Theo ông, điểm thay đổi quan trọng nhất của Luật Chứng khoán 2019 so với luật hiện hành là gì? Thay đổi này tác động đến thị trường chứng khoán như thế nào?
Nhìn chung Luật mới sẽ có tác động tích cực đến thị trường bên cạnh hành lang pháp lý đang có xu hướng chuẩn hóa, hoạt động chào bán được đi vào quy củ, hợp xu thế trong bối cảnh TTCK Việt Nam đang nỗ lực cải thiện các tiêu chuẩn được nâng hạng giai đoạn 2021 - 2022.
Văn bản Luật có một số điểm thay đổi chính yếu.
Ðó là việc mở rộng và thêm các định nghĩa về chứng khoán bao gồm cả chứng chỉ lưu ký (Depositary Receips - DR), định nghĩa về nhà đầu tư chuyên nghiệp bao gồm nhà đầu tư có chứng chỉ hành nghề, thêm định nghĩa nhà đầu tư chiến lược bao gồm cả các DN tư nhân.
TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK PSI
Ðối với đến chào bán công khai và chào bán riêng lẻ, Luật Chứng khoán 2019 đã phân biệt và quy định về thủ tục chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), chào bán thêm cổ phiếu... điều kiện chào bán của 1 công ty đại chúng với vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ so với trước đây là 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, là những quy định mới liên quan đến công ty đại chúng, quy định chào bán, rồi tổ chức vận hành TTCK, quy định với CTCK công ty quản lý quỹ...
Luật Chứng khoán đã sửa đổi định nghĩa về công ty đại chúng và đây đó có những nỗi lo nâng điều kiện lên sẽ khiến số lượng các công ty đại chúng suy giảm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi không cho rằng số lượng các công ty đại chúng sẽ giảm. Số lượng các DN đại chúng chưa đăng ký với nhà quản lý vẫn còn rất lớn.
Luật Chứng khoán 2019 tiến tới việc sàng lọc cũng như tuyển chọn đầu vào các DN phù hợp, hạn chế những DN quá nhỏ hoặc yếu kém - đây là bước chặn hợp lý và phù hợp với định hướng phát triển của thị trường chung.
Tất nhiên, luật mới sẽ không thể làm hài lòng được tất cả các nhà đầu tư, các cổ đông của các công ty không đủ điều kiện đại chúng. Ðiều này đòi hỏi chính các công ty đó phải nỗ lực cải thiện tình hình, tăng vốn để đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn mới.
Trên thị trường vừa qua xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao khiến nhiều người e ngại đây là công cụ tiềm ẩn rủi ro. Quy định trong luật mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có giúp nhà đầu tư an tâm hơn về hàng hóa này không, theo ông?
Bất kỳ chứng khoán nào cũng tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến thị trường, liên quan đến tổ chức phát hành hay các điều kiện kinh tế vĩ mô thay đổi.
Nhà đầu tư luôn cần cẩn trọng khi quyết định giao dịch, dù đó là cổ phiếu hay trái phiếu. Riêng đối với trái phiếu doanh nghiệp, trước khi quyết định mua, đơn vị phát hành và đơn vị bảo lãnh phát hành hoặc tư vấn đều cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Bên cạnh lãi suất, nhà đầu tư cần quan tâm đến khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo hay tình hình hoạt động kinh doanh của DN.
Tại Việt Nam do chưa có tổ chức định mức tín nhiệm doanh nghiệp, nên thị trường trái phiếu chưa được chuẩn hóa. Nhà đầu tư vì thế phải chú ý nhiều hơn đến rủi ro.
Năm 2019 cũng là năm chứng kiến nhiều mã cổ phiếu suy giảm giá mạnh, gây mất niềm tin của nhiều nhà đầu tư vào chất lượng hàng hóa. Luật mới có những điểm nào giúp nâng cao chất lượng hàng hóa, hạn chế những trường hợp cổ phiếu ảo?
Kể cả TTCK phát triển như Mỹ, châu Âu, họ vẫn để lọt nhiều DN yếu kém niêm yết, làm giả các số liệu kinh doanh rồi các tiêu chí niêm yết không được tuân thủ chặt chẽ.
Cho dù Luật có quy định mức vốn điều lệ tối thiểu của các công ty đại chúng, nhưng đây chỉ là 1 điều kiện, chưa đủ để sàng lọc hàng hóa.
Các hiện tượng thao túng số liệu báo cáo tài chính vẫn luôn có, không chỉ ở Việt Nam, vì thế bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các tổ chức tư vấn thì chính các nhà đầu tư cũng cần phải có hiểu biết cơ bản để phân loại, chọn lọc được các doanh nghiệp chất lượng trước khi đầu tư.