Ngoài các chỉ số định giá cổ phiếu như P/E, BV thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của DN là một yếu tố quan trọng mà NĐT cần quan tâm - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Ngoài các chỉ số định giá cổ phiếu như P/E, BV thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của DN là một yếu tố quan trọng mà NĐT cần quan tâm - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Lo cho năng lực cạnh tranh

(ĐTCK-online) Trong bối cảnh lãi suất, lạm phát, tỷ giá đều tăng cao do tác động của cả các yếu tố khách quan và chủ quan thì chỉ những DN nào thực sự có năng lực cạnh tranh mới trụ vững và tiếp tục phát triển. Vì vậy, ngoài các chỉ số định giá cổ phiếu như P/E, BV thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của DN là một yếu tố quan trọng mà NĐT cần quan tâm.

Giám đốc một công ty sản xuất thép tỏ ra rất lo lắng về tình trạng lãi suất vốn vay cao như hiện nay dù DN của ông được vay với lãi suất “khá mềm” ở mức 16,5 - 17%/năm. Điều lo lắng của ông là nếu lãi suất vay vốn quá cao thì năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sẽ giảm đi so với hàng ngoại nhập.

Giá thành sản xuất tăng, hàng Việt Nam vốn đã phải cạnh tranh vất vả với hàng nhập khẩu lại càng trở nên lép vế hơn. Và khi hàng trong nước suy giảm năng lực cạnh tranh thì hàng hóa nước ngoài giá rẻ hơn sẽ tràn vào thị trường nội địa. Nhập siêu lại gia tăng và bất ổn vĩ mô lại càng thêm trầm trọng.

“Lo ngại suy giảm khả năng cạnh tranh của sản xuất công nghiệp trong nước là điều mà những doanh nhân khác cũng chia sẻ với tôi rất nhiều trong những tháng gần đây”, ông này nói. DN của ông có thể cạnh tranh được là nhờ vào quy mô sản xuất lớn, do mua lại và sáp nhập với DN cùng ngành khác từ một năm trước. Nhưng nhiều DN khác không có khả năng cạnh tranh bằng sự khác biệt trong sản phẩm dịch vụ của mình.

Cho đến thời điểm này, một số DN cũng trong ngành thép lại lên tiếng phản đối việc tăng giá điện quá cao, trong khi đáng ra ngay từ khi lập kế hoạch đầu tư kinh doanh, họ đã phải lường trước việc giá điện Việt Nam sớm hay muộn cũng phải thoát khỏi bao cấp và tiệm cận với giá điện trong khu vực.

Nhìn lại các DN đang niêm yết, một dấu hiệu tích cực là những DN đầu ngành có khả năng cạnh tranh dựa vào những lợi thế riêng đều xây dựng được kế hoạch kinh doanh tuy không tăng trưởng hoặc tăng trưởng thấp so với năm 2010, nhưng kế hoạch là khá khả thi. Đặc biệt, việc phòng ngừa rủi ro do những biến động của nền kinh tế đang được đặt lên hàng đầu do các DN đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong năm qua. Nhưng một bộ phận DN khác gần như đứng yên trong năm nay do năng lực cạnh tranh suy giảm. Giám đốc một DN niêm yết ngành dệt may dự báo, nhiều công ty nhỏ có thể phải phá sản khi không còn nguồn vốn hỗ trợ lãi suất như năm ngoái.

Khi đồng vốn còn rẻ, nhiều DN đã không tận dụng được cơ hội để nâng cao khả năng cạnh tranh. Khi đồng tiền dễ không còn, thị trường sẽ sàng lọc và đào thải những DN này. Một số DN niêm yết sẽ là những đơn vị thuộc diện bị đào thải khi những người chủ sáng lập đưa DN lên niêm yết chỉ với mục đích là bán cổ phần thoái vốn.

Điều nhiều DN mong muốn là lãi suất sẽ sớm hạ nhiệt bằng gói giải pháp của Chính phủ, trong đó có cắt giảm chi tiêu công và điều hành thị trường tiền tệ bằng các giải pháp thị trường. Tuy nhiên, trách nhiệm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam không chỉ thuộc về Chính phủ mà trước tiên thuộc về chính các DN. DN nào có khả năng cạnh tranh, tạo được sự khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ của mình mới đáng là đối tượng để nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu lâu dài.