Có không ít doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu, trả lãi suất cao.

Có không ít doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu, trả lãi suất cao.

Lộ diện kênh đầu tư “bự”, cạnh tranh chứng khoán và tiết kiệm

(ĐTCK) Từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp nhộn nhịp tung ra các chương trình hút tiền của nhà đầu tư với lãi suất cao hơn nhiều so với tiền tiết kiệm, lại ít rủi ro hơn so với chứng khoán.

Trên các “chat room” của nhà đầu tư gần đây xuất hiện chào mua trái phiếu của Công ty TNHH Camimex, doanh nghiệp được quảng cáo nằm trong Top 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Ðây là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ, lãi suất lên tới 12% năm.

Số tiền doanh nghiệp huy động đợt này là 100 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu 1 năm, tài sản đảm bảo là 50% vốn góp tại Công ty TNHH Camimex.

Một số nhân viên Công ty Chứng khoán MB (MBS) chào bán trái phiếu trên tới các nhà đầu tư, nhưng lại cho biết, họ đại diện cho Công ty SafeInvest. Ðây là đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm trái phiếu này.

Tìm hiểu về Camimex trên thị trường thì có Công ty cổ phần Camimex, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về nuôi tôm sinh thái và xuất khẩu tôm tại Cà Mau. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa có bất cứ thông tin nào công bố về đợt chào bán trái phiếu.

Báo Ðầu tư Chứng khoán đã liên hệ doanh nghiệp để tìm hiểu về đợt chào bán trái phiếu cũng như thông tin, thủ tục để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Hỏi nhân viên môi giới thì họ cho biết, cuối tháng 2, doanh nghiệp mới công bố và ra hợp đồng giao kết với nhà đầu tư.

Ðáng lưu ý, trong tài liệu gửi tới các nhà đầu tư, phương án kinh doanh của doanh nghiệp đưa ra rất tham vọng, với kế hoạch năm 2019 là doanh thu thuần đạt 4.476 tỷ đồng, tăng 87%, lợi nhuận sau thuế 133 tỷ đồng, tăng 102% so với năm 2018; quy mô nuôi trồng tôm sinh thái đạt 15.000 ha trong giai đoạn 2020 - 2022.

Trong khi đó, lãi suất 12%/năm có thể coi là mức lãi suất hấp dẫn nhất trên thị trường hiện nay, nên có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến sản phẩm trái phiếu, họ đặt ra các câu hỏi như thủ tục bán trước hạn, các bên tham gia ký kết hợp đồng, tài sản đảm bảo…

Thông qua công ty chứng khoán và các ngân hàng, hiện có không ít doanh nghiệp khác thông báo huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Nhiều khách hàng cho biết, họ quan tâm và tham gia mua trái phiếu của Tập đoàn Vingroup. Kỳ hạn dao động khoảng 20 - 24 tháng, lãi suất 8,2 - 8,8%/năm và ưu điểm là khi có nhu cầu, khách hàng có thể bán trái phiếu bất cứ lúc nào, chứ không phải để đến cuối kỳ như tiền gửi tiết kiệm.

VPBank chào bán trái phiếu của Công ty cổ phần An Cường - An Thịnh, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai, với lãi suất cao.

Các doanh nghiệp như Novaland, Massan thường huy động trái phiếu qua Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).

Trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là kênh huy động vốn khá thuận lợi trong thời gian gần đây. Theo một thống kê, Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF) đã trở thành quỹ đầu tư nội địa lớn nhất tại Việt Nam.

Tính đến ngày 20/11/2018, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ đạt 5.616 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng quy mô tài sản của các quỹ đầu tư trên thị trường, tương đương 12.585 đồng/chứng chỉ quỹ. Trong năm 2018, NAV của Quỹ tăng 185%, trung bình tăng hơn 300 tỷ đồng/tháng.

Bên cạnh lãi suất duy trì ở mức hấp dẫn, lợi thế quỹ mở trái phiếu cũng như trái phiếu doanh nghiệp là có tính linh hoạt rất cao cho các nhà đầu tư. Cụ thể, khách hàng có thể bán lại chứng chỉ quỹ, trái phiếu khi cần đáp ứng nhu cầu thanh khoản và nhận lãi suất thực gửi, có nghĩa là không phải chịu lãi suất không kỳ hạn như gửi tiết kiệm ở thời điểm rút vốn trước hạn.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc TCBS cho biết, tiềm năng của kênh huy động vốn này là rất lớn, bởi so sánh với khu vực, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ.

Ðứng ở góc độ nhà đầu tư, ai cũng mong có sản phẩm hấp dẫn, dễ sinh lời và có tính an toàn cao. Tuy nhiên, khi lợi nhuận lớn thì rủi ro sẽ không thấp. Khi cân nhắc bỏ vốn vào doanh nghiệp nào đó, nhà đầu tư cần xem xét, nghiên cứu thông tin và mẫu hợp đồng, đơn vị phát hành, đơn vị thanh toán… thật kỹ để đảm bảo quyền lợi.

Tin bài liên quan