“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ III): PPI “chết đuối” do những khoản phải thu khó đòi

“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ III): PPI “chết đuối” do những khoản phải thu khó đòi

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp "trống dong, cờ mở" khi chào sàn niêm yết với những kỳ vọng và kế hoạch tăng trưởng khả quan. Nhưng sau khi niêm yết, tất cả đã thành dĩ vãng khi bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc vào diện kiểm soát. Nhiều nhà đầu tư đã ngậm ngùi vì thua lỗ khi "đầu tư nhầm mã" hoặc là nạn nhân của việc "đua mua theo tin đồn".

Nguy cơ hủy niêm yết 

Ngày 12/4/2018, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã quyết định đưa cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương vào diện kiểm soát và sẽ bị hạn chế thời gian giao dịch (cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch) kể từ ngày 19/4/2018.

Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 2 năm 2016 và năm 2017 âm 37,27 tỷ đồng và 84,66 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm lần lượt 13,2 tỷ đồng và 68,25 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 và 2017.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) tiền thân là một đơn vị trực thuộc Cienco 1, được  thành lập năm 1987 và chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần, hoạt động trên hai lĩnh vực chính là xây dựng hạ tầng giao thông và đầu tư kinh doanh bất động sản từ năm 2004.        

Trước đó, cổ phiếu PPI đã thuộc diện bị cảnh báo. Và ngay khi nhận được báo cáo tài chính quý IV/2017 của Công ty, ngày 2/2/2018, HOSE đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ cổ phiếu PPI bị đưa vào diện bị kiểm soát đối với nhà đầu tư.

Sau khi giải trình về nguyên nhân giải trình nguyên nhân lợi nhuận âm trong 2 năm 2016-2017 và phương hướng khắc phục, cổ phiếu PPI đã được HOSE cho giao dịch cả ngày dưới dạng bị kiểm soát kể từ phiên 23/4/2018.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tiếp tục âm 2,9 tỷ đồng và nếu tình hình kinh doanh này không được cải thiện trong các quý còn lại của năm, nhiều khả năng cổ phiếu PPI sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Cổ đông lớn nhanh chân thoát ra với giá cao sau niêm yết 

Cổ phiếu PPI niêm yết trên HOSE từ ngày 12/4/2010 với mức giá tham chiếu 32.000 đồng/cổ phiếu và ngay trong ngày chào sàn, PPI đã tăng trần lên 38.400 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu này giằng co quanh ngưỡng 40.000 đồng, có lúc lên mức 46.400 đồng.

Ngay khi chào sàn với mức giá tăng mạnh, hàng loạt cổ đông lớn và cổ đông nội bộ của PPI đã bán ra. Cụ thể, ngay trong tuần giao dịch thứ 2 lên sàn, CTCK Âu Việt (AVS), cổ đông lớn (sở hữu 7,92% vốn) và là người có liên quan với thành viên HĐQT PPI bán ra 300.000 cổ phiếu PPI để giảm sở hữu xuống 4,92% (tương đương 493.000 cổ phiếu). Sau đó, AVS tiếp tục có thêm 2 đợt thoái vốn nữa và rút toàn bộ vốn khỏi PPI vào ngày 17/5. Giai đoạn này, cổ phiếu PPI dao động trên dưới mức 40.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, ngay khi PPI vừa lên sàn, CTCK Sài Gòn (SSI), cổ đông lớn sở hữu 5,09% vốn PPI cũng bán 50.000 cổ phiếu để giảm sở hữu xuống 460.000 cổ phiếu, tỷ lệ 4,59%. Sau giao dịch, SSI không còn là cổ đông lớn của PPI, nên việc bán tiếp sau đó không phải công bố.

Ngoài 2 tổ chức trên, con gái ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PPI cũng bán 14.390 trong 14.392 cổ phiếu PPI nắm giữ trong thời gian từ 10/5-10/7/2010.

Ngay sau đó, PPI đã tiến hành phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 150 tỷ đồng (hiện PPI có vốn điều lệ 482,9 tỷ đồng), đồng thời HĐQT PPI cũng thông qua việc phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn đầu tư vào các dự án.

“Long đong” trên sàn niêm yết (Kỳ III): PPI “chết đuối” do những khoản phải thu khó đòi ảnh 1

 Kết quả kinh doanh của PPI từ năm 2010-2017

Sau hiệu ứng chào sàn và các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ bán mạnh ra, cổ phiếu PPI đã giảm nhanh kể từ đầu tháng 8/2010 về vùng 20.000 đồng vào cuối năm 2010.

Năm 2010 cũng là năm PPI ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất của PPI từ trước đến nay với doanh thu 435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 39,5 tỷ đồng. Sau năm chào sàn tốt đẹp, tình hình kinh doanh của PPI tụt dốc mạnh các năm sau đó khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2011 giảm tới 64% và 82,8%. Trong năm 2012, dù doanh thu hồi phục 23%, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tiếp tục tụt dốc với mức giảm 86,5%, xuống chỉ còn dưới 1 tỷ đồng và tiếp tục chỉ còn vỏn vẹn 106 triệu đồng trong năm 2013, trong khi doanh thu năm này cũng giảm tới 46%.

Sau khi hồi phục mạnh trở lại trong 2 năm 2014-2015 với doanh thu lần lượt đạt 253 tỷ đồng và 439 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 22,9 tỷ đồng và 28,8 tỷ đồng, PPI đã lỗ nặng trong 2 năm liên tiếp vừa qua. Thậm chí, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 của PPI chỉ còn 39,2 tỷ đồng, giảm 84% so với năm 2016 và có lợi nhuận góp âm 11,5 tỷ đồng.

Sức ép nợ xấu

Dù có những năm ghi nhận kết quả doanh thu và lợi nhuận tích cực, nhưng nhiều khả năng, doanh thu và lợi nhuận này không phản ánh thực chất hoạt động của PPI. Bởi theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán các năm qua, khoản phải thu của khách hàng đều chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu khi chiếm tới hơn 50%, thậm chí trên 100% doanh thu.

Ngay cả trong năm 2010, các khoản phải thu của khách hàng cũng chiếm 69% doanh thu của PPI. Tuy nhiên, trong các năm từ 2010-2014, các khoản phải thu của khách hàng là các khoản phải thu ngắn hạn. Bắt đầu từ năm 2015, PPI xuất hiện các khoản phải thu dài hạn của khách hàng với giá trị lớn.

Cụ thể, năm 2015, các khoản phải thu dài hạn của khách hàng của PPI là 296,46 tỷ đồng, năm 2016 là 252,81 tỷ đồng và năm 2017 là 184,66 tỷ đồng.

Ngoài các khoản phải thu dài hạn, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tiếp tục xuất hiện lớn trong các năm này, trong đó năm 2015 là 225,77 tỷ đồng, chiếm 51,4% doanh thu; năm 2016 là 165,87 tỷ đồng, chiếm 66,5% doanh thu và năm 2017 là 69,98 tỷ đồng, chiếm 75% doanh thu.

Việc các khoản phải thu dài hạn của khách hàng chỉ xuất hiện từ năm 2015 cho thấy, nhiều khả năng, các khoản phải thu của khách hàng mà PPI ghi nhận vào doanh thu các năm trước trở thành các khoản nợ dài hạn khó đòi, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Công ty hiện nay.

Thực tế, giải thích nguyên nhân thua lỗ nặng trong 2 năm vừa qua, PPI cho biết, ngoài doanh thu giảm, chi phí tăng, thì nguyên nhân chính khiến Công ty thua lỗ lớn là “nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng, kiểm toán tiến hành trích lập dự phòng bổ sung các khoản phải thu dựa trên tuổi nợ các khoản phải thu”.

Trong đó, riêng năm 2016, một lý do quan trọng khác là do doanh thu bán hàng giảm bởi khoản doanh thu chưa nhận được thanh toán và ghi nhận vào công nợ phải thu, nên kiểm toán cho rằng, chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư nhận trái đắng

Chạy theo con sóng lên sàn của PPI, nhiều nhà đầu tư đã nhận trái đắng khi trở thành người “nắm lửa” do các công ty chứng khoán lớn truyền qua.

Như đã phân tích ở trên, ngay khi lên sàn và đẩy lên mức giá trên dưới 40.000 đồng, thậm chí trên 46.000 đồng, 2 cổ đông lớn là SSI và AVS đã đồng loạt thoái hết vốn khỏi PPI để thực hiện hóa lợi nhuận.

Sau khi lên mức đỉnh 46.400 đồng/cổ phiếu 6/5/2010, cổ phiếu PPI giữ mức giá trên dưới 40.000 đồng/cổ phiếu cho đến nửa cuối tháng 6/2010, trước khi giảm dần đều và về mức dưới 23.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2010.

Sang năm 2011, đà giảm của PPI tiếp tục diễn và chính thức xuống dưới tham chiếu cuối tháng 6/2011 và tiếp tục tụt dốc dần xuống dưới ngưỡng 5.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2012 và lình xình quanh ngưỡng 5.000 đồng trong năm 2013.

Năm 2014 và đầu năm 2015, với việc doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trở lại, cổ phiếu PPI cũng được kéo tăng mạnh lên trên mức mệnh giá, có lúc vượt qua ngưỡng 16.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, những nhà đầu tư nào kỳ vọng giá cổ phiếu này sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim như mới niêm yết nhận quả đắng, bởi từ cuối tháng 4/2015, giá cổ phiếu PPI tiếp tục giảm mạnh trở lại xuống dưới mệnh giá, thậm chí trở lại vùng 5.000 đồng/cổ phiếu.

Với mức thua lỗ trong năm 2016 và 2017, cổ phiếu PPI tiếp tục lao dốc xuống mức 2.000 đồng/cổ phiếu và xuống mức dưới 1.200 đồng/cổ phiếu hiện nay. 

Tin bài liên quan