Lập mới công ty chứng khoán, điều kiện nên dễ dàng hơn

Lập mới công ty chứng khoán, điều kiện nên dễ dàng hơn

(ĐTCK) Cho rằng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gây khó cho việc thành lập mới công ty chứng khoán, không ít chuyên gia khuyến nghị, nên nới điều kiện cấp giấy phép hoạt động loại hình công ty này.

Không nên siết

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nỗ lực tái cơ cấu khối công ty chứng khoán theo hướng giảm lượng, tăng chất, nên trong định hướng chính sách mà cơ quan này đưa ra tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi là siết điều kiện thành lập mới công ty chứng khoán.

Cụ thể, về điều kiện cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện để trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2019, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định:

Cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn tại công ty chứng khoán có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn là tổ chức có tư cách pháp nhân và đang hoạt động hợp pháp; hoạt động kinh doanh có lãi trong 2 năm liền trước năm đề nghị cấp giấy phép và không có lỗ lũy kế; báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn bộ.

Trường hợp công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu phải là doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc ngân hàng thương mại, hoặc tổ chức nước ngoài. Tỷ lệ vốn góp của tổ chức tối thiểu 65% vốn điều lệ, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại sở hữu tối thiểu 30% vốn điều lệ...

“Quy định như trên là muốn hạn chế cấp phép thành lập mới công ty chứng khoán. Quy định này không ổn, vì các tổ chức ngân hàng, công ty bảo hiểm trong nước hiện hầu hết đã thành lập các công ty chứng khoán, nên dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi trao cho họ quyền đảm đương vai trò cổ đông sáng lập là không cần thiết, bởi họ không có nhu cầu thành lập công ty chứng khoán mới.

Mặt khác, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh họ có năng lực kinh doanh hơn các chủ thể khác trong nền kinh tế. Cơ quan quản lý muốn phát triển thị trường chứng khoán, nhưng lại hạn chế phát triển các công ty chứng khoán là không phù hợp với yêu cầu của một thị trường tự do”, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Văn Mạnh nhìn nhận. 

Cần cấm ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm

Ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt đề xuất, nên nới lỏng điều kiện cấp giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán đối với các tổ chức kinh tế phi tài chính. Tuy nhiên, cần cấm tất cả các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm thành lập công ty chứng khoán.

Theo kinh nghiệm phát triển thị trường chứng khoán của các nước, điển hình là Hàn Quốc, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, Hàn Quốc cấm tất cả các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm phép thành lập công ty chứng khoán, mà chỉ cho tổ chức kinh tế phi tài chính thành lập công ty chứng khoán.

“Các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi của công chúng nên không được phép cung cấp vốn cho các công ty chứng khoán để cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Khi thị trường chứng khoán bước vào chu kỳ tăng giá, hoạt động cho vay margin sẽ mang lại nhiều lợi nhuận, dễ dẫn đến các ngân hàng tìm cách cho vay lĩnh vực này. Khi họ cho vay nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bong bóng chứng khoán, gây rủi ro cho hệ thống tài chính”, ông Dũng nói.

Về cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn tại công ty chứng khoán, ông Dũng đề xuất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sửa dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng chỉ cần tối thiểu 1 cổ đông tổ chức phi ngân hàng hoặc phi bảo hiểm, đồng thời bãi bỏ tỷ lệ vốn góp của tổ chức tối thiểu là 65% vốn điều lệ.

Nới lỏng điều kiện thành lập công ty chứng khoán sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, đào thải các công ty chứng khoán ốm yếu theo luật chơi của thị trường, thay vì áp đặt các quyết định hành chính của cơ quan quản lý.

“Việc nới lỏng điều kiện thành lập mới công ty chứng khoán sẽ làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường, từ đó công ty chứng khoán yếu kém sẽ tự nguyện giải thể, mà không cần sự can thiệp của Nhà nước. Thực tế, trong 10 năm qua, chỉ có một vài công ty chứng khoán tự giải thể như Kim Long, Sao Việt, Âu Việt, trong khi hàng chục công ty chứng khoán yếu kém khác không chịu giải thể, vì chờ bán giấy phép, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, cho thị trường”, ông Dũng nhấn mạnh.               

Tin bài liên quan