Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Khoảng hở chốt room ngoại trên TTCK (Bài 2): Hàng loạt doanh nghiệp vô tư phạm luật

(ĐTCK) Nếu tất cả các doanh nghiệp niêm yết đều thực hiện trách nhiệm tự rà soát ngành, nghề kinh doanh, xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp buộc phải khóa room về 0% hoặc thấp hơn 49%. Liệu đây có phải là nỗi lo lớn của thị trường chứng khoán (TTCK) khi lâu nay nghĩa vụ này được “phớt lờ”?

Bài 2: Hàng loạt doanh nghiệp vô tư phạm luật

Về trường hợp bất ngờ khóa room ngoại xuống 0%, một đại diện Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, theo các quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 123/2015/TT-BTC, Vinaconex có trách nhiệm tự rà soát ngành, nghề kinh doanh, xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, báo cáo UBCK. Sau khi xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và được UBCK xác nhận, Vinaconex thực hiện công bố ra công chúng.

Trong công văn báo cáo UBCK, Vinaconex cho biết, trong 26 mã ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, có 2 ngành nghề bị giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 0% và 5 ngành nghề chưa xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Cụ thể, 2 mã ngành nghề bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài 0% là bán buôn sản phẩm thuốc lá, thuốc lào (theo quy định tại Thông tư 34/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền phân phối thuốc lá) và cung ứng và quản lý nguồn lao động (hoạt động xuất khẩu lao động).

Theo Điều 2 - Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 1/8/2017 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: “Doanh nghiệp được xem xét cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo luật doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức cá nhân Việt Nam”.

5 ngành nghề chưa xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa gồm bán buôn nông lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống; đại lý môi giới, đấu giá; sản xuất, truyền tải và phân phối điện (theo Khoản 2, Điều 4 - Luật Điện lực 2004:

“Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh); dịch vụ lưu trú ngắn ngày thuộc danh mục 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư, nhưng chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Ngoài ra đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản là ngành nghề hoạt động chính của Vinaconex, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện các hoạt động trong phạm vi quy định của Điều 11 - Luật Kinh doanh Bất động sản số 66/2014/QH.

Theo quy định tại Mục c, Khoản 2, Điều 1 - Nghị định số 60/2015/NĐ-CP: “Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề mà công ty đó hoạt động có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp các điều ước quốc tế có quy định khác”. Như vậy, việc khóa room ngoại về 0% của Vinaconex như thông báo mới đây là có cơ sở.

Bình luận về trường hợp này, đại diện UBCK cho rằng, lâu nay Vinaconex chưa thực hiện thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định, dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài đã "xé" room mua vào 48 triệu cổ phiếu VCG và hiện đang sở hữu 10,88% cổ phần tại Vinaconex.

Đáng lưu ý là giao dịch của khối ngoại tại Vinaconex không phải đã diễn ra từ trước khi có Nghị định 60/2015. Cổ đông lớn PYN Elite Fund hồi đầu tháng 2/2018 đã mua 1,38 triệu cổ phiếu VCG, trở thành cổ đông lớn từ ngày 5/2/2018; đầu tháng 5, quỹ này tiếp tục mua 707.000 cổ phiếu và cuối tháng 6 mua tiếp 500.000 cổ phiếu VCG.

Song, Vinaconex không phải là trường hợp cá biệt. Doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm của mình cũng không bị nhắc nhở, giám sát. Đồng thời, Thông tư 123/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng không đưa ra thời hạn doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ rà soát.

Vậy nên, trong gần 3 năm, hàng nghìn công ty đại chúng cứ vô tư vi phạm luật. Nếu tra soát công bố thông tin của hàng trăm doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay, hầu như không có doanh nghiệp nào thực hiện thủ tục thông báo room như các quy định mà UBCK cho biết. Chỉ có lẻ tẻ một số doanh nghiệp thực hiện nới room lên 100% công bố thông tin.

Từ trường hợp của Vinaconex, nhìn rộng hơn tới các doanh nghiệp khác, có thể thấy, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết có nguy cơ rơi vào tình cảnh tương tự. PYN Elite Fund và nhiều nhà đầu tư ngoại hiện đang sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần tại nhiều doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh như vậy.

Cũng có nhà đầu tư thắc mắc, tại sao PVPower có cùng ngành hoạt động “Sản xuất, truyền tải và phân phối điện” như Vinaconex, mà mới đây doanh nghiệp này lại công bố room ngoại 49%. Thậm chí, Nghị quyết HĐQT của PVPower ngày 20/9/2018 còn quyết nghị không hạn chế sở hữu nước ngoài.

Tình trạng lộn xộn room ngoại trên TTCK Việt Nam đã được các nhà đầu tư nước ngoài phản ánh nhiều lần. Gần nhất, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018, nhà đầu tư phản ánh, các thông tin thay đổi room được công bố thành các tin rời rạc trên các website của Sở GDCK hay bản thân công ty đại chúng, công ty niêm yết.

Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài không tìm được nguồn thông tin tập trung, cập nhật, chính thống về room của tất cả công ty niêm yết, công ty đại chúng, dẫn đến giao dịch mù mờ và họ e ngại có thể vô tình vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

(còn tiếp)

Tin bài liên quan