Đề xuất tăng tính độc lập cho UBCK
Dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán sửa đổi.
Trình bày tóm tắt tờ trình dự án luật tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, so với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều.
Nội dung dự án Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 8 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 83/2017/NQ-CP như: Nhóm chính sách về hàng hóa trên thị trường chứng khoán (TTCK); nhóm chính sách về thị trường giao dịch chứng khoán; nhóm chính sách về đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán...
Có một nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu là địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Có ý kiến đề xuất UBCK nên thuộc Chính phủ. Từng là cơ quan trực thuộc Chính phủ, nhưng do bối cảnh lịch sử cần có giải pháp hiệu quả cho phát triển thị trường trong thời gian ban đầu, UBCK đã được chuyển về trực thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay thay đổi, nên cần xem xét để UBCK có tính độc lập hơn, có thẩm quyền hơn. Theo TS. Phạm Giang Thu, Đại học Luật Hà Nội, do là cơ quan thuộc bộ, nên UBCK không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bởi vậy, địa vị pháp lý của UBCK còn... chung chiêng.
Ở góc nhìn của cơ quan thẩm định dự án Luật, Bộ Tư pháp cho rằng, cần phân định, làm rõ hơn thẩm quyền của UBCK trong mối quan hệ với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Theo đó, cần quy định rõ trong dự thảo Luật nhiệm vụ, quyền hạn của UBCK là trực tiếp quản lý, giám sát toàn diện hoạt động chứng khoán và TTCK; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động của sở giao dịch chứng khoán...
… Và nhiều câu hỏi
Tại phiên họp, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi mang tính gợi mở, chẳng hạn: Dự thảo đề xuất nâng mức xử phạt hành chính, nhưng như vậy liệu có đủ tính răn đe, phù hợp với quy mô thị trường trong hiện tại và tương lai? Các quy định về quản trị đối với công ty đại chúng có bám sát quy tắc của OECD về đối xử bình đẳng đối với cổ đông, ngăn cấm giao dịch nội gián...? Điều kiện để chào bán chứng khoán ra công chúng về tăng vốn điều lệ có phù hợp với thực tế và bảo đảm đồng bộ, công bằng trên thị trường?
Liên quan đến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, dự thảo Luật đề xuất nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên từ 30 tỷ đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu thực trạng hiện 97% doanh nghiệp Việt Nam vẫn là nhỏ và siêu nhỏ, vốn chỉ bình quân 11 tỷ đồng, nay dự án luật nâng lên 30 tỷ đồng, thì có mâu thuẫn với chủ trương đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp không?
Các chuyên gia cũng đặt vấn đề, việc hình thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có phù hợp với Nghị quyết số 18/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả?
Cùng với đề xuất khắc phục tình trạng dự án Luật thiếu vắng các quy định về hội nghề nghiệp, có ý kiến đề xuất Ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định của dự án Luật để bảo đảm tính cụ thể, bởi còn số lượng lớn các quy định (39 khoản) giao Chính phủ quy định chi tiết.
“Việc sửa đổi luật này đổi phải tạo ra được kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở ý kiến đại biểu tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán sửa đổi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 tới (dự kiến diễn ra từ ngày 10 -19/4 tới - PV). Sau đó sẽ có phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra chính thức dự án Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7...”, ông Thanh cho hay.