tỷ đồng, vượt 39% so với mức tăng trong cả năm 2017. Tại Mirae Asset và KIS Vietnam, tỷ lệ này lần lượt bằng 95% và 73% so với mức tăng trong năm 2017.

Nhìn chung, hầu hết công ty chứng khoán vẫn đang trong xu hướng tăng cho vay giao dịch ký quỹ. Chỉ có 4/17 công ty có dư nợ margin cuối quý II/2018 thấp hơn cuối năm 2017, bao gồm HCM, VNDS, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

Tại HCM, trong 6 tháng đầu năm 2018, khoản cho vay ký quỹ giảm 1.460 tỷ đồng, mức giảm lớn nhất thị trường. Song thực tế, trong quý I, khoản mục này tăng thêm 425 tỷ đồng và chỉ giảm trong quý II, tương tự như nhiều công ty chứng khoán khác. Trong Top 5 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất hiện nay, chỉ có Chứng khoán Bản Việt (VCSC) là có mức tăng liên tục từ năm 2016 đến nay.

Trong khi đó, tại một số công ty chứng khoán khác, hoạt động cho vay ký quỹ vẫn được đẩy mạnh trong nửa đầu năm, ngoài VCSC còn có Mirae Asset, KIS Vietnam, FPTS.

Điều này cho thấy, cho vay margin vẫn được khối công ty chứng khoán chú trọng. Dư nợ margin trong quý II giảm chỉ là hiệu ứng ngắn hạn do tác động điều chỉnh của thị trường. Cho vay ký quỹ vẫn đang là công cụ hiệu quả để vừa góp phần gia tăng thị phần môi giới, vừa mang lại lợi nhuận cho các công ty chứng khoán trong thời buổi cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Tin bài liên quan