Lao vào bắt đáy FTM, đừng quên những rủi ro chực chờ

Lao vào bắt đáy FTM, đừng quên những rủi ro chực chờ

(ĐTCK) Diễn biến cổ phiếu FTM (CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân) có lẽ lại trở thành ví dụ kinh điển cho các nhà đầu tư ưa thích lướt sóng. Bất chấp thông tin về hoạt động kinh doanh không khả quan và những dấu hỏi về lãnh đạo doanh nghiệp chưa được giải đáp, nhà đầu tư vẫn lao vào bắt đáy. 

Nếu như trong chuỗi rơi xuống vực thẳm của cổ phiếu FTM, hiếm có những lời than vãn, tiếc nuối, chửi rủa - một dấu hiệu cho thấy không có sự tham gia nhiều của nhà đầu tư nhỏ lẻ thì nay, trong chuỗi tăng trần của FTM, đã xuất hiện sự hồ hởi vì bắt trúng đáy, thậm chí tiếc nuối vì “mua hơi ít” - tín hiệu rõ nét gia nhập cuộc chơi của những nhà đầu tư liều lĩnh.

Nhà đầu tư cá nhân N.N chia sẻ, anh bắt trúng đáy cổ phiếu FTM, lãi gần 40% nên bán luôn, chứ để tới nay còn ngon lành nữa. “Con này phải lên mệnh giá”, nhà đầu tư này chia sẻ.

Khi được hỏi, cơ sở nào để FTM lên giá đó, anh N. cho biết, “dòng tiền đã thích thì đẩy giá cổ phiếu lên thôi, nhưng cổ phiếu này chỉ để lướt lát”. Dù vậy, nhà đầu tư này cho biết, nếu có nhiều tiền hơn sẽ mua FTM nhiều hơn.

Trên các diễn đàn về đầu tư chứng khoán, nhiều ý kiến của các thành viên cảnh báo hãy tránh xa những cổ phiếu như FTM, hoặc “đừng dại vào đổ bô cho các ông lớn”. Nhưng cũng không ít ý kiến phản bác, “đợt này FTM ăn ngon thật, tiếc vì mua hơi ít”, “đợi về mệnh giá thì ngon”, “giá 24 không cảnh báo, giá 2,6 cảnh báo làm gì?”…

Tất cả những diễn biến này xảy ra khi FTM bất ngờ giảm sàn từ ngày 15/8 - 26/9 và rồi cũng bất ngờ tăng trần từ 27/9 đến 8/10, trước khi lại lau sàn vào 9/10.

Mỗi nhà đầu tư có một khẩu vị đầu tư khác nhau, mỗi "gu" đầu tư đó, đều có những lúc mang lại món hời lớn, cũng có lúc sẽ là cháy tài khoản.

Trường hợp FTM, có thể nhìn nhận, các nhà đầu tư dù có bắt đáy, nhưng cũng có phần dè dặt hơn trước những thông tin về FTM và lãnh đạo, đặc biệt lại liên quan đến khoản thiệt hại của công ty chứng khoán - nhân tố được cho là chuyên nghiệp, chủ động trên thị trường.

Nhưng, khi FTM kéo dài đà tăng đã kích thích hơn nữa lòng tham của nhà đầu tư, cơn say bắt đáy cổ phiếu đã giảm quá mạnh như FTM chưa dừng lại.

Dĩ nhiên, đó mới chỉ là ghi nhận ở góc độ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bên mua tham gia trong đợt này, có lẽ không chỉ có các nhà đầu tư cá nhân, mà còn có cả những nhà đầu tư muốn gia tăng quyền biểu quyết chính thức tại Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 14/10 tới của FTM.

Còn bên bán, không ai khác, đa phần là bán giải chấp từ phía các công ty chứng khoán - nắm trong tay 60% cổ phiếu cầm cố margin.

Với mức giá cho vay ký quỹ trung bình của công ty chứng khoán cấp cho FTM khoảng 6.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu, bán ở giá này, công ty chứng khoán không gỡ gạc được nhiều, nhưng bán được còn hơn là mất trắng thanh khoản như đã từng xảy ra trong tháng 9.

Theo cập nhật của Báo Đầu tư Chứng khoán, một số công ty chứng khoán đã bán giải chấp xong đối với FTM, một số công ty vẫn tiếp tục thực hiện.

Kết luận cuối cùng về vụ việc, thị trường vẫn đang chờ đợi từ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, khi lao vào bắt đáy, có lẽ, nhà đầu tư cần bình tĩnh hơn, để tiếp tục nhìn nhận thêm lần nữa về thực trạng của doanh nghiệp, về những dấu hiệu rủi ro chờ sẵn.

Trước hết, là ngành sợi hiện nay gặp nhiều khó khăn và được nhiều chuyên gia nhận định vẫn còn sớm để đưa ra dự báo triển vọng trước những diễn biến thăng trầm của thương chiến Mỹ - Trung.

Nửa đầu năm nay, biên lãi gộp của FTM chỉ còn 2,28%, so với con số 11,6% cùng kỳ năm 2018. Doanh thu sụt giảm sâu, biên lãi gộp tí tẹo, nhưng dư nợ phải trả của FTM lại lên đến 1.178 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn là 476,6 tỷ đồng và dài hạn là 243 tỷ đồng, chi phí lãi vay lên đến hơn 32 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là, với tình hình hoạt động của doanh nghiệp và ngành như vậy, khả năng trả nợ của FTM sẽ như thế nào?

Chưa kể đến, trong lần Đại hội đồng cổ đông sắp tới, FTM sẽ tiến hành bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị để lựa chọn ra Chủ tịch Công ty; đồng thời bàn về việc tái cơ cấu doanh nghiệp.

Nhân tố mới trong Hội đồng quản trị của FTM sẽ là ai, có mục tiêu gì ở FTM? Nếu là sự quay lại của nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Mạnh Thường thì tương lai FTM liệu có sáng hơn không? Những câu hỏi này, nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi đẩy tiền mua FTM.                     

Tin bài liên quan