Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Luật Doanh nghiệp 2020 mở rộng cửa cho thị trường vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thực tiễn hoạt động kinh doanh những năm qua ở Việt Nam cho thấy vấn đề quản trị công ty đã trở nên đáng báo động cả về nhận thức, thực tiễn và hậu quả mà nó đang diễn ra.

Luật Doanh nghiệp 2020 vừa được Quốc hội thông qua với nhiều thay đổi về khuôn khổ quản trị công ty cũng như tăng khả năng bảo vệ quyền cổ đông và nhà đầu tư, qua đó tăng năng lực cạnh tranh và huy động vốn của doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ 5 điểm cải cách quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp 2020 góp phần tác động tích cực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư.

Trong đó, những thay đổi của khung pháp lý về quản trị công ty có ý nghĩa rất lớn, giúp nâng cao mức độ bảo vệ cổ đông, qua đó đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn và nhờ vậy, thúc đẩy và huy vốn động đầu tư.

Thực tiễn hoạt động kinh doanh những năm qua ở Việt Nam cho thấy vấn đề quản trị công ty đã trở nên đáng báo động cả về nhận thức, thực tiễn và hậu quả mà nó đang diễn ra.

Những vụ việc tranh chấp nội bộ trong ngành cà phê, hay một số vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính thời gian gần đây đều có nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp yếu kém.

Thiếu một khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở thành tranh chấp trong doanh nghiệp, tranh chấp giữa các doanh nghiệp.

Quản trị công ty yếu kém dẫn đến không kiểm soát được xung đột lợi ích, một cổ đông lớn chi phối toàn bộ hoạt động của công ty và bộ máy quản trị, quản lý bị vô hiệu; cổ đông nhỏ bị lạm dụng và chiếm đoạt lợi ích. Những điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của doanh nghiệp.

Theo ông Hiếu, một số thay đổi của Luật Doanh nghiệp 2020 hướng trực tiếp tới thúc đẩy quản trị doanh nghiệp.

Tác động của Luật Doanh nghiệp ở nội dung này được kỳ vọng là điểm đột phá, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần xây dựng lực lượng doanh nghiệp lớn mạnh về chất thông qua những sửa đổi khung khổ pháp lý theo chuẩn mực quốc tế tốt nhất về quản trị.

Cụ thể, Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ. Ðồng thời, bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế.

“Quản trị tốt sẽ nâng mức độ an toàn và gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp rộng cửa huy động vốn một cách thuận lợi, do đó, nhìn tổng thể thì đây còn là bước tiến góp phần phát triển thị trường vốn Việt Nam”, ông Hiếu lý giải.

Một trong những công cụ rất đáng quan tâm được chính thức hóa tại Luật Doanh nghiệp 2020 sau nhiều tranh cãi về tính khả thi cũng như sự cần thiết trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn, đó là Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết NVDR.

Luật Doanh nghiệp 2020 mở rộng cửa cho thị trường vốn  ảnh 1

Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR Việt Nam) theo Luật Doanh nghiệp.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, NVDR được phát hành tại Việt Nam bởi cổ đông là tổ chức phát hành NVDR tương ứng với cổ phần phổ thông được lưu ký làm tài sản cơ sở.

Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có đầy đủ lợi ích, quyền và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

Theo ông Hiếu việc bổ sung quy định về NVDR được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm giao dịch cho TTCK; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong trường hợp này, mục tiêu quản lý nhà nước vẫn được đảm bảo, nhưng doanh nghiệp có thể huy động thêm vốn từ nhà đầu tư bằng NVDR”, ông Hiếu cho biết.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2020 còn có các nội dung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành.

Nội dung này tương thích với Luật Cạnh tranh 2018. Như vậy, xét cả trực tiếp và gián tiếp thì Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ có tác động rất lớn đến phát triển thị trường vốn, giúp doanh nghiệp cơ hội lớn hơn trong huy động nguồn vốn đầu tư ngoài nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng truyền thống.

“Tuy nhiên, việc hoàn thiện và thực thi luật pháp chỉ hướng tới tạo lập môi trường, mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp. Việc tận dụng thành công cơ hội sẽ phụ thuộc phần lớn, nếu không nói chủ yếu, vào chính doanh nghiệp: các doanh nghiệp có nhận thức và nỗ lực tích cực thì sẽ có nhiều điều kiện để thành công lớn hơn và/hoặc nhanh hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan